Trong Phụng vụ Cựu Ước, dầu là một thành phần thuộc của lễ đầu mùa dâng lên Thiên Chúa . Sách Dân Số chương 18 câu 12 có ghi : “Tất cả tinh dầu hảo hạng, mọi thứ rượu mới và lúa miến tốt nhất, tức là những của đầu mùa người ta dâng lên Đức Chúa...”(Ds 18,12). Khi ông Maisen hòan thành việc dựng Nhà Tạm, trong ngày bàn thờ được xức dầu , thủ lãnh các chi tộc lần lượt dâng các lễ phẩm lên Thiên Chúa. Trong số tất cả các lễ phẩm đó, luôn có bột và dầu. Đền thờ Giêrusalem có cả một nơi để dự trữ dầu và các Thầy Lêvi là những người có trọng trách canh chừng và lo việc trích dầu để phục vụ trong đền thờ.
Số dầu này trước tiên được dùng để thắp sáng trong đền thờ như lời Chúa truyền cho Maisen như đã được ghi trong sách Xuất Hành chương 27 câu 20 : “Phần ngươi, ngươi sẽ truyền cho con cái Israel, phải giã Oliu lấy dầu nguyên chất để thắp đèn, hầu cho luôn luôn có ngọn lửa cháy…”(Xh 27,20-21). Ngòai việc thắp sáng, dầu còn được dùng trong nghi thức thanh tẩy và thánh hiến. Chẳng hạn, trong nghi thức thanh tẩy người mắc bệnh phong sau khi đã được sạch, sách Lêvi chương 14 ghi rõ : “Tư tế sẽ bắt một con chiên, tiến dâng làm lễ đền tội cùng với nửa lít dầu…Tư tế sẽ đổ một ít dầu vào lòng bàn tay trái, nhúng một ngón tay phải vào dầu và rảy dầu bảy lần trước nhan Đức Chúa…”. Trong việc thánh hiến, dầu được đổ trên đối tượng được thánh hiến. Đối tượng đó có thể là người và cả những đồ vật được thánh hiến dâng cho Thiên Chúa. Sách Lêvi chương 8 câu 10 đến 12 ghi rằng : “Ông Maisen lấy dầu tấn phong xức Nhà Tạm cùng mọi vật ở trong, và thánh hiến tất cả; ông lấy dầu rảy trên bàn thờ 7 lần, rồi xức dầu bàn thờ cùng mọi đồ phụ thuộc, vạc và đế vạc, để thánh hiến những vật đó. Ông đổ dầu tấn phong lên đầu ông Aharon và xức dầu để thánh hiến ông”.
Trong Tân Ước, dầu được dùng trong một số các bí tích, chẳng hạn :
Trong Bí Tích Thánh Tẩy. Sách Giáo Lý Công Giáo số 1213 dạy rằng : “BT Thánh Tẩy chính là nền tảng của tòan bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi Bí Tích khác. Nhờ BT Thánh Tẩy, chúng ta được giải thóat khỏi tội lỗi, được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Đức Kitô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được thông dự vào sứ mạng của Hội Thánh”. Vua thánh Louis nước Pháp, mỗi khi có một hòang tử được rửa tội, ngài vui mừng ôm con vào lòng và nói : “Con yêu dấu, trước khi lãnh nhận BT Rửa tội, con chỉ là con của ta, nhưng giờ đây, con đã trở nên con của Thiên Chúa. Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời”[1]. Vì là bí tích rất quan trọng và chỉ lãnh nhận được một lần trong đời nên Giáo Hội muốn rằng các Dự Tòng, trước khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, cần được xức “Dầu Dự Tòng” và cần được chuẩn bị cách kỹ lưỡng bằng thời gian dự tòng. Thời gian này giúp cho các Dự Tòng học hỏi, tìm hiểu đầy đủ về Phúc Âm, về Đức Kitô, về Giáo Hội, về các bí tích, bởi lẽ khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, các dự tòng này đồng thời cũng sẽ lãnh nhận thêm một số các bí tích khác như bí tích Thánh Thể, Thêm Sức, Hôn Phối…nhờ đó, giúp họ hiểu rõ hơn và thực sự ước muốn lãnh nhận BT Thánh Tẩy.
