Đó là tựa đề một cuốn sách của sử gia Tạ Chí Đại Trường mới xuất bản ở trong nước. Trong chuyến về quê năm ngoái tôi thấy cuốn sách ‘chuyện phiếm sử học’ trong nhà sách và vậy là mua ngay để đọc, và hôm nay có dịp giới thiệu đến các bạn.
“Phiếm” có nghĩa là trò chuyện lan man, linh tinh, chẳng đâu vào đâu, hay những chuyện không thiết thực. Nhưng chuyện phiếm sử học thì chắc chắn không phải là linh tinh. Ngược lại, đây là những câu chuyện thật (?) đã được ghi lại trong sử sách, nhưng vì nhiều lí do các sử gia trước đây và ngày nay bỏ qua, không đề cập đến. Tạ Chí Đại Trường đã làm cái công việc của người đi “lượm” lại những câu chuyện đó và kể cho chúng ta trong một cuốn sách nhỏ này. Những câu chuyện mà tôi nghĩ những ai chán ngán với học sử sẽ phải suy nghĩ lại.
Quyển sách ngắn thôi (chỉ trên 200 trang, khổ nhỏ) nhưng trữ lượng thông tin thì dồi dào lắm. Qua 200 trang sách, tác giả kể chúng ta nghe những chuyện liên quan đến tính dục (sex) qua các triều đại, đặc biệt là Nhà Trần; chuyện tiền bạc, văn chương; chuyện ‘thần tiền’ và ‘tiền thần’; và chuyện tây tiến bàn về biên cương Việt Nam qua các triều đại.
Tác giả dành nhiều trang kể chuyện … sex. Chuyện sex trong các triều đình phong kiến. Tác giả lí giải rằng những cái tên của cung điện của vua thực ra đều mang dục tính. Chẳng hạn như chữ “cung điện” nghe có vẻ sang và quan quyền, nhưng thực ra “cung” có nghĩa là “phòng”, “điện” là “nhà”. Các vua chúa ngày xưa đặt tên các phòng trong nhà (aka cung điện) như Phong Lưu, Tử Hoa, Bồng Lai, Cực Lạc, Trường Xuân (chỗ nằm ngủ). “Lý Thái Tổ cho mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, có nghĩa là con rồng cao cấp đi qua cửa ấy để hưởng thú vui chăn gối.” Tác giả hỏi có phải những cái danh xưng đó “cùng có ý nghĩa hưởng thụ xác thịt.”
Nhưng còn nhiều chuyện ‘ghê gớm’ hơn. Bằng một văn phong dung dị, tác giả kể rằng năm Ất Tị (1185) Kiến Ninh Vương và Long Ích đem hơn 12 ngàn lính đi đánh nhóm Sơn Lão ở Sách Linh để trả thù. Một viên chỉ huy của Kiến Ninh Vương cho bắt giam những người trong nhóm Sơn Lão, và còn đái vào miệng họ; nhưng bọn Sơn Lão cũng chẳng vừa, họ cắn vào âm hành của viên chỉ huy! Thế là Kiến Ninh Vương sai đám quan làm con cá gỗ để khoá miệng bọn Sơn Lão. Đọc chuyện này, chúng ta không thể không cười thầm, và tự hỏi có phải ‘cá gỗ’ có nguồn gốc từ những 1000 năm trước?
Ông lí giải về cái tên Lý Thường Kiệt cũng là một chuyện đáng chú ý. Ai cũng biết Lý Thường Kiệt là người hoạn quan. Ông lí giải chữ ‘Kiệt’ như sau: “‘Cát’ là phiên âm của sử quan Hán, chắc không đúng bằng lỗ tai của sử quan Việt đã chuyển sát hơn bằng chữ ‘kiệt’, không lầm lẫn được đó là chữ ‘cặt’/cu. Cũng như kích/kít/cát/cứt, trong phâm âm đùa bỡn, né tránh, người ta còn gọi con cu là ‘con kẹc’, rõ ràng là ‘kiệt’ nếu phóng tay văn hoa viết ra chữ Hán!” Ngay cả cái tên Tuấn của ông cũng có liên quan đến các tên trên. Ông viết “Cũng như bà chủ một nhà hộ sinh ở Chợ Lớn đã tự động khai sinh cho các cô cậu bé người Hoa ra đời ở đây là Tửng (Tuấn) và Muối (Muội( khiến cho cả khu vực có toàn thằng Tửng, con Muối ... Vậy thì anh thanh niên Tuấn / Tửng vào cung đình Lý phải được gọi là thằng Cặt đúng như chỉ danh phái tính của anh, chứ không thể mang tên thằng Cứt.”
Nói đến sex thì không thể nào không đề cập đến hoạn quan. Lê Văn Duyệt là một hoạn quan nổi tiếng trong lịch sử. Hoạn quan thường bị mặc cảm vì nỗi nhục mất danh tiết nên họ bù đấp bằng tài năng của họ. Chẳng hạn như Tư Mã Thiên bên Tàu để lại những trang Sử kí cho hậu thế. Lê Văn Duyệt bên ta cũng cùng chung số phận với Tư Mã Thiên và từng thổ lộ tâm sự rằng “sinh ở thời loạn, không dựng được cờ trống đại tướng, chép công danh vào sách sử, không phải là trượng phu.”
