Hãy là người đầu tiên biết xót con...

Tôi đọc tin cậu bé học sinh lớp 10 vừa tự tử ở TP.HCM vì áp lực học hành mà thấy đau quá, bất lực quá! Bởi đây không phải là vụ đầu tiên và duy nhất trong những năm gần đây có liên quan tới những hành vi tiêu cực của trẻ do thất vọng về việc học tập.
Lớp học của trường Nguyễn Khuyến.

Xem cái lịch học của học sinh trường Nguyễn Khuyến được chia sẻ trên mạng mà choáng váng: Hàng ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu, các em phải thức dậy từ 5:30 và học đến 22 giờ. Thứ Bảy, Chủ nhật và thậm chí các ngày lễ cũng học luôn! Lý giải cho việc này, thầy hiệu trưởng của trường cho rằng nếu học sinh lớp 12 không tập trung học sẽ không thể thi đậu đại học. Trên thực tế, đúng là trong nhiều năm liên tục, trường Nguyễn Khuyến luôn là trường có tỷ lệ đậu đại học 100% và đây là cái nhãn mác hấp dẫn để phụ huynh đổ xô đến để gửi con vào đây. Dù rằng trường chỉ tuyển học sinh học lực khá, giỏi trở lên. Dù rằng phải vượt qua kỳ thi đầu vào không kém ở các trường điểm công lập. Dù rằng phải chấp nhận cả điều kiện nếu đang học mà bị tụt hạng xuống học lực trung bình thì sẽ bị buộc phải rời trường! Nghe đâu anh của cậu bé vừa quyên sinh trước đây cũng học Nguyễn Khuyến và đã đậu vào đại học Y Dược. Nên có thể dễ dàng hiểu vì sao em lại được tiếp tục đưa vào đây!

Vì thế, đừng đổ hết lỗi cho nhà trường! Có cầu mới có cung. Nếu không có các phụ huynh xếp hàng dài mong gửi con vào đó thì những trường học như vậy cũng chẳng thể tồn tại và phát triển.

Chính người thân của tôi trước đây cũng từng xếp hàng mong cho con được chen chân vào Nguyễn Khuyến, dù cháu đang học ở một trường công không đến nỗi tồi. Để rồi cả hai vợ chồng cũng thất vọng khi con bị từ chối. Tôi nghe tin thì lại mừng cho cậu cháu, bởi đã cố can ngăn nhưng đành bất lực trước mong muốn của cha mẹ cháu!

Có lần tôi tiếp một phụ huynh ở phòng tuyển sinh vì nghe các nhân viên tuyển sinh nói bà mẹ này cứ đòi được gặp cô để nghe cô tư vấn trực tiếp về dự định gửi cậu con trai năm sau sẽ lên lớp 6 vào BCIS. Vừa trao đổi được vài câu, mẹ đã hỏi ngay rằng nếu học ở đây hết bậc trung học cơ sở thì con trai có đủ khả năng để thi vào các trường chuyên như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa được không? Tôi nói nếu có ý định cho con luyện để thi vào các trường chuyên thì chị đã chọn sai địa chỉ, bởi trường này không phải cái lò luyện thi! Sau khi nghe tôi giới thiệu về những điểm khác biệt trong phương pháp đào tạo của trường, mẹ lại hỏi không biết con chị liệu có thích ứng được với cách học ở đây không? Tôi trả lời trường chỉ lo phụ huynh không thích ứng chứ không bao giờ lo học sinh khó hoà nhập. Suy nghĩ một hồi, chị nói thôi xin lỗi, chắc để em chọn trường khác cho con em, vì cả nhà em đều mong cháu lên cấp 3 vào được Lê Hồng Phong chị ạ! Tôi nói chị không cần xin lỗi tôi vì chị đã lựa chọn đúng nếu gia đình muốn thế. Có một điều tôi không dám nói ra với người mẹ là tôi thấy thương quá cậu bé đã được định đoạt sẵn phải trở thành học sinh trường chuyên khi mới chỉ vừa học xong bậc tiểu học.
Cuộc sống của học sinh Nguyễn Khuyến là vòng tròn khép kín chỉ ăn và học.

