Giáo dục xã hội dành cho người trưởng thành ở Việt Nam hầu như không có. Trong ý thức của từng cá nhân, người ta chỉ quan tâm đến giáo dục trường học và coi trẻ em là đối tượng cần giáo dục. Giáo dục lại quốc dân sẽ là vấn đề khó khăn hàng đầu của Việt Nam khi cải cách giáo dục. Người trưởng thành đang trở thành các tấm gương phản diện toàn diện trong khi lại thích giáo dục trẻ em.
Đây là một bài trong cuốn “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam”.
Trong khoảng vài thập kỷ gần đây, cùng với các vấn đề dân sinh thiết thực, giáo dục đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người Việt. Đông đảo người Việt đều cảm nhận hoặc hiểu rằng giáo dục hiện tại đang đối mặt với nhiều vấn đề và cải cách giáo dục là cần thiết để xây dựng một nền giáo dục mới.
Tuy nhiên, khi suy nghĩ về giáo dục cũng như cải cách giáo dục ở Việt Nam, người ta thường chỉ dành sự quan tâm cho giáo dục trường học trong khi giáo dục gồm ba bộ phận: giáo dục gia đình, giáo dục trường học và giáo dục xã hội.
Nếu dùng google để search cụm từ “giáo dục xã hội” trên mạng internet chúng ta sẽ thu được rất ít kết quả và nếu đọc kĩ các kết quả tìm được thì sẽ thấy trên thực tế không tồn tại các bài viết về nó.
Vậy giáo dục xã hội là gì?
Giáo dục xã hội hiểu một cách đơn giản nhất là giáo dục được tiến hành một cách có hệ thống ở trong xã hội, bên ngoài trường học dành cho thanh thiếu niên và người trưởng thành. Hiểu một cách đơn giản hơn nữa, giáo dục xã hội là các hoạt động giáo dục ngoài trường học nhằm vào toàn bộ quốc dân một cách có hệ thống.
Khi cải cách giáo dục trường học, người ta hi vọng giáo dục mới sẽ tác động vào học sinh và tạo ra những công dân mới. Tuy nhiên, đối với những người đã trưởng thành, những người đã tiếp nhận nền giáo dục cũ với ảnh hưởng lớn, cần phải có các hoạt động “giáo dục lại” và duy trì việc học tập ở họ.
Đó là lý do cần tới giáo dục xã hội.
Điều này giải thích tại sao ở Nhật sau 1945, cùng với quá trình cải cách mạnh mẽ giáo dục trường học, giáo dục xã hội được thực hiện có hệ thống để “tái giáo dục quốc dân”. Những cuốn sách giáo khoa có tính khai sáng như “Cải cách đất nông nghiệp”, “dân chủ là gì?”, “Trò chuyện về Tân hiến pháp” do Bộ giáo dục biên soạn đã được in ra với số lượng lớn để dùng trong các trường học và phát miễn phí cho quốc dân-những người đã trưởng thành.
Giáo dục xã hội ở Việt Nam
Ở Việt Nam, thuật ngữ “giáo dục xã hội” không được dùng phổ biến. Tuy nhiên nếu nhìn vào lịch sử giáo dục Việt Nam cũng sẽ thấy sự tồn tại có tính chất nhỏ lẻ và tự phát của nó. Chẳng hạn như những hoạt động của trường Đông Kinh nghĩa thục ở đầu thế kỷ XX, phong trào Bình dân học vụ khi nước VNDCCH được thành lập. Về sau này, lý luận học tập suốt đời có được du nhập vào Việt Nam và cùng với nó là các phong trào như phong trào đọc sách, xây dựng các tủ sách, thư viện… xuất hiện trong dân chúng.
Tuy nhiên, nhìn đại thể, ở Việt Nam giáo dục xã hội thiếu tính hệ thống, thiếu lý luận và không được ý thức một cách sâu sắc. Sự quan tâm của xã hội, kể cả giới “tinh hoa” hầu như chỉ dồn vào giáo dục trường học.
Trên thực tế, những vấn đề của xã hội Việt Nam chỉ có thể khá lên khi giáo dục xã hội dành cho quốc dân nói chung thu được thành tựu. Những vấn đề ngày càng trầm trọng xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực trong xã hội Việt Nam là chỉ dấu cho thấy “sự tha hóa có tính quốc dân”. Để ngăn chặn và phục hồi các giá trị nhân văn từ trong quốc dân, giáo dục xã hội cần được ý thức sâu sắc hơn bao giờ hết.
Nhìn sang Nhật Bản
Ở Nhật Bản, giáo dục xã hội trong thời Minh Trị được gọi là “giáo dục thông tục” và nó được sử dụng như là một phương tiện để “giáo hóa quốc dân”. Tuy nhiên đến năm 1921, cái tên “giáo dục xã hội” chính thức được dùng rộng rãi. Gần đây, người Nhật còn dùng thuật ngữ “học tập suốt đời” như một từ đồng nghĩa với “giáo dục xã hội”. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ của Nhật Bản có hẳn một vụ phụ trách “giáo dục xã hội” và đến năm 1988 thì đổi thành “Vụ học tập suốt đời” và hiện nay là “Vụ chính sách học tập suốt đời”. Quan trọng nhất là Nhật Bản đã soạn, ban hành và thực thi “Luật giáo dục xã hội” năm 1949.
Giáo dục xã hội được thực hiện như thế nào?
Không gian để thực hiện giáo dục xã hội rất rộng. Những ngôi trường có thể mở rộng cánh cửa và các bài giảng công khai dành cho đại chúng. Tuy nhiên, thông thường, giáo dục xã hội sẽ được tiến hành thông qua các cơ quan, đoàn thể như
• Truyền thông đại chúng
• Tổ chức phi chính phủ (NGO)
• Tổ chức phi lợi nhuận (NPO)
• Bảo tàng
• Thư viện
• Trung tâm học tập cồng đồng
• Các đoàn thể dân sự (Ví dụ như ở Nhật Bản có các đoản thể sau: Hội phụ nữ, PTA , YMCA, YWCA, hội trẻ em, Hướng đạo sinh, Câu lạc bộ người cao tuổi
Ở Việt Nam hiện tại cũng có các chỉ dấu cho thấy giáo dục xã hội đang được quan tâm. Tuy nhiên những người quan tâm tới nó cần xúc tiến vận động để Việt Nam có một bộ luật tương tự nhằm luật hóa nghĩa vụ của nhà nước cũng như các cơ quan hành chính địa phương đối với giáo dục xã hội và tạo ra cơ sở pháp lý để sử dụng các nguồn lực sẵn có vào công việc này. Những hoạt động khác có liên quan đến giáo dục xã hội như phong trào lập tủ sách, đọc sách… cần phải tạo ra mối liên hệ rõ hơn, mạnh hơn với giáo dục xã hội với mục tiêu cụ thể rõ ràng là “tái giáo dục quốc dân”.
Giáo dục xã hội tiến triển sẽ có tác dụng tương tác với cải cách giáo dục trường học và nâng cao nhận thức về giáo dục gia đình. Dưới sự tương tác có tính cộng hưởng của ba phương diện giáo dục này (giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, giáo dục gia đình), xã hội sẽ dần dần biến chuyển tích cực.
Nguyễn Quốc Vương