Phải làm chi với tệ xâm hại tình dục? Và khi bị xâm hại?

Hình: Trường Tiểu học An Thượng A, nơi có giáo viên nghi đã lạm dụng hàng loạt học sinh nữ lớp 3, do chính ông này làm chủ nhiệm.

Trên mạng tuần qua rầm rộ thông tin chia sẻ vụ nghi vấn nữ cộng tác viên (CTV) ở một ban chuyên môn của tờ báo lớn nhất nước bị Trưởng ban xâm hại tình dục đến độ phải tự tử hai lần. Trước đó ít ngày, dư luận cũng bàng hoàng với “quả bom” nữa trong ngành Giáo dục là vụ giáo viên một trường tiểu học thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội) dâm ô với hàng loạt học sinh nữ của lớp 3 do chính ông thầy này làm chủ nhiệm.

Nhiều bạn hoang mang hỏi nhau trên mạng: Sao xã hội bây giờ loạn thế? Sao hết trẻ em đến người lớn bị xâm hại ngày càng nhiều thế?...

Đừng nghĩ rằng chỉ trong xã hội của chúng ta mới có tình trạng này! Ở mọi nơi trên trái đất, phụ nữ và trẻ em vẫn luôn là đối tượng dễ bị xâm hại nhất. Và không bao giờ có thể hy vọng tiêu diệt hết những con yêu râu xanh, dù quốc gia nào cũng có khung hình phạt dành cho chúng trong Luật Hình sự. Đã có không ít câu chuyện về tệ nạn xâm hại tình dục nữ tại văn phòng, trường học, bệnh viện, thậm chí ở cả những chốn tôn nghiêm... từng được kể lại qua sách, báo, phim ảnh khắp từ Đông sang Tây...

Nên đâu phải chỉ trong làng báo mới có những nạn nhân như cô gái CTV nọ! Tôi từng biết có những nữ bác sĩ, nữ giáo viên, nữ nhân viên... cũng thường xuyên bị quấy rối hoặc bị biến thành nô lệ tình dục ngay tại nơi làm việc. Nhiều bạn trong số đó đã có chồng hoặc người yêu. Thế nhưng, tất cả họ cuối cùng cũng chỉ chọn cách im lặng để tự giải quyết vấn đề của mình. Dù có người nín nhịn chịu đựng đến độ bị trầm cảm, dù có người phải phẫn uất bỏ việc ra đi... Cô gái trẻ kia cũng đã âm thầm chịu đựng thảm trạng suốt hai năm. Chỉ đến khi cô phải tìm đến cái chết thì bạn trai cô mới biết và mọi chuyện mới bị phơi bày...

Hồi còn làm báo cách đây 23 năm, người viết bài này tuy may mắn không gặp vấn đề gì với các đồng nghiệp nam trong giới truyền thông, nhưng lại từng bị quấy rối ngay tại phòng làm việc của phó giám đốc chi nhánh một trong những ngân hàng lớn nhất nước tại TP.HCM. Ông này sau đó bị bắt trong một vụ án kinh tế lớn thời những năm 90 rồi bị kết án chung thân và nghe đâu sau đó chết trong tù. Lúc đó, tôi mới có con đầu lòng và vừa đi làm việc trở lại sau thời kỳ nghỉ thai sản. Vẫn biết tiếng ông phó giám đốc này nổi tiếng chơi bời, gái gú, nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng ông ta lại dám tính chuyện giở trò đồi bại với cả nữ phóng viên. Hôm ấy, sau khi phỏng vấn xong, thấy ông ta bắt đầu giở giọng bờm xơm tán tỉnh, tôi vội chào ra về. Ngay khi đang xếp đồ làm việc vào túi, đột nhiên ông ta nhào đến định ôm. Theo phản xạ tự nhiên, lúc đầu tôi chỉ biết lùi và chạy vòng quanh phòng để tránh. Sau đó, khi trấn tĩnh lại thì vừa vớ đại một chiếc ghế giơ lên phòng thủ, vừa lùi dần ra phía cửa để mở khóa tháo chạy ra ngoài (may mắn cửa phòng là dạng khóa bấm bên trong nên chỉ xoay tay nắm là mở được). Sự việc xảy ra trong có vài phút, thế nhưng đủ làm cho tôi sợ hãi và thất thần đến độ phải kiếm một cái quán cà phê gần đó ngồi uống nước cho tỉnh hồn rồi mới dám chạy xe về nhà. Ấy vậy mà sau đó cũng tự nhiên không dám nói cho ai biết về chuyện đã xảy ra với mình, ngay cả những người thân nhất! Mãi nhiều năm sau, khi nghe tin kẻ tồi bại đó bị bắt vào tù, tôi mới kể lại câu chuyện cũ cho chồng nghe...

