Hãy sống tham vọng hơn 2 chữ “làm giàu”

Lê Diệp Kiều Trang (*) cùng chồng khởi nghiệp với thiết bị đo tiểu đường Misfit, sau đó bán cho Tập đoàn Fossil với giá 260 triệu USD. Nữ triệu phú trẻ chia sẻ chuyện học hành, tiến thân và làm giàu.
Hình: Lê Diệp Kiều Trang

“Mấy đứa học giỏi thường ra đời không thành công bằng người ta” là nỗi ám ảnh của không ít học trò giỏi khi sắp ra trường. Lê Diệp Kiều Trang, tổng giám đốc Fossil Việt Nam, mở đầu cuộc trò chuyện bằng sự trăn trở như thế.

Thước đo thành công không chỉ là giàu

Thử nhìn lại các “gà chọi” trong trường chuyên, mà Trang trước đây là một trong số đó của Trường Lê Hồng Phong, “có làm nên trò trống gì”? Nhiều người có vẻ hoang mang...?

- “Nỗi ám ảnh” nhắc ở trên thật sự đã hạn chế sự quyết tâm của rất nhiều bạn trẻ học giỏi, mà tôi nghĩ điều này không đáng có.

Nếu nói giàu là thành công, rất nhiều người giàu có đều xuất thân từ nhóm học giỏi. Mark Zuckerberg, Bill Gates đều từ Trường Harvard bước ra. Larry Page, Sergei Brin - sáng lập Google, đều là “dân” Stanford.

Ở Việt Nam, rất nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn đều xuất thân từ nhóm học sinh ưu tú được học bổng đi du học ở những nước phát triển. Nhưng thước đo thành công không chỉ là giàu. Những bác sĩ đầu ngành, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu giỏi... đều xuất thân từ khối trường chuyên lớp chọn.

Để làm việc hiệu quả, thành công, IQ cũng chỉ là một phần, vì vậy không có nghĩa ai thông minh, học giỏi sẽ thành công. Sự thấu hiểu, uyển chuyển trong quyết định và nhiều kỹ năng cuộc sống khác chiếm phần không nhỏ trong hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, người học giỏi ít nhất là có một vài lợi thế. Ví dụ, khi bắt đầu đi làm, sinh viên giỏi ít nhất sẽ là người có kiến thức vững vàng hơn và có khả năng tư duy sáng tạo tốt hơn.

Người học giỏi cũng có thể là người đã có một quá trình làm việc nghiêm túc, tập trung, có ý chí, có năng lực để hoàn thành mục tiêu tốt hơn. Những yếu tố này là quá tốt để một nhà tuyển dụng tự tin đầu tư vào một sinh viên giỏi mới ra trường, thay vì một sinh viên làng nhàng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như học tàng tàng rồi đổ xô đi làm ăn nhờ sự lanh lợi và biết dùng chiêu thức... vì trí thức khó sống tốt, tài năng học đâu dụng được trong kinh doanh?

- Điều này có nhiều lý do. Thứ nhất, nhóm “gà chọi” nghiên cứu khoa học kỹ thuật có rất ít cơ hội ở Việt Nam.

Các công ty công nghệ ở Việt Nam chưa nhiều, mặc dù tìm được nhân tài trong nhóm công nghệ nhưng lại không tìm được “đầu ra” trên thị trường quốc tế, qua một thời gian nếu “đầu ra” không mạnh thì sự sáng tạo của các bạn dần cũng bị hạn chế và không có cơ hội phát triển hết.

Misfit là một trong những nhóm “không giống ai” vì “đầu ra” của sản phẩm Misfit là bán cho thị trường công nghệ thế giới.

Thứ hai, đúng như nhiều người nhận xét, học giỏi không có nghĩa là làm việc giỏi.

Rất nhiều học trò giỏi trong môi trường giáo dục ở Việt Nam thường là người “học giỏi thụ động”, chỉ có khả năng trình bày lại những kiến thức được học một cách đầy đủ nhất, chứ không có khả năng ứng dụng kiến thức được học để phân tích, giải quyết một vấn đề thực tế hoặc sáng tạo ra sản phẩm, tìm ra nguyên lý mới.

Bên cạnh đó, tìm ra cách giải quyết không có nghĩa là thuyết phục được người khác hoặc một tập thể chấp nhận ý kiến của mình. Kỹ năng này vô cùng quan trọng trong cuộc sống, nhưng hầu như chưa bao giờ được chú trọng trong môi trường giáo dục Việt Nam.