Trong bí tích Thêm Sức, người lãnh nhận bí tích này được dự phần vào mầu nhiệm hiện xuống. Mầu nhiệm này tiếp nối các mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh. Trong BTTS, Chúa Thánh Thần nối kết tín hữu với Đầu là Đức Kitô bằng một giao ước mới, giúp họ trưởng thành trong đức tin và giúp họ can đảm trở thành chứng nhân của Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.
Sách Giáo Lý Công Giáo số 1296 khẳng định rằng trong BTTS, chúng ta được Thánh Thần ghi dấu. Nhờ việc xức dầu thánh, ấn tín của Chúa Thánh Thần xác nhận người lãnh nhận BTTS hòan tòan thuộc về Đức Kitô, để vĩnh viễn dấn thân phục vụ và làm chứng cho Đức Kitô, đồng thời là dấu chỉ của Lời Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ người ấy trong cuộc thử thách lớn lao thời cánh chung. Thánh Athanasiô cũng nói rằng : “Việc xức dầu chứa đựng hương thơm và mùi dịu của Đấng Xức Dầu, và người được xức dầu được chia sẻ vào hương thơm đó, để họ có thể nói như thánh Phaolô : chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô (2Cr2,15).
Nhờ BTTS, Chúa Thánh Thần giúp Kitô hữu tăng trưởng trong Đức Kitô. Nếu trong BT Thánh tẩy, Chúa Thánh Thần tái tạo lại nơi con người hình ảnh của Thiên Chúa đã bị tội lỗi làm biến dạng, thì trong BTTS, Chúa Thánh Thần ban cho con người chính bản thể thần linh và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần các Kitô hữu có khả năng sống thánh thiện và thực hiện các việc đạo đức, tốt lành, nhờ 7 Ơn của Chúa Thánh Thần ban
Trong BTXDBN, việc xức dầu trước tiên được dùng như phương dược chữa lành các bệnh tật. Ngay từ thời xa xưa, người ta thường trộn dầu với rượu tạo thành một thứ thuốc thông dụng và luôn mang theo mình khi đi đường xa. Trong dụ ngôn người Samari tốt bụng, chúng ta thấy người lữ khách này đã cẩn thận mang theo mình chất dầu quý báu này : “Ông ta lại gần người bị nạn, lấy dầu và rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,34). Chính Đức Giêsu, khi sai các môn đệ đi rao giảng, cũng đã nhắc nhở họ phải mang dầu theo : “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,12-13). Khi ban BTXDBN, các linh mục luôn đọc rõ ràng công thức sau đây : “Nhờ việc Xức Dầu này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con, để người giải thóat con khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa con và thương làm cho con thuyên giảm”.
Tuy nhiên qua BTXDBN, Đức Giêsu đã nâng việc xức dầu chữa bệnh đó lên hàng Bí Tích để trở thành phương tiện thiêng liêng chữa lành các bệnh tật phần linh hồn và giúp ta lãnh nhân ơn cứu độ. BTXDBN nâng đỡ, củng cố, khích lệ bệnh nhân tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa, giúp họ sẵn lòng chịu đựng những đau đớn mệt nhọc trong bệnh tật và giúp họ can đảm chống lại những cám dỗ của ma quỷ. Giáo Hội dạy rằng lúc thuận tiện nhất để lãnh nhận BTXDBN không phải là lúc bệnh nhân hấp hối, nhưng chính là lúc tín hữu bắt đầu ở trong tình trạng nguy tử vì bệnh tật, vì già yếu hoặc phải giải phẫu vì những cơn bệnh hiểm nghèo.
