Đối với tôi lúc đó, họ xuất hiện như những vị cứu tinh, đem đến cho tôi hy vọng và và sự nương tựa. Tờ báo đến đầu tiên là Đất Việt, tôi còn luôn ghi dấu mãi trong đầu những hộp sữa tươi mà anh chị mang đến cho chúng tôi. Cái cảm giác của tôi lúc đó như bao nhiêu người dân bình thường khác khi nghe hai tiếng “nhà báo”. Tôi tiếp xúc hết với tờ báo này đến tờ báo khác, các anh chị đều rất tận tình lấy tin.
20 tuổi tôi không hề biết viết báo cũng phải nghe theo định hướng và chỉ đạo từ ban tuyên giáo. Nhưng 21 tuổi thì tôi hiểu rõ, có những khi nhà báo không được quyền làm chủ với bài viết của mình, nếu bài viết bị ban tuyên giáo thổi còi và cho là nhạy cảm.
Tôi còn nhớ những ánh mắt nhân văn khi họ nhìn chúng tôi, tôi còn nhớ từng cử chỉ ân cần thu thập tin tức để đăng lên cho đầy đủ. Nhưng rồi tôi cũng thấy những đôi mắt ấy trở nên ngại ngùng khi không thể làm gì hơn cho người bị hại. Tôi không trách họ khi họ không thể viết như tôi mong muốn, nhưng tôi thương họ khi nhìn vào những đôi mắt dường như bất lực.
Thế rồi, mỗi ngày tôi biết một nhiều hơn về nghề báo. Biết rằng có những nhà báo có thể làm chó để đạt được mục đích như ông Phong. Có nhà báo chỉ vì nâng bi lãnh đạo, sẵn sàng móc họng nuốt mực Vũng Áng trong nụ cười. Lại có những người sẵn sàng cười và ném đá cho đồng nghiệp bằng chết khi xa cơ lỡ vận. Những phóng viên moi tiền doanh nghiệp bằng đủ các chiêu trò kỹ xảo. Sự ích kỷ, bọn chen, ganh đua và chia rẽ giữa các tờ báo khiến nghề báo Việt Nam trong mắt những người đáng lẽ ra phải nể phải sợ họ thì lại coi thường và khinh bỉ.
Có một nhà báo chân chính nói với tôi, nghề báo là phải lăn xả, sống chết với nó, bất chấp đe dọa và nguy hiểm, phải đi đến những nơi người khác không dám đi, phải hết mình để có được tin tức cho bạn đọc.
Ngày hôm qua vụ cháy chung cư ở Tp.HCM đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Trên các mặt báo tôi đọc thấy số liệu người chết các báo cung cấp cho bạn đọc. Số liệu đó các anh chị được cung cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, điều đó là đương nhiên.
Nhưng làm nghề báo, một nghề phải có tư duy độc lập, trước một viễn cảnh kinh hoàng, người người dẫm đạp lên nhau giữa làn khói độc, một thiết kế chung cư với một nửa số căn hộ không có ban công, với những thông tin bên lề truyền miệng về những cái chết đang diễn ra, tôi thiết nghĩ các anh chị phải là những người tiên phong thắc mắc, lăn xả vào hiện trường, các bệnh viện và người dân, tự làm rõ để thông tin dư luận. Một bài báo có ý nghĩa không phải chỉ ở việc giật tít hay những thông tin na ná mà phải là những thông tin dốc sức để có được. Đau khổ nhất là những cái chết không được công nhận.
Bạn tôi ở tầng 14 nói, khi hôm nay bạn về lấy đồ thấy căn giữa không có bạn công có người nhà đang bày đèn cày để cúng người vừa mất. Trong danh sách những người chết đêm qua cơ quan có thẩm quyền cũng công bố, tôi không thấy ai tầng 14.
Một người khác ở tầng 19 kể có gia đình tầng 5 chết nguyên cả nhà vì khi ngủ mở điều hoà và không hay biết. Có gia đình chạy vào tháng máy và chết trong đó. Sơ qua thôi thì những số liệu kia liệu có thật sự chính xác?
Tôi thấy sợ những cái tít kiểu như “Nữ chủ tịch phường cùng...”
Lượng view, tiền bạc không biết từ bao giờ đã nuốt mất nhân cách của nhiều người làm báo.
Thế nhưng không phải là tất cả, tôi thấy vẫn còn một số những nhà báo thật sự làm báo mà tôi quen. Họ không có đất để viết trong các tờ báo bị kiểm định, họ viết blog, viết Facebook. Hoặc không thể viết thì họ cũng có thể đưa thông tin ra để người bên ngoài viết, để đem sự thật khui ra ngoài ánh sáng. Và tôi tin rằng còn nhiều nhà báo có lương tri và tự trọng mà tôi không biết họ. Người dân chúng tôi cần nhà báo, những nhà báo thật sự làm báo.
Trịnh Kim Tiến