Ở trong nhà cũng chết, đó là những cái chết thật sự thương tâm.
Carina gần ngay chung cư nhà tôi, thỉnh thoảng tôi có ghé bên đó chơi. Chưa từng nghĩ một chung cư cao cấp như thế lại có thể có một hệ thống báo cháy không hoạt động trong lúc nguy cấp và công tác phòng cháy yết kém đến vậy.
Tất cả mọi người trong toà nhà đều không nghe thấy tiếng chuông báo cháy kêu lên để kịp thoát thân. Cư dân của chung cư Carina nói đó dường như là một tai nạn được biết trước. Bởi vì cách đó chỉ vài tiếng đồng hồ thôi, một cuộc họp giữa cư dân và Ban Quản Trị đã diễn ra. Tất cả những phản ánh của cư dân cho thấy cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong chung cư. Với việc tháng máy thường xuyên ngưng hoạt động không rõ lý do, những biển quảng cáo bị rò điện và việc hút thuốc của bảo vệ dưới hầm xe đã được đưa ra nhưng chỉ dừng lại ở đó và không có gì hơn nữa để xử lý.
Đây là hiện tượng chung không chỉ riêng gì chung cư Carina cũng như trong việc phòng cháy nổ. Tâm lý xuề xoà, chín bỏ làm một, từ từ tính của người Việt chúng ta. Có lẽ chỉ cận kề cái chết người ta mới cảm nhận rõ hơn sự quý giá của sự sống, mới chịu đấu tranh để giành lấy sự an toàn cho bản thân.
Có bao giờ những người sống trong các toà nhà chung cư cao tầng thắc mắc với cơ quan có thẩm quyền rằng phải làm thế nào nếu cháy từ tầng cao? Trong khi những vòi nước chữa cháy chỉ có thể kéo đến khoảng tầng 8 của một chung cư? Trang thiết bị là những thứ không thể thiếu để dập lửa và cứu người trong trường hợp khẩn cấp xảy ra. Tôi cũng không biết, liệu các chưa lính cứu hoạt kia có bao giờ dám hỏi về những dụng cụ mình đang sử dụng, nó được nhập từ đâu và có đủ để đảm bảo an toàn cho chính mình không, chưa nói đến cứu nạn cho những người khác?
Sau mỗi vụ việc thương tâm xảy ra, tôi lại nghe từ những người có trách nhiệm quả quyết sẽ làm rõ, sẽ rà soát, sẽ kiểm tra... Tất cả chỉ là sự khống chế những sự đã rồi. Mất bò rồi chúng ta lo làm chuồng, làm chuồng xong lại quên giữ gìn nó.
Đó là sự báo trước nhưng chúng ta không chịu giải quyết nó. Trước "cái chết" chúng ta thờ ơ vô cảm và nói rằng sống chết đều có số. Không, tôi khẳng định đó không phải số phận, những cái chết thế này đến bởi sự vô tâm của đám đông và sự ích kỷ của mỗi cá nhân trước sự quản lý của một thể chế yếu kém về năng lực lẫn đạo đức. Chúng ta quên rằng trách nhiệm với xã hội và người khác cũng chính là sống có trách nhiệm với bản thân mình.
Trịnh Kim Tiến