Lần khác, một phụ huynh cũng đến đăng ký học cho con, gặp tôi hỏi liền: Chị ơi, em nghe nói học ở mấy trường quốc tế nhàn nhã lắm, toàn chơi không à! Em muốn con em vào đây cũng phải làm sao học ngày học đêm như ở trường công í, như vậy mới yên tâm chị à (!!!). Ô hay, sao lại có những bậc cha mẹ cứ thích con phải vất vả căng thẳng về việc học tập mà không muốn con được nhàn nhã, vui thú đúng như lứa tuổi nó đáng được hưởng? Sao chúng ta lại cứ vô tư bất công như thế với chính núm ruột thân yêu của mình?

Thế hệ chúng tôi hồi trước chỉ học nửa buổi, và tất nhiên đều là học trường công vì ngày xưa lấy đâu ra tư thục. Nửa buổi còn lại toàn tự bày trò chơi với nhau hoặc phải làm việc nhà phụ giúp cha mẹ. Ba tháng hè thì nghỉ thẳng cẳng, chơi thả ga, không hề biết đến mùi học thêm học nếm hay luyện thi... Thế có nhẽ không nên người chăng? Đã từ bao giờ hình thành nên cái guồng máy tệ hại, cuốn các bậc cha mẹ vào cuộc chạy đua để phô diễn thành tích học tập của con cái như vậy? Tại sao chúng ta lại cứ muốn con cái phải khổ nhọc chứ không được sung sướng? Có một nghịch lý là ai cũng nói muốn con cái hạnh phúc và sẵn sàng làm mọi thứ để con có cuộc sống đầy đủ. Thế nhưng chúng ta lại thản nhiên bỏ qua những nhu cầu bình thường nhất của một đứa trẻ, mà nhiều khi không cần phải có tiền mới đáp ứng được!

Clip: Học sinh Việt Nam rối loạn tâm thần vì áp lực học tập Lịch học dày đặc, áp lực điểm số, thi cử khiến nhiều trẻ em và trẻ vị thành niên nước ta bị rối loạn tâm thần.

Ở Isarel cũng có những trường năng khiếu, kiểu như trường chuyên ở ta, gọi là “gifted school”. Để được tiếp nhận vào các trường này, học sinh phải trải qua 3 vòng thi tuyển rất khó khăn nhằm chứng minh mình thật sự có năng khiếu vượt trội so với bạn bè cùng lứa và vì thế, cần phải được học tập trong một môi trường đặc biệt. Điều đáng suy nghĩ là nhiều phụ huynh ở nước này, dù con thật sự có khả năng, thậm chí đã vượt qua cả ba vòng thi tuyển, thế nhưng cuối cùng họ lại từ chối không muốn cho con vào học ở gifted school. Khi nghe tôi hỏi lý do tại sao, một viên chức của Bộ Giáo dục Israel cho biết các phụ huynh đó chỉ muốn con họ phát triển bình thường như mọi đứa trẻ khác. Họ không thích con trở thành những đứa trẻ khác thường trong môi trường học tập và rèn luyện rất áp lực ở các trường năng khiếu. Các trường gifted school ở Israel, vì thế, không phải là những trường hot hay có gì hấp dẫn ghê gớm để phụ huynh phải đua nhau chạy vạy đưa con vào. Trong khi đó ở nước ta thì ngược lại: Các trường chuyên luôn là ước mơ của nhiều bậc cha mẹ, ngay cả khi con họ chẳng có chút năng khiếu đặc biệt nào! Chính vì thế mà các lò luyện thi vào trường chuyên mới đua nhau mọc ra như nấm. Chính vì thế mà mới có nạn “chạy trường” với giá trị quy ra bằng tiền khủng khiếp không kém gì nạn “chạy chức”. Trường càng nằm ở top đầu thì “giá trị đầu tư” càng cao.

