Những nguỵ biện trong phát biểu của tiến sỹ Đoàn Hương


Tin liên quan:
✔️ Thuế và phí
✔️ Thông lệ xảo biện
✔️ Tôi không thể tin được...
✔️ Thời kỳ gì đây?
✔️ Thua toàn tập
✔️ “Trời sinh một cặp Thể - Kiên...”



Đã từ rất lâu, tôi không còn đoái hoài đến VTV. Vừa rồi, nhiều dư luận liên quan đến “sáng kiến” của Ts. Bùi Hiền và phát biểu của Ts. Đoàn Hương, vào youtube xem thử phỏng vấn hai tiến sĩ này của VTV, tôi mới biết Ts. Đoàn Hương xuất hiện nhiều trên chương trình Cà Phê Sáng của VTV.

Tôi không nhắm vào câu vạ mồm gọi “đám quần chúng”của bà tiến sĩ, khiến bà phải lãnh gạch đá đủ kiểu trong những ngày qua. Tự thấy mình cũng thuộc vào “đám quần chúng” như bà nói, nên tôi tạm thời dùng cụm từ này để chỉ về “tôi” và “chúng tôi.”

Bài viết phân tích dưới đây sẽ chỉ ra những nguỵ biện của người được phỏng vấn lẫn người phỏng vấn. Chương trình được dàn dựng phải chăng nhằm dẫn dắt “đám quần chúng” đi theo ý đồ của thế lực đen tối bên trong hậu trường?

Trích đoạn phát biểu của tiến sĩ Đoàn Hương:

[1] Công trình của thầy Bùi Hiền là một công trình có ý nghĩa rất là quan trọng trong ngôn ngữ tiếng Việt và đặc biệt là nó có những ý tưởng mới. [2] Đối với các ý tưởng mới thì chúng ta phải học cách tiếp nhận. [3] Còn đánh giá nó thì phải có hội đồng khoa học chuyên môn, còn có các bộ và nhiều nơi khác, chứ không thể nào mà có thể đánh giá ngay được. [4] Những phản ứng vừa rồi thể hiện sự chưa được văn hoá trên các phương tiện thông tin đại chúng về công trình của thầy Bùi Hiền, khi chưa hiểu về những ý tưởng mới vì công trình này rất khó, không phải ai cũng có đọc được, trừ những nhà chuyên môn. [5] Vậy thì trước hết chúng ta phải trân trọng cái ý tưởng mới đó… [6] Nếu bất kỳ ý tưởng mới nào ra đời mà cứ bị ném đá, thì xã hội không thể phát triển được. [7] Xã hội được phát triển bởi những ý tưởng táo bạo, ý tưởng mới, nếu chúng ta chỉ thích đi theo ý tưởng cũ thôi thì xã hội không thể phát triển được. [10] Vấn đề quan trọng ở đây là ủng hộ cái mới. [11] Chứ còn xin lỗi, cái sự điên rồ, có nhiều người nói là điên rồ, thì ngày xưa Copernic cũng bị coi là điên rồ, khi nói trái đất quay, thì lúc đó cả thể giới cứ tưởng là trái đất đứng nguyên. [12] Thậm chí Galileo cũng thế, và thậm chí người ta còn khênh cả ông lên giàn hoả thiêu để đốt đi. [13] Trước một cái mới ra đời, đầu tiên phải suy ngẫm nó, phải nhìn nhận nó bằng một con mắt khoa học. [14] Đây là một công trình khoa học, phải có những nhà khoa học định đoạt, chứ không thể nào một cái đám quần chúng không hiểu gì cả vào và ném đá. […]

Phát biểu trên của bà tiến sĩ có rất nhiều nguỵ biện và mâu thuẫn.

Thứ nhất, mở đầu bà tiến sĩ nói rằng “công trình của thầy Bùi Hiền một công trình có ý nghĩa rất là quan trọng trong ngôn ngữ tiếng Việt và đặc biệt là nó có những ý tưởng mới.” Rồi ở câu 3, vị này lại nói “đánh giá nó thì phải có hội đồng khoa học chuyên môn, còn có các bộ và nhiều nơi khác, chứ không thể nào mà có thể đánh giá ngay được. Bà tiến sĩ đưa ngay ra một đánh giá rất tích cực, hoàn toàn là thiên kiến, chẳng dựa trên nền tảng nào, lý luận nào, bằng chứng nào, rồi bà lại bảo là không đánh giá ngay được, như thế có phải đánh giá của bà vừa vô nghĩa và lập luận cũng tự mâu thuẫn không?

