Hình 1: Một ví dụ tốt về việc rút lui khỏi bờ biển có tính toán và quản lý tốt, khi vào năm 1999, ngọn Hải đăng ở Mũi Hatteras (Cap Hatteras Lighthouse) gần đường bờ biển Outer Banks (bang North Carolina) đã được di dời 2.900 feet (884 mét) vào phía trong tính từ khu vực bờ biển bị sạt lở. Cuộc di dời này tốn 12 triệu USD. Được xây dựng lần đầu vào năm 1870, ngọn Hải đăng ở Mũi Hatteras nằm ở một vị trí an toàn - 1.500 feet (457 mét) bên trong đất liền tính từ mép nước, nhưng khi hiện tượng xói lở tự nhiên xảy ra ở bờ kè, cộng thêm mực nước biển dâng và sóng thủy triều do những cơn bão gây ra, đã rút ngắn khoảng cách này xuống chỉ còn 120 feet (36.5 mét) từ năm 1999. Lúc đó, người dân địa phương phản đối mạnh mẽ việc di dời vì lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch. Trớ trêu thay, sau khi di dời, ngọn hải đăng lại còn thu hút nhiều khách hơn trước đây. Tại dải bờ biển Outer Banks ở North Carolina, độ dốc triền đất của khu vực là từ 1 đến 10.000 (feet), nghĩa là theo lý thuyết, khi mực nước biển dâng 1 foot (30 cm), thì mép nước biển có thể tràn vào bờ khoảng 2 dặm (3,2 km). Và chắc chắn, nội trong thế kỷ này, người ta vẫn có khả năng phải tiếp tục di dời ngọn hải đăng này vào bên trong bờ.
Cuốn sách cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về việc nước biển đang dâng lên nhanh như thế nào, khả năng dễ bị tổn thương của các thành phố ven biển ở cả Mỹ và trên toàn thế giới khi nước biển dâng, những chính sách sai lầm của chính phủ hỗ trợ giới nhà giàu và khuyến khích quy hoạch phát triển đầy rủi ro ở gần các bờ biển đang bị xâm thực, và chương trình quảng cáo PR được tài trợ hào phóng từ ngành công nghiệp khai thác năng lượng hóa thạch làm cho công chúng không nhận thức được vấn đề. Các tác giả đã viết rằng:
“Dù thích hay không, chúng ta sẽ phải rút lui khỏi hầu hết những vùng duyên hải không phải đô thị trên toàn thế giới trong một tương lai không xa. Các lựa chọn thoái lui của chúng ta có thể đầy khó khăn hoặc mang tính thảm họa. Chúng ta có thể lên kế hoạch ngay bây giờ và thực hiện việc rút lui mang tính chiến lược và có tính toán hoàn hảo, hoặc chúng ta sẽ phải lo lắng về chuyện đó sau này và thực hiện việc rút lui mang tính đối phó trong hoàn cảnh xào xáo trước những cơn bão có sức mạnh hủy diệt. Nói cách khác, chúng ta có thể thực hiện việc này một cách có phương pháp, hoặc phải rút chạy trong hoảng loạn.”
Trong bài bình luận này, tôi xin lược lại một số ý quan trọng của cuốn sách, cùng với so sánh tình trạng tương tự đang xảy ra ở Việt Nam, để chắc chắn làm cho chúng ta - những người dân sống tại đây, phải suy nghĩ vì nó có liên quan đến chính vận mệnh và cuộc sống của chúng ta.
✔️ Điểm số 1: Hai thành phố Miami và New Orleans sẽ bị hủy diệt.
Các tác giả tranh luận rằng “sự tồn tại của thành phố Miami và New Orleans qua thế kỷ 21 là đáng nghi ngờ một cách nghiêm túc”, vì mực nước biển dâng:
“Miami có thể bị hủy diệt khi nước biển dâng thêm hơn nửa mét (2 feet = 0.6m). Không có bất cứ vùng đất cao hơn nào gần đó để di dời các công trình xây dựng đến; các đập chắn biển và công trình tương tự sẽ không phát huy tác dụng [vì nền đá xốp bên dưới cho phép nước biển thấm qua]; và giới lãnh đạo thành phố và tiểu bang thậm chí còn không chấp nhận sự thật về thảm họa, nói chi đến việc lên kế hoạch đối phó với các cơn lụt sẽ đến trong tương lai. Thật khó để đáp ứng với mọi vấn đề, nên sự hủy diệt của Miami sẽ đến từ từ; đó là cái chết vì hàng nghìn vết dao cắt đến từ đại dương.