Mặc dù các phụ huynh thi nhau chạy đua để “nhồi” con ở bậc phổ thông như vậy, nhưng điều khôi hài là cánh cửa đại học lại chưa bao giờ rộng mở dễ dàng như ngày nay! Số học sinh đủ khả năng tài chính để đi du học hay lấy được học bổng ở nước ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp. Còn hầu như các cô tú cậu tú sẽ tiếp tục đi vào các trường đại học trong nước. Thật tình, chưa có thời nào mà “ra ngõ gặp cử nhân và thạc sĩ” nhiều như thời nay. Con số 200.000 cử nhân thất nghiệp của năm 2017 mà báo chí chính thống đã đưa tin e rằng cũng sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2018. Có lần tôi còn nghe mấy em sinh viên thực tập hồn nhiên khoe: Tụi bạn con rủ hễ ra trường không kiếm được việc làm thì lại quay về trường học tiếp để kiếm cái bằng thạc sĩ cho oai.

Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” là câu chuyện dài mà xã hội vốn kêu ca từ lâu, nhưng điều quan trọng là ngay cả chất lượng đào tạo “thầy” hiện nay cũng có vấn đề! Đơn cử như với khối trường đại học sư phạm - ngành đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp “trồng người”. Một khi điểm chuẩn đầu vào có trường chỉ yêu cầu 12 điểm cho 3 môn và với cách đào tạo GV vẫn như trong những năm 80-90 của thế kỷ trước thì thử hỏi làm sao mong có được một nền giáo dục chất lượng cho ra hồn? Còn một loạt các đại học dân lập, tư thục, đại học của các địa phương, các bộ, ngành khác cũng cứ hàng năm đều đều cho “ra lò” hàng trăm ngàn cử nhân thiếu kỹ năng làm việc, bất chấp thị trường lao động có “tiêu thụ” được hay không!


Đã có quá nhiều tiếng nói về sự xuống cấp của giáo dục nước nhà. Nhưng cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng chính các phụ huynh là một tác nhân góp phần gây nên thảm trạng ấy. Nếu nói đó là “lỗi hệ thống” thì cả phụ huynh và cơ quan quản lý nhà nước đều có trách nhiệm trong việc tạo ra “sản phẩm lỗi” là một nền giáo dục hoàn toàn thất bại.

Bởi thế, thay vì ngồi kêu ca và trông chờ nhà nước lớn cải tổ giáo dục có hiệu quả, điều tốt nhất mà các phụ huynh có thể làm được cho con mình ngay và luôn là cần thay đổi chính quan điểm về việc học tập của con cái. Tôi biết ngày nay có nhiều cha mẹ trẻ đã suy nghĩ ngày càng tiến bộ trong việc nuôi dạy con. Nhưng vẫn còn đa số các vị khác chỉ thích con trở thành tù nhân của một “nền giáo dục khổ sai” (ý của anh Hoàng Linh). Không cần phải có tiền cho con “tị nạn giáo dục” trong nước hay ngoài nước, không cần phải chạy vạy lo trường chuyên hay trường điểm cho con..., chỉ cần thương con đúng như nó là đứa trẻ của mình, với sự tôn trọng khả năng và ước muốn của nó một cách nghiêm túc.

Hãy tháo gỡ những cái cùm trên vai con cái bằng cách bớt kỳ vọng vô lối đi, để chúng được trở lại học hành đúng kiểu như chúng ta ngày xưa! Chỉ đơn giản vậy thôi, nên xin đừng nói với tôi là tại, bị, vì đâu hay phải cần có tiền! Không ai có thể giúp các con cất khỏi gánh nặng này ngoài chính chúng ta - những người sinh ra và có quyền nuôi dạy chúng trước nhất.

Nguyễn Thị Oanh
Về đầu trang