Vì vậy, cũng không ngạc nhiên khi rất nhiều sinh viên giỏi ra trường đã không thể trở thành những thủ lĩnh giỏi, mà phải nhường vị trí này cho những bạn có chuyên môn không mạnh bằng nhưng có thể tập hợp nhiều người giỏi.

Vậy nên nếu chỉ lo tập trung chuyên môn mà coi nhẹ thu thập kỹ năng xã hội thì khó lòng có thể vươn lên làm lãnh đạo. Nếu chỉ lo tập trung phát triển kỹ năng mà không vững về chuyên môn thì con đường thành công sẽ gập ghềnh hơn và nhiều khi dễ bị thu hút bởi những giá trị phù phiếm.

Khi “ham làm giàu” không được chọn

Học giỏi đâu có lỗi khi xã hội dùng các thước đo coi trọng đồng tiền, vật chất...

- Người Mỹ nhiều lúc hết sức ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ Việt Nam thần tượng Bill Gates vì ông ấy giàu.

Rất ít người thần tượng những nhân vật khác như mẹ Teresa hay nhà khoa học Stephen Hawking... Điều này phản ánh hết sức chân thật động lực của giới trẻ nằm ở ước mơ làm giàu. Tuy không sai, nhưng còn khá hạn hẹp và có thể chính điều này vô tình cản trở các bạn vươn đến ước mơ làm giàu.

Ở Silicon Valley, một điều mình học được từ nhóm tài phiệt công nghệ đã thành công và đang đem tiền đi đầu tư cho các startup mới là hãy đi tìm những nhóm khởi nghiệp say mê về một công nghệ, một sản phẩm sẽ làm phá vỡ thị trường, chứ đừng tìm những nhóm ham làm giàu.

Ước mơ làm giàu không sai, nhưng thường không đủ mạnh để đưa họ đi xa. Ngược lại, những ước mơ trong sáng nhất dành cho khoa học, công nghệ làm thay đổi thế giới như Tesla, Apple... sẽ vượt qua mọi giới hạn của sức tưởng tượng, của không gian và thời gian, đẩy nhân loại đi về phía trước.

Và dĩ nhiên cuối cùng họ chính là những người thắng lợi lớn nhất về mặt tài chính, mặc dù thắng lợi về mặt tài chính lúc đó vẫn không thể so sánh được với những đóng góp của họ cho thế giới.

Có bạn sẽ nói ước mơ khoa học công nghệ là quá “xa xỉ” và xa vời với Việt Nam. Tôi nghĩ điều đó không còn đúng nữa.

Ước mơ khoa học công nghệ lại là ước mơ “phẳng” nhất trong thế giới ngày càng phẳng. Giáo trình của MIT, Stanford và các trường đại học hàng đầu khác đều được công bố rộng rãi trên Open Courseware.

Những năm gần đây, Google tuyển dụng từ sinh viên toàn cầu, đã có những bạn trẻ chỉ học đại học ở Việt Nam có cơ hội làm việc tại Google ở Mountainview ngay khi ra trường. Những công ty nhỏ như Misfit cũng từng có chương trình xin visa đưa các bạn trẻ tài năng Việt Nam sang làm việc ở Silicon Valley.

Sản phẩm công nghệ là sản phẩm không biên giới. Vấn đề là các bạn trẻ có nắm bắt được cơ hội bằng cách thay đổi suy nghĩ của mình theo cách nhìn toàn cầu và sẵn sàng làm việc, học hỏi không ngừng nghỉ để cạnh tranh được ở mức toàn cầu hay không, vì cơ hội mở ra cho bạn cũng mở ra cho rất nhiều tài năng khác khắp nơi trên thế giới.

Quay trở lại ước mơ làm giàu của Việt Nam, tôi nghĩ điều đó không sai nhưng hạn hẹp. Tôi cho rằng người thành công thì không nên để mình nghèo, nhưng đừng gói gọn ước mơ của mình chỉ trong hai chữ “làm giàu”. Hãy sống một cuộc sống tham vọng hơn cả hai chữ “làm giàu” đó.

Có thể mối quan tâm của các bạn trẻ cũng đã thay đổi nhiều theo thời gian, theo xu thế xã hội, nhưng tôi nghĩ giúp các bạn trẻ tin vào thành công đến từ sự khổ luyện sẽ thực tế hơn.

Các bạn “sinh bọc điều” muốn giữ được những lợi thế của gia đình cũng đều phải khổ luyện và chịu áp lực không khác gì những doanh nghiệp khác.

