Hãy để con "thong thả", hãy hành xử thuận tự nhiên...


Tin liên quan:
✔️ Làm gì khi con ăn vạ?
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Tình yêu vô điều kiện, hay tình yêu tự bên trong
✔️ Trường học làm chúng ta mất khả năng học


Vietnamnet có bài đăng tựa là "Học sinh đang có nhiều vấn đề về sức khoẻ tâm thần"...

Vâng. Học học nữa học mãi đây ạ. Học chỉ tốt khi học cái đáng học và học đúng thời điểm, đúng độ tuổi, đúng phương pháp nhé các bố mẹ.

Không phải cứ làm cho con biết đọc, biết viết sớm là tốt. Chém gió tiếng Anh vèo vèo sớm là tốt. Đơn giản vì cái cây non chỉ có thể gánh được cơn gió nhẹ mà ta lại mang bão tới thì cứ liệu hồn.

Lượng kiến thức và độ khó của nó phải tương ứng với thể chất và nền tảng văn hóa cá nhân tích lũy. Nếu không sẽ gây ra hiện tượng kiểu "tẩu hỏa nhập ma". Nhiều người học xong điên điên khùng khùng là vì thế.

Giáo dục không phải là một con đường bằng phẳng trong cuộc đua đơn giản mà quan niệm xuất phát trước thì về đích trước hay chạy nhanh hơn thì sớm về đích. Cái đích làm người là một cái đích mà để tới người ta còn cần phải thong dong trải nghiệm, suy ngẫm và phản tỉnh suy xét lại mình mới có thể tiến đến.

Khi giáo dục không có sự thong thả, người ta sẽ trở thành các cỗ máy vô hồn và không thể có sáng tạo dù người ta có nhiều kiến thức hơn nữa. Đơn giản vì con người không phải là máy móc chạy theo lập trình và cứ cắm điện là chạy.

Con người có cảm xúc ,có mối quan tâm, có động lực thôi thúc từ trong. Tất cả những cái đó chỉ có thể có một cách lành mạnh khi người ta có thể thong thả.

Thiếu nó thì học, học nữa, học mãi chỉ đầu to, mắt cận mà thôi.

P.S: Xét ở điểm này thì ông Kim Dung bên tàu có vẻ như khá thấu hiểu bản chất của giáo dục. Các nhân vật ngộ được chân lý võ học và thành tài trong tác phẩm của ông đều là các nhân vật vốn được coi là dở dở ương ương, hiền lành quá đỗi thậm chí là đần độn ví dụ Đoàn Dự, Quách Tĩnh... Nhưng bản chất của giáo dục là thế. Cảm xúc nhân tính phong phú, hồn nhiên, không coi các tiêu chuẩn định lượng là cái gì tuyệt đối ghê gớm để rồi phải chạy theo... là các điều kiện tốt để tiếp cận chân lý.

Đi dạy học không sợ trò không thông minh chỉ sợ trò không có chút cảm xúc hay ý chí, say mê gì. Người như thế chỉ là gỗ đá.

Bó tay toàn tập luôn.

NCS. Nguyễn Quốc Vương
Tin liên quan:
✔️ Làm gì khi con ăn vạ?
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Tình yêu vô điều kiện, hay tình yêu tự bên trong
✔️ Trường học làm chúng ta mất khả năng học

Về đầu trang