Những cuộc trao ban

Ngài từng là một cha giáo rất năng động, lẫy lừng trong mọi sự; to con và khoẻ mạnh cả về phần xác lẫn phần hồn vào loại nhất nhì cái đất Tây Đô này. Ấy vậy mà vào những ngày trước Tuần Thánh, ngài gọi điện bảo: “cứu cha với” làm bao nhiêu kế hoạch Bắc du giúp Tuần Thánh của tôi lại một lần nữa lỡ hẹn.

Dĩ nhiên là ngài chỉ nhờ tôi giúp Tuần Thánh cho ngài, nhưng vì ngài dùng cái từ “cứu” nên làm tôi nhớ đến lời Chúa Giê-su thống thiết thưa với Chúa Cha khi nhận ra sự bất lực của mình trước thực tế quá khó khăn: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12, 27). Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Kinh Thánh nói đến việc Chúa Giê-su xin Chúa Cha cứu, nhưng điều này cũng đủ cho chúng ta hiểu rằng, Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su là thời gian bất lực, yếu đuối và bị động nhất của Ngài.

Nhìn cha già gục đầu ngồi nép vào thành ghế dường như suốt cả thánh lễ, tôi hiểu rằng ngài đang trải qua tình trạng đau đớn khổ sở như Chúa Giê-su trong giờ hấp hối; ngài bị tuổi tác, bệnh tật và công việc hạ xuống thành một bệnh nhân, một người chấp nhận để cho người khác muốn làm gì thì làm, không một lời cáu gắt hay than phiền. Và thánh lễ Rửa chân thứ Năm Tuần Thánh vì thế đã diễn ra sốt sắng và tốt đẹp.

Chúng ta thường hiểu lầm ý nghĩa Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su. Khi nghe từ Thương Khó (Passion) tự nhiên chúng ta nghĩ đến sự đau đớn, nỗi đau bị treo trên thập giá, bị hành hạ, bị đánh đòn, bị đóng đinh và bị sỉ nhục trước đám đông. Không thể phủ nhận Kinh Thánh có nói đến những điều này, nhưng chúng ta cần hướng từ Thương Khó đến một trọng tâm khác nữa. Thực ra Thương Khó (Passion) có gốc La-tinh là Passio, nghĩa là bị động, và đây chính là ý nghĩa thực sự. Từ bệnh nhân (Patient) cũng từ gốc này mà ra. Do đó, trình thuật Thương Khó mô tả lại sự “bị động” của Chúa Giê-su, mô tả việc ngài trở nên một “bệnh nhân”. Ngài trao ban cái chết của mình cho chúng ta qua sự “bị động” của Ngài, cũng như trước kia Ngài trao ban đời sống cho chúng ta qua sự “chủ động” của Ngài.

Lần dở lại những trang Tin Mừng của thánh Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca, trong mỗi Tin Mừng, chúng ta đều có thể chia tất cả mọi chuyện trước khi Chúa Giê-su bị bắt trong vườn Giết-sê-ma-ni sang một bên, và ta gọi phần Tin Mừng này là: “Sự chủ động” của Chúa Giê-su Ki-tô. Rồi phần còn lại mà chúng ta vẫn gọi là “Cuộc Thương Khó” thì ta có thể gọi là: “Sự bị động” của Chúa Giê-su Ki-tô. Điều này thực sự sẽ giúp làm rõ một đặc nét quan trọng là: Chúa Giê-su trao ban đời sống của mình cho chúng ta qua sự “chủ động”, nhưng lại trao ban cái chết của mình cho chúng ta qua sự “bị động”. Vì lẽ, cho đến trước khi bị bắt, Tin Mừng mô tả Chúa Giê-su “chủ động” làm mọi sự, là người dẫn dầu, rao giảng, dạy dỗ, làm các phép lạ, an ủi dân chúng. Nhưng từ sau khi bị bắt, tất cả mọi động từ đều chuyển sang thể “bị động”: bị lôi đi, bị giới cầm quyền hành hạ, bị đánh, được vác đỡ thập giá, và cuối cùng là bị đóng đinh vào thập giá. Sau khi bị bắt, như một bệnh nhân trong phòng nan y liệt giường, Chúa không còn làm gì nữa, nhưng là người khác làm cho Ngài và làm với Ngài. Ngài “bị động”, là một bệnh nhân, và trong sự “bị động” đó, Chúa Giê-su trao ban cái chết của Ngài cho chúng ta.

Chiêm ngắm cái gục đầu bình yên của cha già, dù tôi vụng về long ngóng mà không một lời than phiền hay cảm xúc khó chịu, đặc biệt là nhìn việc dám chấp nhận tự nguyện trở nên bị động như một bệnh nhân của Chúa Giê-su, để Thánh ý Chúa Cha được thể hiện, để sự sống được trao ban, tôi hiểu rằng, sự sống và tình yêu được trao ban không chỉ trong những gì chúng ta làm cho người khác; nhưng còn là trong những gì chúng ta đón nhận khi bất lực, khi già yếu, khi đau khổ bệnh tật, khi chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài là một bệnh nhân, một người bị động.

Những cuộc trao ban như thế đang diễn ra rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày của những người già. Thế nhưng dường như chúng ta không nhận ra vì lý do nào đó. Để rồi thói đời, lúc góp vui thì người ta gọi mời, giờ góp ưu phiền thì người ta ngại rủ lại chơi, thành ra bị bỏ rơi, thành ra người già cứ mãi luẩn quẩn đi theo cái vòng cô đơn vô tận. Và những cuộc bỏ rơi nhau vẫn đang xảy ra đâu đó.

Gã Khờ
Về đầu trang