BTXDBN ngòai việc chữa bệnh phần xác, thanh tẩy linh hồn, còn giúp cho các Kitô hữu ý thức và quan tâm đến việc dọn mình chết lành, bởi lẽ đã là con người, có sinh thì phải có tử. Nhờ BTXDBN các Kitô hữu ý thức rằng, chết chính là lúc hòan tất cuộc đời mình, là lúc khép lại các trang sử của một đời tự do. Hiểu như thế,đứng trước cái chết, người ta không thể coi thường và chỉ chuẩn bị trong vài phút hay vài ngày cuối đời. Đối với các Kitô hữu, chuẩn bị chết phải là công trình của cả một đời người. Công trình này khởi đầu với bí tích Thánh Tẩy, trong đó các Kitô hữu được chết, được mai táng và sống lại với Đức Kitô. Chết ở đây vốn là thông phần vào cái chết của Đức Kitô, là chết đối với tội lỗi và bởi vì cái chết thể lý là một hình phạt do tội gây ra, nên chết đối với tội lỗi đã là một cách chuẩn bị và lướt thắng cái chết thể lý rồi vậy. Đối với các Kitô hữu, cuộc hành trình từ tử đến sinh nầy cũng được các bí tích khác trợ giúp, trong đó bí tích Thánh Thể là tuyệt đỉnh, vì mỗi bí tích đều giúp cho các Kitô hữu gắn bó với Đức Kitô, trong đau khổ và trong cả cái chết. Do đó, Giáo Hội quan tâm đến việc khuyến khích các linh mục năng thăm viếng những người lớn tuổi và kẻ bệnh tật, yếu đau. Thúc giục mọi người giúp đỡ cho những bệnh nhân được cơ may thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể và cho những ai có nguy cơ tử vong, sớm được lãnh nhận bí tích Xức Dầu và lãnh nhận của ăn đàng.
Trong BT Truyền Chức Thánh. Việc đặt tay và xức dầu thánh hiến đã làm cho con người linh mục trở thành người “được chọn trong số người phàm và được đặt lên làm đại diện cho lòai người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính vị ấy cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên vị ấy khi phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho mình như vậy” (Dt 5,1-3). Trong buổi nói chuyện với các Hồng Y, Giám mục và Linh mục tham dự hội nghị chuyên đề, đánh dấu 30 năm Sắc Lệnh Về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục (Presbyterorum Ordinis), vào ngày Thứ Sáu 27/10/1995, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng chính việc đặt tay và việc xức dầu thánh hiến đã làm nên căn tính linh mục, đó là người được chọn giữa những người khác và được đặt làm đại diện cho những người khác trước mặt Thiên Chúa. Để sống và thể hiện đúng căn tính và ơn gọi của mình, linh mục phải cố gắng sống và trở thành con người của Thiên Chúa thực sự, linh mục phải là con người thực sự quan tâm và yêu thương Giáo Hội như hiền thê của mình, linh mục phải là chứng nhân cho Thiên Chúa Tòan Năng và cho những thực tại vô hình; linh mục phải là con người cầu nguyện và là thầy dạy, là người dẫn đường và là người bạn đích thực của mọi người. Đứng trước một linh mục như thế, các tín hữu dễ dàng quỳ gối xuống và xưng thú tội lỗi hơn, dễ ý thức và có ấn tượng tốt hơn đối với việc xức dầu của Thánh Thần trên bàn tay và trái tim linh mục qua BTTCT.
Những điều chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu trên đây, giúp chúng ta càng xác tín hơn rằng dầu được thánh hiến cũng như được làm phép trong thánh lễ Truyền Dầu vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh, được dùng trong phụng vụ Kitô giáo có tác dụng rất đặc biệt đến đời sống đức tin của các Kitô hữu, từ lúc mới được sinh ra cho đến lúc chết. Việc tìm hiểu trên đây sẽ giúp chúng ta ý thức hơn về những lợi ích khi lãnh nhận các bí tích, giúp chúng ta chuẩn bị cẩn thận hơn và cầu nguyện cách đặc biệt hơn cho các dự tòng, các tân tòng, cho những ai sắp lãnh nhận bí tíchThêm Sức, cho những ứng viên muốn dấn thân cách quảng đại trong sứ vụ linh mục và cho những ai đang trong hòan cảnh nguy tử do bệnh tật hoặc già yếu. Xin cho các ơn lành được ban xuống dồi dào qua việc xức dầu nơi các bí tích, giúp cho đời sống Kitô hữu của mỗi người chúng ta mỗi ngày một phát triển hơn lên, được trưởng thành và sống xứng đáng với ơn gọi và sứ vụ của mỗi người hơn. Amen.
(Bài giảng Lễ Dầu của ĐC Stêphanô Tri Bửu Thiên năm 2009)