Tuy nhiên, sự biến mất của thành phố New Orleans lại là một thảm họa hoặc chuỗi thảm họa khủng khiếp — gọi đích danh bằng các cơn bão lớn. Mối rủi ro tiềm ẩn của thiệt hại cực độ từ các cơn bão sẽ tăng dần qua mỗi năm khi mực nước biển dâng lên cao hơn. Đó là vì New Orleans là một vùng trũng tích nước, dù nó có con sông Mississppi chảy qua.”
Hình 2: Sóng và thủy triều dâng trong cơn siêu bão Isaac (tháng 8/2012) đã tràn qua các đụn cát thấp và tạo ra những dải trầm tích kéo dài lên tận đường chính giống như những vết tay cào ngược về hướng biển thuộc vịnh của đảo Dauphin, bang Alabama. Một con kênh lớn cắt ngang hòn đảo ở phía trên tấm hình. Các tác giả của cuốn sách cho rằng: “Ở Bắc Mỹ, khu vực ở phía Tây đảo Dauphin là ví dụ tốt nhất cho việc cần phải di dời vùng duyên hải vào bên trong đất liền”.
Vấn đề tương đương ở Việt Nam. Nếu đề cập đến Đồng bằng Sông Cửu Long, thì chắc chắn không có nơi nào cao hơn 3 mét, trừ các vùng núi đặc thù ở vùng Tịnh Biên, An Giang. Có nơi thậm chí còn cao chưa đến nửa mét. Nền đất và đá ở đây mang đặc thù phù sa lỏng, dễ biến dạng, rửa trôi và thẩm thấu. Vì thế, lưu vực cuối cùng của sông Mekong này dễ bị biến mất dưới các con sóng của biển Đông khi mực nước biển dâng lên ít nhất là 2 mét - theo kịch bản mới nhất của giới khí tượng toàn cầu, vì nhiệt độ bình quân thế giới chắc chắn tăng 2 độ C, dù trong trường hợp tất cả các quốc gia trên thế giới đồng thuận Hiệp định Khí hậu Paris (năm 2016). Nay Mỹ đã tách ra khỏi Hiệp định cắt giảm khí thải nhà kính này, thì điều gì đến sẽ đến.Nói về Sài Gòn, với các chính sách lấn biển và mở rộng thành phố về phía Đông, một phần khu vực mở rộng nơi đây sẽ gặp nhiều rắc rối lớn trong tương lai, khi mực nước biển dâng +2 mét và toàn bộ khu vực Quận 2, Quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ là vùng trũng để chứa nước đổ xuống từ Tây Ninh, Đồng Nai và trung tâm thành phố. Đó là chưa kể các cơn bão lớn có khuynh hướng đi chệch về phía Nam nhiều hơn trong tương lai, và do đó, Sài Gòn và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thay thế Nha Trang - Cam Ranh - Ninh Thuận - Bình Thuận trong nửa mùa mưa về cuối năm để hứng chịu các cơn bão này.
✔️ Điểm số 2: Chính sách yếu kém về bảo hiểm lũ lụt và phát triển đô thị của chính phủ.
Ở chương “The Tax Payers and the Beach House” (Dân đóng Thuế và Những Căn nhà trên Bãi biển), cuốn sách chỉ rõ những thiếu sót trầm trọng nơi chính sách về lũ lụt của Mỹ. Từ năm 1998, Chương trình Bảo hiểm Lũ lụt Quốc gia Hoa Kỳ (The National Flood Insurance Program - NFIP, cũng như một đạo luật ít phổ biến hơn có tên gọi Đạo luật Stafford, được thông qua, với quy định rằng một khi tổng thống Mỹ tuyên bố thảm họa quốc gia, đạo luật này sẽ được khởi động, với tiến trình trợ cấp 75% quỹ liên bang vào 25% quỹ của chính quyền tiểu bang và địa phương để chi trả cho việc sửa chữa thiệt hại do thiên tai. Trong một thập kỷ qua, đạo luật Stafford đã chi 75% của tổng số tiền 150 - 185 triệu USD mỗi năm ở Mỹ trong các dự án sửa chữa nhà cửa ven bờ biển.