Một lý do chung thường khiến hầu hết những nạn nhân của các con quỷ dâm dục không muốn lên tiếng tố cáo thủ phạm là bởi ai cũng cảm thấy việc xảy ra với mình là một điều nhơ bẩn, nhục nhã. Ngay cả khi ở mức độ bị quấy rối chưa nghiêm trọng thì đa phần chị em cũng nghĩ chẳng có gì hay ho khi kể ra chuyện đó với mọi người. Cơ bản mình không hề hấn gì là được! Mặt khác, vì những vụ như thế luôn xảy ra trong tình huống không có người thứ ba chứng kiến, nên chị em thường nghĩ rằng thật khó để chứng minh cho mọi người tin mình (mặc nhiên, nếu chuyện đó xảy ra, những ông sếp/hoặc các đồng nghiệp nam đạo mạo, lịch lãm bao giờ cũng vẫn có lợi thế thuyết phục mọi người tin vào sự đàng hoàng của họ hơn là vào lời kể của những nữ nạn nhân).

Để ý sẽ thấy thêm là thường ít ai, ngay cả những người thuộc giới nữ, cảm thấy bất công khi đàn ông thường được quyền bình phẩm, đánh giá thân thể phụ nữ một cách thoải mái. Người ta cũng hay mang tâm lý xem chẳng có gì là nghiêm trọng khi nghe chuyện một phụ nữ đã có gia đình hay đã hứa hôn mà lại bị những gã đàn ông khác buông lời cợt nhả hoặc cố ý tìm cách xâm phạm thân thể họ. Và nếu xảy ra những trường hợp bị gạ tình như cô nữ CTV của tờ báo nọ thì dư luận vẫn có xu hướng chê trách nạn nhân đã chấp nhận đổi chác, trong khi đó những ý kiến bênh vực nghi phạm lại luôn bám vào điều khó nhất là phải có “bằng chứng” cho các trường hợp này.

Cách đây 3 năm, vào tháng 3/2015, tôi có dịp được tham dự Hội nghị thường niên dành cho lãnh đạo các trường IB khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Tú tài quốc tế (IBO) tại Macau (Trung Quốc). Trong phần các tham luận chính (keynote), cựu Thủ tướng Úc Julia Gillard đã có một bài nói chuyện rất hay về sứ mệnh của giáo dục và tầm quan trọng của giáo dục bình đẳng giới. Những chia sẻ đến từ sự hiểu biết và trải nghiệm thực tế của một cựu nữ nguyên thủ quốc gia về tình trạng bất bình đẳng giới trên toàn cầu thật đáng kinh ngạc! Hóa ra ở đâu cũng có sự phân biệt nam - nữ. Hóa ra tại không ít quốc gia, ngay từ nhỏ các bé gái cũng đã tự nhiên hình thành ý thức rằng mình luôn thua kém các bạn trai. Hóa ra trong bất cứ trường học nào cũng có tình trạng xem việc nam sinh học giỏi hơn nữ sinh là chuyện đương nhiên. Ở nhiều nơi, nhiều nghiên cứu còn cho thấy các sinh viên cũng tin tưởng vào giáo viên nam hơn giáo viên nữ một cách vô thức. Và nếu có một người phụ nữ nào thành công thì xã hội cũng luôn nghi ngờ rằng đó không phải là thành quả từ nỗ lực tự thân của họ. Ngay cả khi bị quấy rối hay bị đe dọa xúc phạm nhân phẩm, phụ nữ (đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển và kém phát triển) cũng thường bị xem là thủ phạm chứ không phải là nạn nhân cần được bảo vệ. Tình trạng bất bình đẳng giới ở nhiều quốc gia, nhiều dân tộc - theo bà Julia - vẫn là một thứ khuôn mẫu văn hoá có ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến mọi tầng lớp của xã hội ngay trong Thế kỷ XXI. Những ghi chú về bất bình đẳng giới đôi khi đã được bà cựu Thủ tướng đề cập đến từ chính kinh nghiệm của mình tại một số hội nghị kinh tế thế giới - mà ở những nơi đó chỉ có bà là người phụ nữ duy nhất tham dự!

