Có ý kiến mong mỏi 30/4 “sẽ được kỷ niệm chỉ như một ngày tái lập hòa bình”
Vài hôm trước ngày 30/4, một số báo Việt Nam đồng loạt đăng “Bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân ngày 30/4.”
Trong bài này, Chủ tịch Quang đưa ra lời kêu gọi:
“Mỗi người Việt Nam chúng ta quyết đồng tâm nhất trí, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khát vọng hòa bình, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, ra sức thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu, giành được nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.”
Cũng nhân 30/4, chính quyền TP. Hồ Chí Minh loan báo tổ chức bắn pháo hoa tại nóc hầm vượt sông Sài Gòn và Công viên văn hóa Đầm Sen. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố tại các tuyến đường khu trung tâm.
✅ “Phản tác dụng”
Hôm 30/4, trả lời BBC từ Sài Gòn, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói:
“Tôi nghĩ thói quen rầm rộ của Nhà nước kỷ niệm chiến thắng 30/4 đang ngày càng bớt đi phần hào nhoáng. Cùng với tốc độ của việc phát triển thông tin tự do, những lời tuyên bố và niềm tự hào về cuộc chiến Nam-Bắc của nhà nước cũng trở nên kỳ quái hơn.”
“Nói một cách khác, sự tuyên truyền, ca ngợi như vào thập niên trước, nay đã phải rất thận trọng vì bất kỳ một sự quá lố hay nhắc lại những thành tích khống nào về bắn máy bay, diệt địch... gì đó sẽ nhanh chóng thành những đề tài cười đùa trên mạng xã hội, và mọi thứ nhanh chóng trở nên phản tác dụng.”
“Tôi nghĩ những nhà lãnh đạo hiện thời cũng biết và nhận ra điều bất cập này, nhưng về nguyên tắc của những người cộng sản, họ vẫn phải làm, thậm chí muối mặt mà làm trước khi tìm được chủ trương hay đường hướng mới.”
“Tôi tin là chắc không lâu nữa, 30/4 sẽ được kỷ niệm, chỉ như một ngày tái lập hòa bình và thống nhất trên đất nước này. Có nghĩa là hình ảnh chiếc xe tăng và khái niệm giải phóng sẽ lỗi thời, nhường chỗ cho một khát vọng thay đổi và lòng nhân ái.
Việc đổi chỗ cho súng đạn bằng chim câu và hoa không khó, chỉ khó trong giai đoạn con người không hội đủ giá trị văn minh để nhận ra, rằng việc thích súng đạn và chiến thắng, không bao giờ là tử tế.”
Bà Carina Hoàng, tác giả của tập sách ảnh Thuyền Nhân và là người tổ chức các chuyến đưa người tìm mộ thuyền nhân tại đảo Kuku của Indonesia, nơi từng có trại tỵ nạn vào thập niên 1980, nói với BBC:
“Bất cứ ai đã từng chứng kiến hoặc trải qua biến cố 1975 (ngoại trừ trẻ nhỏ) sẽ không bao giờ quên được trong quãng đời còn lại của mình.”
“Đối với rất nhiều người dân miền Nam Việt Nam thì biến cố 1975 là nguồn cơn của rất nhiều sự mất mát, đau thương cho cả người ở lại và kẻ ra đi...”
Cũng trong hôm 30/4, trả lời BBC, một cựu tổng biên tập ở Sài Gòn đề nghị ẩn danh, nói: “Thực ra tôi không thấy có gì khác lắm về cách kỷ niệm ngày 30/4 năm nay so với mọi năm.”
“Tôi thấy người ta cũng không nói thẳng vào ý nghĩa của ngày 30/4. Họ dùng thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng rồi tự tổ chức những cuộc đi thăm như chuyến thăm Cuba của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không thấy những hoạt động chính trị có người dân và có ý nghĩa đại chúng.”
“Họ dùng những lễ hội tưng bừng như Festival Huế, pháo hoa Đà Nẵng để thu hút đám đông và sự tưng bừng nhưng hình như người dân không thấy các sự kiện này có liên hệ gì với ngày 30/4.
Nếu truyền thông về ngày 30/4 là “ngày thống nhất” thì lẽ ra bây giờ phải nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng có vẻ họ cũng né tránh?”
Cùng thời điểm, giáo sư Phạm Hồng Tung, chủ biên chương trình môn Lịch sử mới, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội được báo Zing dẫn lời:
“Nhân ngày 30/4, chúng ta phải giáo dục cho thế hệ trẻ tự hào về tầm vóc chiến thắng, và cần hơn cả là những kinh nghiệm lịch sử được rút ra. Chúng ta phải tôn vinh những người dân bình thường khi đã hiến cả ngôi nhà của mình để lót đường cho xe chạy, để có được đất nước thái bình thịnh trị ngày hôm nay.
Để từ đó những cán bộ tham nhũng, hại nước hại dân phải biết xấu hổ, còn nhân dân thì ủng hộ Đảng, nâng cao tinh thần chống tham nhũng, chống “nội xâm.”
BBC