Tuy nhiên, điều đáng nói chính là, số tiền mà chính phủ Mỹ phải trợ cấp thông qua chương trình NFIP và đạo luật Stafford cho các khu vực chắc chắn bị đe dọa bởi mực nước biển dâng là không hợp lý, nếu không muốn nói là bất hợp lý. Ví dụ như, đạo luật Stafford chịu trách nhiệm cho phần lớn quỹ trợ cấp 80 triệu USD để sửa chữa thiệt hại phát sinh do 10 cơn siêu bão và bão nhiệt đới kể từ năm 1979 gây ra cho khu vực tận cùng phía Tây của đảo Dauphin (bang Alabama) - "một mũi đất rất hẹp và cạn được xếp vào địa điểm ít phát triển nhất ở bất cứ hòn đảo chắn sóng nào thuộc Hoa Kỳ". Khu vực có diện tích 1 dặm vuông (2,5 km2) này là nơi xây cất của 400 căn nhà, và do đó, khoản tiền 80 triệu USD được chia thành khoảng 200.000 USD một căn nhà (tương đương hơn 60.000 USD một cư dân). Khoản tiền này còn chưa bao gồm 72,2 triệu USD mà chương trình NFIP phải chi trả cho các người chủ căn nhà trên đảo Dauphin từ năm 1988. Tất cả số tiền trợ cấp trên được đem ra so sánh với khoản bảo hiểm chỉ có 9,3 triệu USD mà các người chủ căn nhà này đã chi trả trong cùng thời gian trên. Thật vô lý khi mà chính quyền bang Alabama và chính phủ Liên bang Hoa Kỳ phải chi ra đến hơn 150 triệu USD cho một khu vực mà mọi người đều biết chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và lũ lụt. Không có ví dụ nào ở Mỹ tốt hơn việc cần phải thực thi chương trình rút lui vào đất liền cho cư dân ở phía Tây đảo Dauphin.
Điều bất hợp lý tương tự cũng diễn ra với bờ biển North Topsail ở bang North Carolina, nơi có nền đất thấp và cạn, cũng như đường thoát duy nhất vào đất liền dễ dàng bị lũ lụt nhấn chìm ngay cả trong giai đoạn đầu của một cơn bão khi nó chuẩn bị tiếp cận bờ biển. Ở đây có một số lượng đáng kể khách sạn tư nhân (villa) và khách sạn chung quản (condominium) đã được xây lên, bao gồm khu St. Regis Resort và Villa Capriano. Những công trình nhà ở này là của người giàu và được đóng bảo hiểm ở mức thấp hơn nhiều so với chi phí mà quỹ trợ cấp thiên tai của chính phủ phải trả. Các tác giả của cuốn sách cũng ghi nhận rằng khoảng 79% quỹ của chương trình NFIP có chính sách hỗ trợ cho các khu vực có giá trị bất động sản cao hơn 30% mức bình quân ở nước Mỹ, trong khi ít hơn 1% các chính sách của quỹ này hỗ trợ cho số bất động sản có giá trị thấp hơn 30%. Rất nhiều khoản trợ cấp được dành cho căn nhà thứ hai của những gia chủ giàu có.
Cuốn sách kết luận: “Người dân chúng ta đang trợ cấp bảo hiểm lũ lụt cho tài sản của họ, và khi các căn nhà của họ bị phá hủy, chúng ta cung cấp ngay gói cứu trợ khẩn cấp để tái xây dựng nhà cho họ. Phúc lợi kiểu này dành cho nhà giàu phải dừng lại ngay lập tức. Trong thời đại của biến đổi khí hậu với mực nước biển dâng và các cơn bão khốc liệt ngày càng gia tăng, chúng ta không nên tiếp tục bảo trợ để che giấu giá trị thực của các căn nhà xây dựng trong vùng rủi ro cao. Chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta không nợ nần bất cứ kẻ ngu xuẩn nào rõ ràng đang xây nhà nơi nguy hiểm. Thay vì thế, chúng ta phải phạt nặng những hành vi như vậy. Tiền thuế của chúng ta nên được chi ra để khuyến khích và hỗ trợ cho một kế hoạch rút lui khỏi bờ biển - tái định cư người dân đến các vùng đất cao hơn, thay vì là tài trợ để liên tục xây dựng lại các công trình ở nơi mà ngay từ đầu, chúng ta không nên xây chút nào.”
Vấn đề tương tự ở Việt Nam. Hàng loạt các dự án bất động sản lấn biển và xây dựng tại vùng thấp, trũng và ven biển được cấp phép và mời chào đầu tư, vì chi phí bồi thường cho chủ đất/nhà nước thấp và thói quen thích có nhà ven biển để nghỉ dưỡng của người dân. Vì tầm nhìn ngắn hạn và thiển cận, chắc chắn là những vị khách hàng của các dự án này không bao giờ nhận được khoản bảo hiểm “tử tế” về lũ lụt như ở Mỹ. Và một ngày nào đó, khi họ nhận ra thì đã quá trễ. Vấn đề là chúng ta đã đầu tư rất nhiều cho các bất động sản mà một ngày nào đó trong chu kỳ hoàn vốn, chúng đã nằm dưới đáy biển.
Vâng, một ngày nào đó trong tầm 50 năm đến 80 năm sắp tới, các căn nhà và tòa nhà nằm ở ven biển Cam Ranh, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ, hoặc Quận 7, Nhà Bè sẽ nằm trong diện phải giải tỏa và tái định cư ép buộc, không phải để dành chỗ xây dựng mới cho các dự án hoành tráng hơn, mà là tránh thảm họa do bão và mực nước biển dâng gây ra.