Có phải do thứ “khuôn mẫu văn hóa” đó mà giới nữ chúng ta - từ các bé gái ngây thơ, các thiếu nữ đã trưởng thành cho đến những phụ nữ có tri thức - vẫn luôn cảm thấy xấu hổ và có lỗi ngay cả khi mình là nạn nhân của các vụ tấn công hoặc quấy rối tình dục? Hãy xem rất nhiều trường hợp các bé gái bị xâm hại, dù đau đớn tột cùng nhưng nỗi sợ hãi về cảm giác mình đang phạm phải một điều xấu xa còn lớn hơn nỗi đau của các em. Chính vì thế mà ngay cả với mẹ đẻ của mình, các em cũng không dám thổ lộ. Và với các bé gái mới 8 tuổi đã bị ông thầy đốn mạt ở huyện Hoài Đức giở trò đồi bại kia, điều nguy hiểm nhất là ngay từ bây giờ các con chỉ biết cảm thấy xấu hổ khi bị bạn bè trêu chọc, thậm chí bị gọi là “đồ bị hiếp dâm”. Không ai dạy cho các con biết về quyền được bảo vệ thân thể và thế nào là tôn trọng nhân phẩm. Không ai nói thẳng hay thường xuyên nhắc nhở các con rằng bất kỳ người khác giới nào, kể cả thầy giáo hay ông, cha, anh trai... mà có các hành vi đụng chạm khác lạ vào cơ thể mình thì phải báo ngay cho cô giáo/mẹ/bà hoặc những người khác biết chứ không được giấu diếm, bởi đó là điều nguy hiểm chứ không phải là điều đáng xấu hổ...

Chẳng rõ vì đâu, nhưng ngay từ khi còn là những cô bé con, dù vô tình hay cố ý, gián tiếp hay trực tiếp, ở một mức độ nhất định nào đó chúng ta cũng luôn được tiêm nhiễm vào đầu óc thứ định kiến xuẩn ngốc rằng đàn bà là nguyên nhân làm đàn ông hư hỏng. Rằng việc gợi dục chỉ có ở phụ nữ. Rằng mọi tà tâm của đàn ông là do phụ nữ gây ra.. Những con quỷ râu xanh sở dĩ dám trâng tráo và lộng hành chính là bởi chúng biết rõ nỗi sợ hãi của những người đàn bà. Đó là nỗi sợ hãi bản năng với những mặc cảm về sự xấu xa và tội lỗi do mình gây ra mà tôi xin tạm gọi là “mặc cảm Eva”, xuất phát từ sự tích Eva nhẹ dạ nghe lời con rắn xúi Adam ăn trái cấm khiến Chúa Trời nổi giận đuổi cả hai khỏi vườn địa đàng. Thật khó tin rằng thứ mặc cảm kiểu đó vẫn đang đè nặng lên phụ nữ chúng ta trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, bất kể tuổi tác, trình độ văn hoá, nghề nghiệp hay vị trí xã hội.

Vậy thì, trong khi chờ nền giáo dục và cả xã hội thực hiện được sứ mệnh xoá bỏ tình trạng bất bình đẳng giới, bản thân những người mẹ, người chị, người bà phải vượt qua được nỗi “mặc cảm Eva” mới mong có đủ sức mạnh để giúp bảo vệ con, em, cháu gái mình! Hãy dũng cảm kể lại câu chuyện của mỗi người, nếu có, và dạy cho các cô gái bé nhỏ của chúng ta NGAY TỪ KHI BIẾT NÓI hiểu về quyền “bất khả xâm phạm” đối với thân thể cũng như quyền được tôn trọng và bình đẳng về phẩm giá không thua kém bất cứ phần trăm nào so với những người thuộc nửa kia của thế giới!

Đừng quên rằng những bé gái bị xâm hại câm nín ngày hôm nay sẽ có thể tiếp tục trở thành những cô gái và những thiếu phụ - các nạn nhân thầm lặng của tệ trạng quấy nhiễu hoặc nô lệ tình dục ngày mai...
Hình: Ảnh tác giả chụp cùng Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo CISS và cựu TT Úc.

Nguyễn Thị Oanh
Về đầu trang