Tin liên quan:
✔️ Làm gì khi con ăn vạ?
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Tình yêu vô điều kiện, hay tình yêu tự bên trong
✔️ Hãy để con "thong thả", hãy hành xử thuận tự nhiên...
Hình: François Chollet.
Hôm nay mình có cơ hội gặp một người mà mình quan tâm đã lâu. François Chollet là tác giả của Keras, một thư viện mã nguồn mở cho machine learning phổ biến thứ hai hiện tại – chỉ sau TensorFlow của Google – được sử dụng bởi hơn 250,000 developers cũng như nhiều công ty lớn như Google, Microsoft, Amazon, NVIDIA, Netflix. Anh là tác giả của cuốn sách hướng dẫn thực hành trí tuệ nhân tạo bán khá chạy: “Deep Learning with Python”. Khi gửi email mời anh đến nói chuyện với lớp học mình dạy, mình bất ngờ khi anh nhận lời. Mình càng bất ngờ hơn khi sau buổi nói chuyện, anh đồng ý đi cafe với mình.
Trong cộng đồng những người làm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, François Chollet có tiếng là dị. Nhiều người không ưa anh vì anh có những ý kiến trái chiều như “sinh viên đại học đang huỷ hoại thế giới", “Facebook là một công ty độc ác", “cryptocurrency là lừa đảo". Anh tuyên truyền cho đạo đức trong ngành công nghệ và các kỹ sư phải có trách nhiệm với sản phẩm mình tạo ra.
Ấn tượng mình về François là anh rất điềm đạm với phong cách cổ điển đậm chất Pháp. Trong gần hai tiếng đồng hồ nói chuyện, anh chia sẻ với mình thông tin, cách nhìn nhận rất thú vị và mình nghĩ là có ích với các bạn trẻ Việt Nam nữa. Mình xin chia sẻ tóm tắt buổi nói chuyện ở đây.
François: Rào cản lớn nhất của việc học hiện nay không phải là không có giáo viên tốt hay không có giáo trình tốt, mà là người học có muốn học hay không. Kiến thức đầy rẫy trên mạng. Chúng ta không để dồn kiến thức vào đầu người không muốn học. Người muốn học sẽ tìm ra cách để học.
✒️Chip: Làm sao để khuyến khích con người để họ muốn học?
⚡François: Đó là một bài toán khó. Nhưng anh biết là người có mục tiêu dài hạn, biết việc học sẽ giúp cho mục tiêu dài hạn của mình như thế nào thì sẽ có động lực học hơn. Đáng tiếc là càng dành nhiều thời gian cho trường lớp, chúng ta càng dễ bị sa vào những mục tiêu ngắn hạn như hạn nộp bài, thi cử mà quên đi mục tiêu lâu dài về con người mà chúng ta muốn trở thành.
✒️Chip: Thật khó để hy vọng các bạn 18, 20 biết họ muốn trở thành con người như thế nào!
⚡François: Đó là bởi vì trường học quá bao bọc họ khiến họ không trưởng thành được. Nếu từ 6 tuổi đến 18 tuổi suốt ngày em cắm đầu vào làm bài tập thì làm sao mà em biết được mình muốn trở thành con người như thế nào? Em phải va chạm với cuộc sống, gặp gỡ nhiều người, làm thử nhiều điều, được truyền cảm hứng từ những người đi trước, nhận ra vô vàn những khả năng họ có thể trở thành.
✒️Chip: Em vừa muốn làm nghiên cứu và vừa muốn viết, nhưng sợ rằng làm cả hai sẽ khiến mình chẳng giỏi cái nào. Chẳng phải chúng ta vẫn được dạy là phải tập trung vào một cái mới giỏi hay sao?
⚡François: Anh nghĩ là phải làm nhiều cái một lúc thì mình mới giỏi được. Nếu em chỉ làm một cái, em sẽ chỉ biết về những kỹ năng, kiến thức trong ngành đó. Khi em theo đuổi nhiều cái cùng một lúc, em có thể ứng dụng kỹ năng, kiến từ ngành này sang ngành kia.
✒️Chip: Anh có nghĩ rằng trong tương lai, không ai sẽ cần làm việc nữa nhờ vào sự tự động hoá bởi trí tuệ nhân tạo?
⚡François: Nếu em nhìn vào lịch sử, mỗi khi một công nghệ nào được giới thiệu, mọi người đều lo sợ rằng nó sẽ khiến cho nhiều công việc biến mất. Nhưng sự thật là mặc dù những công nghệ đó làm tăng năng suất rất nhiều, thời gian làm việc không giảm đi là mấy cả. Nền kinh tế sẽ tạo ra những công việc mới, kể cả khi những công việc mới này chẳng giải quyết được vấn đề gì. Hai công ty Cocacola và Pepsi là vì dụ điển hình. Cả hai đều là công ty marketing bán nước pha đường, mục tiêu duy nhất của công ty này là làm sao để marketing của công ty kia không hiệu quả. Cuối cùng, công ty nào thắng công ty nào chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta cả, nhưng nó vẫn tạo ra công việc cho cả ngàn người đấy thôi.
✒️Chip: Anh có lời khuyên gì cho những người muốn trở thành một kỹ sư phần mềm tốt?
⚡François: Lập trình cũng giống như học một ngôn ngữ vậy, em phải thực hành thật nhiều. Khi mới ra trường, anh nghĩ em nên tham gia vào một công ty lớn nơi mà tiêu chuẩn code của họ rất cao. Ở đó, em sẽ được người khác review code của mình để biết những thói quen lập trình tốt nhất hiện tại. Em sẽ rất khó có được điều này ở các công ty khởi nghiệp. Trong thời gian rảnh rỗi, em có thể tham gia các dự án mã nguồn mở chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp chứ không phải amateur nhé! Em có thể tạo pull request để người ta review code của em. Em cũng có thể review code của người khác.
Huyền Trip
Tin liên quan:
✔️ Làm gì khi con ăn vạ?
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Tình yêu vô điều kiện, hay tình yêu tự bên trong
✔️ Hãy để con "thong thả", hãy hành xử thuận tự nhiên...