✔️ Điểm số 3: Cứu rỗi các bãi biển ở những cộng đồng định cư gần biển là một cuộc chiến không thể thắng được.
Cuốn sách ghi nhận rằng khi mực nước biển dâng, người ta thường có hai cách để bảo vệ các bãi biển ở những cộng đồng dân cư sống gần biển như ở Bãi tắm Miami:
a. Chi hàng triệu USD mỗi năm cho các dự án bồi hoàn bãi tắm, bằng cách đổ hoặc bơm cát từ lòng đại dương lên trở lại bãi biển.
b. Xây dựng các cấu trúc cứng như đập chắn sóng để bảo vệ nhà cửa ở gần bãi biển.
Chẳng cái nào trong hai phương pháp tiếp cận trên sẽ giải quyết được vấn đề trong dài hạn. Chi phí để duy trì các bãi biển sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ, và việc xây dựng các công trình cứng để bảo vệ sẽ gây xói mòn bãi biển qua thời gian, dẫn đến việc hoàn toàn mất bãi biển.
Hình 3: Thiệt hại do thủy triều dâng ở North Topsail, bang North Carolina, sau cơn bão Hurricane Fran năm 1996 có sức mạnh Cat. 3.
✔️ Điểm số 4: Các cộng đồng dân cư ven biển cần phải làm gì để chuẩn bị cho hiện tượng mực nước biển dâng.Theo các tác giả của cuốn sách, câu trả lời duy nhất chính là rút lui khỏi các bờ biển và những vùng đất thấp, bao gồm nhiều nguyên tắc sau đây:
✅ Không xây dựng thêm bất cứ công trình lớn nào nơi cộng đồng dân cư sống gần bãi biển nếu các công trình này làm giảm tính thích nghi trong phản ứng của cộng đồng với mực nước biển dâng.
✅ Không tái xây dựng các tòa nhà bị thiệt hại bởi bão.
✅ Di dời hoặc phá hủy các tòa nhà xâm lấn các hoạt động của bãi biển, ví dụ như làm thay đổi hình dạng bãi biển theo mùa.
✅ Không cho phép việc bồi hoàn bãi biển trở thành lý do để gia tăng mật độ phát triển vì điều này sẽ chỉ đẩy mạnh thêm việc đặt các tòa nhà ở sát biển vào hiểm họa.
✅ Không xây đập chắn sóng nếu bạn muốn duy trì một bãi biển cho các thế hệ tương lai.
✅ Hãy lên kế hoạch rút lui vào đất liền ngay từ bây giờ.
Nhìn lại ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy chính quyền và các doanh nghiệp bất động sản đang làm điều ngược lại. Họ cố gắng xây thêm các dự án ven biển càng nhiều càng tốt. Họ đổ tiền vào đầu tư ở những cơ sở hạ tầng lấn biển hoặc nằm ở ngay mặt tiền biển. Họ lại còn quy hoạch lấp đầy các vùng trũng, thấp, nơi sẽ là điểm thoát nước tối ưu một khi lưu lượng mưa tăng đột ngột do bão và mực nước biển dâng. Các bờ kè và đê chắn sóng được dựng lên nơi những khu nghỉ dưỡng resort, bảo vệ các công trình khách sạn và villa tư nhân. Tháng 9/2017, chính vị thủ tướng của Việt Nam lại còn rất tự tin khi tuyên bố Đồng bằng Sông Cửu Long - nơi mà nhiều tổ chức quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Kinh tế đã xếp vào vùng địa lý dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mực nước biển dâng - vào khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế. Họ điềm nhiên tiếp tục thực hiện các dự án kinh tế lớn tại nơi mà thế giới e ngại và cảnh báo.
Còn nhớ ông Hồ Chí Minh có bài thơ về ý chí và tinh thần lao động con người rất nổi tiếng mà nhiều lãnh đạo Đảng Cộng sản đều thuộc nằm lòng:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Và như thế, các đồng chí con cháu của ông vẫn quyết định làm như thế. Chỉ có khác ở tinh thần và động cơ. Xưa ông nói thế là để đôn đốc sĩ khí đồng bào trong công cuộc tái xây dựng đất nước theo Chủ nghĩa Xã hội. Nay con cháu ông làm vậy là để làm giàu và kiếm tiền dễ dàng hơn.
Vậy mà sau gần 100 năm bài thơ trên được sáng tác, Việt Nam vẫn kém phát triển về mọi khía cạnh của cuộc sống. Và theo dự báo - nếu cứ tiếp tục lấn biển, Việt Nam sẽ mất rất nhiều trong vòng 50 năm sắp tới.
Nguyễn Đạt Ân
Tư liệu tham khảo:
https://www.wunderground.com/cat6/retreat-rising-sea-book-review