Nước Mỹ giàu lên nhờ những “ước mơ Mỹ” (“American dreams”) - câu chuyện về những người di cư tay trắng với lòng can đảm và làm việc cật lực vươn lên làm giàu. Việt Nam không thể giàu mạnh được nếu giới trẻ chỉ ngưỡng mộ những nhân vật hào nhoáng trong phim Hàn Quốc Những người thừa kế (The Heirs) được.

Thước đo cho sự thành công, theo Trang, là gì?

- Một câu hỏi không phải là mới, nhưng chỉ gần đây mới được bình luận sôi nổi: “Có nên cho con học trường chuyên lớp chọn?”, “Gà chọi” rồi sẽ làm được gì?

Bây giờ lớn lên nhìn lại, tôi có cái nhìn khác. Tôi chọn cách học đều vì phù hợp với mình, vì mình là người cầu toàn chứ không phải là người có năng khiếu đặc biệt trong một lĩnh vực nào hết.

Mình có giỏi toán, có giỏi ngôn ngữ, nhưng đặc biệt say mê yêu thích hay có tài năng đặc biệt thì không.

Điểm lại một vài người bạn tôi học chung ở Việt Nam và sau này ở nước ngoài, tôi đã gặp những người thật sự có năng khiếu trời cho trong một số lĩnh vực, nếu họ không đủ can đảm đi theo con đường “gà chọi”, đó là một sự lãng phí rất lớn cho chính người đó và cho cả xã hội.

Cuộc sống cần có nhiều người với những khả năng khác nhau, mỗi người sẽ ngồi vào vị trí khác nhau và thành công theo cách của riêng mình. Vậy nên điều quan trọng là các bạn hãy thật trung thực với năng lực của mình. Hãy đừng vì niềm ngưỡng mộ tài năng của người khác mà bắt mình phải đánh đổi cuộc sống vốn không dành cho mình.■

(*): Lê Diệp Kiều Trang hiện là phó chủ tịch điều hành (Vice President of Operation) Fossil Group kiêm tổng giám đốc Fossil Việt Nam.
Hình: Lê Việt Tuấn

Dùng nguồn lực xã hội phục vụ xã hội

Aleka, một khởi nghiệp ứng dụng cho thuê xe du lịch theo xu hướng kinh tế chia sẻ, vừa ra đời tại TP.HCM đã thu hút sự chú ý. Ứng dụng này như một sàn giao dịch, giữ vai trò cầu nối giữa người có xe và người muốn thuê xe.

Theo Lê Việt Tuấn - đồng sáng lập, tổng giám đốc Aleka, nhờ tận dụng lượng xe nhàn rỗi ở những thời điểm khác nhau, ứng dụng “hấp tinh đại pháp” này sẽ giúp kéo giá cước thuê xe xuống mức hợp lý hơn so với hiện nay vốn được định giá quá cao.

Aleka đặt mục tiêu khai thác được hết các nguồn lực nhàn rỗi như xe nhà ít dùng, xe công ty không khai thác hết công suất, xe của các công ty vận tải đang cho thuê có thể khai thác thêm.

Theo khảo sát do Aleka thực hiện, giá cước xe đường dài ở Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất ASEAN, khoảng 4,9 USD/10km, gấp đôi giá cước ở Thái Lan, ngang với giá cước ở Singapore.

Việc giá thuê xe ở Việt Nam cao có hai lý do, theo nhà khởi nghiệp trẻ: “Thứ nhất, tỉ lệ sử dụng xe chưa được cao nên các nhà xe/chủ xe đưa ra mức giá cao để bù chi phí cho những ngày không dùng xe.

Thứ hai là các nhà xe đa số vẫn vận hành theo kiểu thủ công, nên chi phí vận hành còn cao do phải chi nhiều cho nhân sự, đặc biệt là các nhà xe lớn”.

Vì vậy, Lê Việt Tuấn - vốn là kỹ sư được đào tạo chuyên ngành máy tính tại Đại học Adelaide (Úc), có 16 năm kinh nghiệm trong ngành IT ở các công ty nước ngoài - cho rằng cần phải thay đổi và công nghệ sẽ giúp tạo ra đột phá. Sự thành công của Airbnb và Uber - những dịch vụ cung cấp chỗ lưu trú cho khách du lịch và phương tiện di chuyển nội ô - đã kích thích niềm cảm hứng cho khởi nghiệp này.

Lê Việt Tuấn cho rằng làm giàu từ việc bán một sản phẩm, dịch vụ không phải là mục tiêu của hai anh em (dự án khởi nghiệp Aleka do Tuấn và em trai sáng lập), mà là muốn đem một giá trị thật sự để phục vụ xã hội, dùng nguồn lực xã hội phục vụ xã hội.

L.N.M. ghi (tuoitre.vn)
Về đầu trang