Thật ra, với câu mở đầu, bà tiến sĩ đã khôn khéo dùng từ cụm từ “và đặc biệt là nó có những ý tưởng mới” để giải thích lý do vì đó mà công trình “có ý nghĩa rất là quan trọng”. Bằng cách này, bà dẫn dắt độc giả đi đến công nhận một tiền đề sai: những ý tưởng mới thì có ý nghĩa rất quan trọng, nó có giá trị và có ích lợi. Tiền đề này sẽ làm nền cho các lý luận tiếp theo của bà tiến sĩ.

Phản đề: Ý tưởng giết hết những người Do Thái là một ý tưởng mới, trước Hitler chưa ai nghĩ ra đâu!!!

Thứ hai, bà tiến sĩ khuyên rằng: “đối với các ý tưởng mới thì chúng ta phải học cách tiếp nhận.” Một ý tưởng mới đưa ra mà không cho thấy ích lợi, thậm chí trước mắt nếu được áp dụng nó có nguy cơ làm cho việc sử dụng ngôn ngữ bị đảo lộn, thì “đám quần chúng” sẽ phản ứng tức thì là loại trừ, phản đối nó. Nhiệm vụ của nhà sáng kiến là chỉ cho thấy sự hợp lý và ích lợi thực tế của “ý tưởng mới”, thì khi ấy “đám quần chúng” mới có thể ủng hộ cái mới được. Tự kể mình vào “đám quần chúng không hiểu gì”, tôi nhận thấy ông tiến sĩ không phân biệt được giữa phát âm của S và X, nên mới “sáng kiến” đồng hoá thành một ký tự là S. Ông tiến sĩ cũng không phân biệt được phát âm D và R, nên mới “sáng kiến” thay D, GI, R bằng Z.

Thêm nữa, ông tiến sĩ cũng đã xác định đây mới là công trình chưa được công bố đầy đủ. Một công trình xét tổng thể thì sẽ có sự đánh giá tổng thể. Công trình chỉ công bố một phần, mà “đám quần chúng” đã ngay lập tức nhận ra những cái bất cập của nó, thì làm sao có thể bắt “đám quần chúng” tiếp nhận được toàn bộ “ý tưởng mới” này.

Một nông dân khoe mình có một con gà mái tơ rất béo, nhưng ông chỉ cho người ta xem thấy cái lông đuôi con gà! Một bà hàng xóm chạy ra sân đình la toáng lên, kể cả chảy nước mắt, rằng mọi người đã nhìn thấy lông đuôi con gà rồi, thì cũng phải nhìn nhận con gà mái tơ ria rất béo, nếu phản đối là “chưa có văn hoá”, là thuộc vào ‘đám quần chúng không hiểu biết gì”!

Tiếng Việt nói và viết hiện tại là phương tiện giao tiếp “đám quần chúng” dùng hằng ngày mà chẳng thấy có vấn đề trục trặc nào. Nó cũng là phương tiện hữu hiệu chuyển tải, lưu trữ tư tưởng, văn hoá, giáo dục, v.v.. Không lẽ “đám quần chúng” không nhận ra rằng bức tử Tiếng Việt hiện hành, thay đổi bằng hệ thống chữ viết mới, thì mọi thứ sẽ đảo lộn hết, toàn bộ tư tưởng, văn chương, thơ ca, âm nhạc, v.v.. bằng Tiếng Việt hiện hành trở thành đồ cổ?

Thứ ba, bà tiến sĩ nói rằng “công trình này rất khó, không phải ai cũng đọc được, trừ những nhà chuyên môn” Ở phát biểu này bà tiến sĩ lại tiếp tục bổ sung cho tiền đề nguỵ biện ở câu mở đầu: Ý tưởng mới khó để hiểu, để đọc nên nó “có ý nghĩa rất là quan trọng”.

Dân gian Việt nam có chuyện thằng Bờm. Thằng Bờm có nhiều sáng kiến, sáng kiến nào cũng rất khó để hiểu, thậm chí không thể hiểu. Ví dụ: một lần, thằng Bờm vác ngang cây tre dài trên vai, nó đã không sao qua được cổng để vào nhà. Thằng Bờm bèn sáng kiến phá cái cổng. Thực hiện sáng kiến này tốn nhiều thời gian và công sức hơn rất nhiều so với việc xoay dọc cây tre để vác vào cổng! Thật khó hiểu, không thể hiểu, sáng kiến của thằng Bờm!!! Cứ theo lập luận của bà tiến sĩ thì sáng kiến của thằng Bờm là “có ý nghĩa rất là quan trọng”?!

Thêm nữa, phát biểu của bà tiến sĩ lại cũng mâu thuẫn với phát biểu của ông tiến sĩ sau đó, ông bảo rằng nó rất dễ để đọc, người lớn chỉ cần ông chỉ cho một lúc là đọc được ngay. Thế thì “đám quần chúng” tin bà tiến sĩ hay ông tiến sĩ?

