"Kinh hoà bình" giữa đời


Mấy ngày trước mình có tham gia một khoá học ngoại khoá vận động thực tế nhằm nâng cao khả năng lãnh đạo ở Vũng Tàu. Đây là một khoá nằm trong chuỗi các bài học về phát triển kỹ năng con người do một chuyên gia đào tạo từ Singapor mang đến Việt Nam. Học viên trong lớp thì đông lắm, hàng trăm người, đến từ nhiều tỉnh thành, ở nhiều lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Nói chung là chẳng ai quen biết ai từ trước, mà tất cả phải hoà mình vào trong một tập thể lớn những người rất xa lạ.

Theo một sự ngẫu nhiên nào đó, mình bị phân về một nhóm có 3 nam, 7 nữ... nói chung là khá chênh lệch về thể lực với các nhóm khác nhiều nam giới hơn. Nguyên tắc trò chơi là các thành viên trong một nhóm phải cùng sinh hoạt, học tập kỹ năng, rồi cùng ra thực tế phối hợp với nhau để chiến thắng các nhóm khác. Tất cả diễn ra trong 3 ngày trời, vận động liên tục, mỗi ngày hầu như chỉ có thời gian được ngủ 2 tiếng. Mình lo lắm. Không phải lo về chuyện “trèo đèo lội suối” vì mình là dân phượt lâu năm, mà lo nhất là việc phải phối hợp với những người xa lạ, có những người rất yếu ớt, chưa từng va chạm xã hội, không có sự nhanh nhậy khoẻ khoắn như mình. Và điều đáng lo nhất là trong nhóm của mình có một thằng cha rất đáng ghét. Nhóm có 3 nam, phải cân cả một đội “vịt bầu” 7 nữ, vậy mà có chuyện xung khắc với nhau nữa thì coi như hỏng chuyện. Thành tích cá nhân không có giá trị gì ở đây. Một người rớt lại là cả đội thua.

Thằng cha mình vừa nói đến là một người thấp đậm, đeo kính trắng gọng inox, khuôn mặt ít khi giãn ra, đừng mong là hắn cười nói với mình. Mình gặp hắn cũng trong lớp học lý thuyết khoảng một tháng trước. Hôm đó, mình rất thân thiện chủ động chào hỏi hắn đàng hoàng. Nhưng đáp lại là một sự khinh khỉnh rất khó chịu. Mình bực lắm. Thầy thì vừa mới dạy trên lớp phải thân thiện, phải tìm cách hoà đồng với môi trường xung quanh thì mới có thể thành công. Mịa thằng cha này là ai? Mày tuổi gì? Mày biết bố mày là ai không mà có thái độ như thế... Nói chung là rất bực.

Giờ đây, khi hoàn cảnh buộc mình phải đối diện với hắn, tự dưng mình phải suy nghĩ lại. Hắn rất đáng ghét, nhưng mình phải hợp tác với hắn. Không có cách nào khác. Thế là mình bắt đầu vận dụng hết khả năng đắc nhân tâm để thu phục. Đầu tiên là việc chia sẻ hoàn cảnh cá nhân. Mình ngả lòng ra kể chuyện với mọi người trong nhóm tất cả về mình. Những ngày hè đổ lửa năm 2011, những trận công đồn đòi người sau biểu tình, những đêm dài trốn tránh an ninh để đi làm phóng sự Formosa... nói chung là mình kể hết chẳng e ngại bất cứ điều gì. Rồi các tình huống vận động, mình luôn chủ động giúp đỡ quan tâm đến các thành viên yếu nhất. Rồi từng việc nhỏ trong sinh hoạt mấy ngày trời với nhau, mình luôn cố gắng thể hiện sự chân thành.


Mọi việc cứ thế thay đổi dần theo thời gian. Hắn bắt đầu phản ứng lại một cách tích cực. Hắn cũng lao vào cùng với mình để giúp đỡ các bạn nữ. Rồi hắn hợp tác tay đôi với mình trong các bài học. Đến ngày cuối cùng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Ngày hôm đó vào buổi sáng sớm, tất cả học viên tập trung trong một khu rừng. Đây sẽ là bài học vận động cuối cùng nặng nhất. Các học viên sẽ phải giả định việc cứu người trong đám cháy. Mỗi người sẽ chọn một ai đó trong nhóm để phối hợp. Tất cả sẽ thay nhau bê, vác, chạy, kéo lê nhau trên mặt đất. Nhóm nào thực hiện xong trước bài tập sẽ giành chiến thắng. Trong cái nắng chói trang của Vũng Tàu, tất cả học viên bắt đầu lao vào cuộc chiến. Từng giọt mồ hôi đổ xuống ướt hết cả quần áo. Mình chọn ngay hắn làm đối tác vì cùng mức cân nặng, nếu chọn ai đó nhẹ hơn thì sẽ làm khó cho đồng đội không thể hoàn thành nhiệm vụ. Mình với hắn ôm nhau, bê nhau, cõng nhau, vác nhau chạy. Nền đất thì cứng và có nhiều đá, nhiều rễ cây lổn nhổn, nặng nhọc vô cùng. Phải có một năng lực tưởng tượng rằng mình đang vác một người thân yêu cứu ra khỏi đám cháy mới có thể đủ tinh thần và sức lực hoàn thành bài tập này. Đến bài cuối cùng là ôm nhau trườn thấp thoát qua đám khói, khi hắn ôm mình trườn trên đất cứng dưới ánh nắng chói trang, mình nằm im trong lòng hắn như người bị nạn đang được cứu, tự dưng mình ứa nước mắt và cười. Mình thành công rồi. Hắn đang lấm lem đất cát, thở một cách khó nhọc, ôm cứng lấy mình, đạp chân dưới đất trườn từng cm một. Hắn đang nỗ lực bằng tất cả ý chí và sức lực để cứu mình ra khỏi đám cháy. Một thằng cha mình ghét nó đến thế mà giờ đây đã hoàn toàn khác. Không có điều gì hạnh phúc và sung sướng hơn khi ta hoà giải và yêu thương. Và câu hát trong Kinh Hoà Bình: “đem yêu thương vào nơi oán thù” cứ thế vang vọng trong đầu mình, để nhắc nhở mình một lẽ sống, rằng ai muốn sống hạnh phúc thì phải biết thứ tha.


Nguyễn Lân Thắng
Về đầu trang