Tháng Tư, những người dân Việt “có tuổi”, cả ngoài lẫn trong nước, cả gốc miền Nam lẫn miền Bắc, không khỏi những lúc bồi hồi nhớ lại những tháng ngày chung quanh “Tháng Tư Đen” cách đây 43 năm.
Vừa rồi tôi nghe vài người bạn nhắc lại kỷ niệm Kinh Tế Mới. Đó là kỷ niệm khốn đốn cho rất nhiều gia đình miền Nam.
Có lẽ muôn đời vẫn vậy, “Bên Thắng Cuộc” bao giờ cũng lo xa, muốn “bảo vệ thành quả cách mạng”, bèn tìm mọi cách tiệt trừ bằng hết mọi mầm hậu họa.
Lùa người dân miền Nam đi Kinh Tế Mới và thay vào đó là đưa các gia đình cán bộ miền Bắc vào chiếm giữ các thành thị, thực là nhất cử lưỡng tiện: vừa cướp được nhà, xem như chia chác chiến lợi phẩm cho “quân ta”; vừa phân tán và đày đọa con em “quân thù” đi các vùng xa xôi hẻo lánh.
Tôi nhớ lại những ngày tháng đó, mặc dù đói khổ vô vàn nhưng hóa ra là Việt Nam mình còn may. May là đã không xảy ra lần nữa một tội ác “nhổ cỏ tận gốc” kinh hoàng khi một chế độ/triều đại mới lên ngôi.
Nhìn sang Campuchia mà xem: hàng triệu người cũng bị lùa đi “kinh tế mới”, nhưng là đi luôn một lèo sang thế giới bên kia. Người dân Kam một sáng thức dậy, kinh hoàng thấy cứ 3 người thì 1 đã không còn. Hai triệu mạng bị giết, trong khi dân số Kam thời đó chỉ trên dưới sáu triệu!
Nhìn lùi lại lịch sử Đông Á, nhà Tần vốn gốc du mục Tây Bắc cũng đã làm thế sau khi đánh bại và thôn tính khắp một vùng đất đai lớn rộng trù phú của dòng dõi Bách Việt văn minh nông nghiệp phía Đông Nam. Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt hết sách vở cũ, truy giết các Nho sĩ, đem dân quân mình vào chiếm các thị tứ sầm uất và lùa các dân gốc ở đó đi tứ tán các vùng rừng thiêng nước độc, bắt họ khai hoang.
Nhưng, những số phận bi thảm bị giết chóc đọa đày ấy (một “lẽ đương nhiên” dành cho “bên thua cuộc”?), hình như rốt cuộc lại là một cái may cho lịch sử loài người.
Những gì là giá trị chân thực giúp loài người trở nên văn minh hơn, nhân bản hơn, bác ái hơn, “người” hơn, thì dường như luôn phải chịu số phận của những hạt giống chết vùi trong lòng đất. Hạt giống không chết đi thì không thể trổ sinh một mùa màng mới.
Sau những thanh trừng tróc nã dữ dội mà “bên thắng” dành cho bên thua, kỳ diệu thay, cái Đạo vẫn luôn sống sót! Đúng là nghịch lý, chính nhờ bị bách hại mà Đạo lại có cơ hội lan ra rộng hơn, sâu hơn giữa các tẩng lớp quần chúng bình dân chất phác đơn sơ.
Trong những thời mà cái Ác lên ngôi, thì Đạo lại thường ẩn mình giữa dân gian. Những con người chân chính của mọi thời đại, bằng phép màu nào đó, vẫn sống sót cho dù chỉ số ít. Họ đem Đạo theo trong những bước đường ly hương lưu lạc. Họ gìn giữ trong tâm họ, trong những trang sách giấu kín, trong những câu thơ bài hát rỉ tai nhau, và trong những lớp học nhỏ bé âm thầm. Họn trung thành giữ lấy Đạo và truyền lại Đạo ấy cho đàn em nhỏ.
Thời gian vẫn trôi đi. “Bên thắng cuộc”, vì thường là những kẻ đắc thắng, vì thường bận ngạo nghễ ham hố hưởng thụ những “thành quả”, mê đắm giữ khư khư những của cải vơ vét được (có khi “ba đời ăn chưa hết”)... nên, như một lẽ tự nhiên, ngày càng trở nên hủ bại, sa đọa và suy đồi.
Nhà Tần thống trị hai đời bằng bàn tay sắt cực kỳ ác độc tàn nhẫn, những tưởng đè bẹp cả ý chí lẫn tâm trí của đám dân đen. Ai ngờ khi Lưu Bang và Hạng Võ phất cờ khởi nghĩa thì nhân tài nghĩa dũng ở đâu trong dân bỗng xuất hiện nườm nượp, nhất tề hưởng ứng, đến nỗi đoàn hùng binh mãnh tướng ngày nào của Tần Thủy Hoàng bị đánh bại tan tác!
Sau khi nhà Tần sụp đổ, người ta tìm thấy những cuộn giấy chép tay kinh sách (nhất là của Nho giáo) được giấu kỹ trong những mái tranh vách đất nghèo nàn ở những vùng “kinh tế mới” hẻo lánh xa xôi. Ô thì ra, giữa những bách hại ghê gớm, Đạo vẫn sống sót!
Nhìn lại suốt dòng lịch sử loài người, lạ lùng thay, “Đạo” vẫn luôn luôn sống sót!
Tôi đã được cái may nếm mùi “Kinh tế mới”. Và sau đó tôi còn có nhiều dịp may đi qua những vùng kinh tế mới nghèo, những vùng thôn quê xơ xác sau 1975. Tôi từng cảm động khi nhìn những ngôi trường xập xệ mái tranh vách đất và những lớp học trống hoác dưới gió mưa. Tôi từng được cảm động ngắm những nhà nguyện hay mái chùa rất đơn sơ cùng những người tu sĩ sống lặng lẽ giữa dân nghèo.
Đâu đâu, giữa những gian truân khốn khó, tôi vẫn có thể gặp những con người chân chính. Họ cố gắng hàng ngày để âm thầm trung kiên nuôi dưỡng Đạo trong mình, và tím cách trao truyền Đạo ấy lại cho thế hệ sau!
Tôi không nói phóng đại đâu ạ. Thực sự là đã có những người thầm lặng giữ lửa sâu trong lòng như thế. Có lẽ, không có một vùng kinh tế mới nào mà lại không có những người tốt, rất tốt, tốt ngay giữa nghịch cảnh. Nhờ đó, trẻ em Việt Nam, dù phải sinh ra và lớn lên chốn nghèo nàn, vẫn có thể nếm biết được ánh sáng!
Và nhờ đó, vận mạng của Việt Nam, hay nếu không của riêng Việt Nam thì là vận mạng của loài người, vẫn âm ỉ cháy, không hề tắt, trong suốt dòng lịch sử.
Trái đất vẫn quay.
Cái Ác không bao giờ hủy diệt được Đạo.
Và Con Người - loài người chân chính - nhất định là bất tử!
Hồng Hà