Thứ tư, bà tiến sĩ dạy rằng: “Nếu bất kỳ ý tưởng mới nào ra đời mà cứ bị ném đá, thì xã hội không thể phát triển được. Xã hội được phát triển bởi những ý tưởng táo bạo, ý tưởng mới, nếu chúng ta chỉ thích đi theo ý tưởng cũ thôi thì xã hội không thể phát triển được.” và đưa ra kết luận: “Vấn đề quan trọng ở đây là ủng hộ cái mới.”

Nguỵ biện tiếp tục xảy ra khi bà tiến sĩ đánh đồng giữa “ý tưởng mới” với “ý tưởng có giá trị.” Điều gì có giá trị thì làm cho xã hội phát triển. Đó mới là phát biểu đúng. Ý tưởng mới chắc gì đã có giá trị? Chỉ có thể ủng hộ cái mới khi nó có giá trị, có ích cho mọi người, và nó cũng không làm ảnh hưởng quyền lợi của người khác. Ví dụ: Chủ đầu tư BOT Cai Lậy đã có “sáng kiến” đặt trạm thu phí ở quốc lộ, thay vì đường tránh để thu được nhiều tiền hơn. “Đám quần chúng” nên ủng hộ hay là ném đá “ý tưởng mới” này?

Nếu phần còn lại của thế giới không hợp sức vào ném đá Hitler vì những “ý tưởng mới” điên rồ của hắn, thì thế giới lúc này ra sao nhỉ?

Thứ năm, bà tiến sĩ lấy ví dụ của hai nhà khoa học Copernic và Galileo để biện minh cho “ý tưởng mới” của ông tiến sĩ. Đây cũng là một thứ nguỵ biện nguy hiểm bằng cách đồng nhất các khái niệm. Hai nhà khoa học trên đã phát hiện một quy luật vật lý có sẵn – trái đất quay quanh mặt trời. Ông tiến sĩ “sáng kiến” ra hệ thống tiếng Việt mới. Phát hiện thì khác với sáng kiến. Bà tiến sĩ đã khôn khéo dùng khái niệm “ý tưởng mới” là trung gian để đồng nhất hai khái niệm kia với nhau. Nếu gọi phát hiện của Copernic và Galileo là “ý tưởng mới” thì bản chất của nó hoàn toàn khác với “ý tưởng mới” là sáng kiến của ông tiến sĩ.

Thứ sáu, lời cuối bà tiến sĩ nhận xét “công trình trình của thầy Bùi Hiền rất đáng trân trọng” kèm theo những giọt nước mắt. Nếu đã là nhà khoa học như bà tiến sĩ, ông tiến sĩ tự xưng như vậy, thì ông, bà không nên dùng lối nguỵ biện, tiếng latin gọi là ad misericordiam – kêu gọi lòng thương hại, vì nó càng cho thấy sự yếu kém trong lý luận.

Công trình sẽ nhận được sự trân trọng khi nó cho thấy giá trị thực của nó, chứ không thể kêu gọi lòng thương hại của “đám quần chúng” bằng những giọt nước mắt được.

Thứ bảy, người dẫn chương trình kết thúc phỏng vấn bằng một lời khuyên: “những cải cách, những sự sáng tạo cần phải được tôn trọng.” Toàn bộ cuộc phỏng vấn là một nguỵ biện nhằm áp đặt kết luận này cho “đám quần chúng”. Nếu ‘đám quần chúng’ mặc nhiên công nhận kết luận này, thì nó sẽ trở thành tiền đề dẫn đến một kết đề khác là: Từ nay “đám quần chúng” đừng có mở miệng nhận xét, phê bình bất kỳ một cải cách, sáng kiến nào của nhà nước cả.

Chắc chắn rồi, “đám quần chúng” sẽ tiếp tục bị cưỡng bức câm miệng, tiếp tục hứng chịu những thảm hoạ của cải cách, sáng tạo, ý tưởng mới của một vài ông bà tiến sĩ ngu muội dâng lên cho đám vô lại, võ biền, thất học lèo lái dư luận và thực hiện chính sách. “Đám quần chúng” không được phép kêu ca, không được chỉ ra cái sai của ông tiến sĩ Bùi Hiền, không được phép dùng tiền lẻ, không được phép lái xe chạy qua chạy lại trạm BOT, không được vào đường Trường Sơn nếu không vào sân bay, v.v., không được phản đối bất cứ thứ gì, chỉ có “be be” ủng hộ như một bầy cừu mà thôi!

Thế Thanh
Tin liên quan:
✔️ Thuế và phí
✔️ Thông lệ xảo biện
✔️ Tôi không thể tin được...
✔️ Thời kỳ gì đây?
✔️ Thua toàn tập
✔️ “Trời sinh một cặp Thể - Kiên...”

Về đầu trang