Tôi là một người không thích các “học kỳ quân đội” cùng tư duy hào hứng về nó như nhiều người đang làm. Đơn giản vì tôi nghĩ, trường học hiện tại nên là nơi tập cho học sinh hiểu về tự do và biết sống như một người tự do. Việc có các thói quen sinh hoạt trong tư cách con người phải được hình thành từ lúc chào đời cho đến khi hết tiểu học.
Con người, khi đến 15-18 tuổi mới bắt đầu được học về khắc kỉ bản thân và “giờ nào việc đấy” thì rất ít có cơ hội thay đổi bản thân. Hay đúng hơn họ chỉ thay đổi khi còn bị bóp nghẹt bởi kỉ luật sắt còn thả ra hoặc họ thành kẻ phóng túng hoặc trở thành một con robot.
Đó chính là lý do có lần tôi phê phán kiểu chào cờ nhà binh với đồng phục quân sự của học sinh một trường THPT tư thục nổi tiếng ở Hà Nội.
Bây giờ, đọc cuốn “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” của Doãn Kiến Lợi, một nhà giáo, một nhà văn và cũng là một phụ huynh ở Trung Quốc, tôi thấy bà cũng có chung quan điểm. Bà viết về các “trường quân sự” được dùng để huấn luyện học sinh phổ thông như thế này. Theo ý bà, bố mẹ nên quan tâm đến con thay vì bỏ bê và kỳ vọng vào các trường như thế.
Bà kể về một cô bé bị bố mẹ phó mặc cho người giúp việc và sau đó khi bất lực họ gửi cô bé đến “trường quân sự”
“Gần đây, tôi nghe nói cô bé này bị bố mẹ đưa đến một ngôi trường “quân sự”. Công việc chính của “ngôi trường” này là tiến hành “huấn luyện quân sự” đối với học sinh, tức hàng ngày phải hành quân một đoạn đường rất dài, luyện tập đứng nghiêm theo tác phong quân đội, tập hợp khẩn cấp, ai không chịu nghe lời sẽ bị đánh. “Nhà trường” thu học phí rất cao, nhưng tuyển sinh được rất đông học sinh. Rất nhiều em như cô bé này, bố mẹ rất bận, điều kiện kinh tế gia đình khá giả, con trẻ học hành rất tệ, liền bị đưa đến đây cải tạo. Tôi còn nghe nói hiệu trưởng của “ngôi trường” này cũng có một cậu con không ra gì, từ chỗ huấn luyện cậu con tri mà anh này thành lập được “ngôi trường quân sự” này. Con trai anh không được huấn luyện thành công, vẫn không có gì thay đổi, chỉ có điều giúp người bố trở thành “hiệu trưởng” và kiếm được không ít tiền.
Tôi không nén nổi liền than thầm trong lòng, bỏ tiền mua “giáo dục” là chuyện rất dễ dàng, chỉ có điều không biết cuối cùng họ sẽ mua được cái gì” (tr. 348)
Những lời có bà có lẽ sẽ gợi lên trong lòng phụ huynh Việt Nam rất nhiều liên hệ và suy tưởng nghiêm túc.
NCS. Nguyễn Quốc Vương