Tác giả chứng tỏ đã đọc sách sử xưa rất kĩ, nhưng không phải kiểu tầm chương trích cú, mà biết rút ra những bài học cùng những câu chuyện và những tình tiết độc đáo. Ông chỉ ra rằng trong lịch sử nước nhà chỉ có một người đàn bà xưng vương, người đó là Trưng Trắc.
Có những câu chuyện sử làm chúng ta ngạc nhiên một cách thích thú. Chẳng hạn như Lê Lợi từng có thời đầu hàng quân Minh, làm quan tuần kiểm huyện Nga Lạc, nhưng các sử gia Việt Nam đã tránh không nói đến sự kiện này. Ông phê bình các sử gia hiện hành “Tất cả những lời ca tụng tránh né có nguyên nhân là vì, với thời đại ngày nay, ông vua có quyền sinh sát cũ đã choàng thêm cái áo thần thánh của bậc anh hùng cứu nước.” Thật ra, sử quan ngày xưa có ghi lại lời tâm sự thật của Lê Lợi: “Trẫm ... từng đem hế của cảo để phụng thờ chúng, mong khỏi tai họa ... (và) việc dấy nghĩa binh chỉ là sự bất đắc dĩ thôi ...”
Ông có một văn phong rất độc đáo và … bình dân. Mô tả hình ảnh Ông Địa trong dân gian, ông viết bằng một văn phong hết sức bình dân: “Ông ngồi chễm chệ theo xe bán bánh mì, xe nước mía… với ly cà phê sữa bên cạnh, một thời tay gắn điếu thuốc Ba con Năm anh-tẹc, hay quá tồi với điếu Đà Lạt không thèm nghĩ tới.” Hay khi viết về Nguyễn Công Trứ ông dùng chữ rất bình dân “với một Nguyễn Công Trứ bị nợ đòi, một Tú Xương van nợ …” Viết về mốc biên giới, ông dùng câu chữ y chang như người dân hay nói: “Cột mốc chạy đặt vào phía bên kia vào lúc nửa đêm gà gáy để sáng ra, chủ nhân bị lấn, nếu biết, lại ôm đặt vào chỗ cũ, và chắc có càu nhàu chửi bới om sòm.” Tôi gọi ông là người “bình dân hoá” học thuật.
Dù với phong cách bình dân hoá như thế, quyển sách nhỏ này được nhiều người khen. Trong những người khen đó có nhà văn Nguyên Ngọc, Phan Huy Lê, và cả nhà hoạt động chính trị ở Pháp Nguyễn Gia Kiểng. Tôi rất đồng ý với nhận xét của ông NGK khi ông viết ‘mỗi tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường là “một sự tìm kiếm công phu, có sự nhận định và lí luận rất thẳng thắn. Nó khác với những quan điểm sử quan thời trước, và đến mãi sau này nữa, là dùng lịch sử như là một dụng cụ để củng cố chế độ đương quyền.”
Thật vậy, nếu có một sử gia mà các tác phẩm đều mang tính độc đáo và độc lập, và văn chương lôi cuốn từ dòng chữ đầu đến câu cuối sách thì tôi nghĩ chỉ có một: Tạ Chí Đại Trường. Tôi rất hân hạnh giới thiệu cuốn chuyện phiếm này đến các bạn.
TB: Những chữ trong ngoặc kép là trích từ sách.
Tạ Chí Đại Trường là một sử gia độc lập (hiểu theo nghĩa ông không phục vụ cho chế độ nào hay thuộc loại ‘sử gia cung đình’). Trước năm 1975 ở miền Nam ông đã là một nhà khảo cứu thành danh với cuốn “Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam 1771-1802” được Tổng thống VNCH trao giải thưởng. Sau 1975, cũng như nhiều người khác, ông bị bắt đi tù cải tạo, và sau khi ra tù ông có viết một tập hồi kí cải tạo, đọc cười ra nước mắt. Năm 1994 ông đi Mĩ định cư, năm 2015 ông về Việt Nam để “gửi nắm thân tàn”, và qua đời ở Sài Gòn vào ngày 24 tháng 3 năm 2016. Viết về Tạ Chí Đại Trường, học giả Nguyễn Huệ Chi nhận xét như sau: “Với tôi, ông ấy là người luôn ngẩng cao đầu, không chịu nghe mệnh lệnh của ai ngoài trái tin và con mắt nhìn sự thật. Ông Đại Trường là nhà sử học có tầm vóc và có nhiều khám phá về phương diện lịch sử Việt Nam trong giai đoạn trung đại, cận đại và hiện đại. Tiếc là có một quá trình dài từ năm 1975, giới khoa học xã hội miền Bắc nắm giữ tư thế ‘bên thắng cuộc’ nên không trao đổi học thuật với một nhà sử học chân chính của miền Nam như ông Đại Trường. Theo tôi, đấy là một thiệt thòi cho giới khoa học miền Bắc. Lẽ ra, nếu tiếp cận ông sớm, người ta đã nhận ra phải nhận thức lịch sử cho đúng và những gì phải thay đổi trong cách viết sử lâu nay”.
Gs. Nguyễn Văn Tuấn