Tây Lư đáp: “Hòn ngọc bích đem dệt cửi không tiện bằng hòn ngói. Hạt châu đem làm đạn bắn chim thì không tiện bằng viên đất. Ngựa kỳ ngựa ký, ngày chạy nghìn dặm, nhưng cho bắt chuột thì không nhanh bằng con mèo. Thanh gươm quý, đem mà khâu giày thì không tiện bằng cái dùi. Chú có tài lội nước, qua sông, vượt gió, nhưng nếu nay cho tiếp một ông vua chư hầu thì chắc mờ mịt, khác nào như quạ vào chuồng lợn”.
Quả thế. Mỗi người một tài, tuy nhất thời lâm vào hoạn nạn vì sở đoản, nhưng lại sẽ có ngày vinh quang bởi sở trường. Hà cớ phải thất vọng, bi quan.
Mãi đắm chìm trong thất bại, nhược điểm của bản thân, cũng như chăm chăm vào vết xước trên viên ngọc, mà quên mất rằng ta vốn là ngọc quý.
Trong một cái hồ nọ có một con ốc sên và một con ếch, cả hai cùng chung sống dưới một mái nhà nên thường xuyên gặp nhau. Nhưng cứ mỗi khi gặp ếch, ốc sên thường chẳng tỏ thái độ gì, có những lúc ếch chào mà ốc sên cũng chỉ ừ một tiếng cho xong chuyện rồi bỏ đi ngay, thái độ đó khiến cho ếch cảm thấy rất khó chịu.
Có một hôm, ếch đã không thể chịu đưng hơn được nữa, nó quyết định phải hỏi ốc sên cho ra nhẽ: “Này ốc sên, tôi có làm gì đắc tội với anh đâu, tại sao anh lại ghét tôi như vậy? Gặp tôi mà anh cứ coi như không thế?”.
Thấy ếch có thái độ rất thẳng thắn, ốc sên liền nói ra nỗi khổ của mình: “Họ hàng nhà ếch của anh ai cũng có bốn chân, có thể nhảy hết chỗ này tới chỗ nọ, trong khi đó tôi ngày nào cũng phải mang chiếc vỏ nặng trịch này, lê bước đi chậm chạp, cho nên trong lòng cảm thấy không vui”.
Ếch nghe thấy vậy mới nói rằng: “Ai cũng có cái khó riêng của mình. Anh chỉ nhìn thấy sự vui vẻ của chúng tôi, nhưng lại không hề nhìn thấy sự đau khổ của chúng tôi”.
“Các anh thì có gì là đau khổ chứ?”– Ốc sên hỏi ếch với vẻ hoài nghi.
Khi ốc muốn hỏi rõ nguyên nhân thì một con chim ưng từ trên cao đột nhiên lao xuống, ốc sên vội vàng cuộn vào trong vỏ của mình, chỉ thương cho con ếch là đã bị con chim ưng kia ăn mất. Ốc sên nhìn con chim ưng bay xa mà trong lòng cảm thấy hết sức đau xót.
Quả thực là, trời có khi nắng khi mưa, trăng có khi tròn khi khuyết. “Sông có khúc, người có lúc”, ấy là lẽ tự nhiên. Giữ tâm bình lặng trong sóng gió cuộc đời, một người nhìn thấu nguyên nhân của được – mất. Và hiểu ra, chỉ có một trái tim thuần tịnh, vị tha, dũng cảm mới là bảo vật quý giá nhất của đời người.
(Sưu tầm)