Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Quới, Saigon.
Dạo ấy, có người con gái đêm đêm thổn thức với từng lời ca, tiếng đàn tại một phòng trà ở Sài Gòn, có một chàng nhạc sĩ vô danh lặng thầm nghe cô hát. Tiếng hát liêu trai đong đầy nỗi buồn, hoen nhòa trên mi của cô ấy, cứ từ từ “dan díu” vào tâm hồn anh. Và từ đó nhạc phẩm “Ướt Mi” được phôi thai từ trái tim anh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như những giọt sầu, thương người em gái mưa ngâu.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại : “… Và tôi đã nhớ một lần nào đó, trong phòng trà, năm 1958, tôi thấy Thanh Thúy hát “Giọt mưa thu” và khóc. Bà mẹ Thanh Thúy dạo ấy lao phổi hằng đêm nằm hát “Giọt mưa thu” chờ Thúy về. Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng mảnh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ…”. Và như thế, nỗi buồn Thanh Thúy, giai điệu sầu thương Giọt Mưa Thu, sự giao cảm của chàng nhạc sĩ trẻ đã làm nên một thân phận, Ướt Mi.
Năm 1959, ca khúc “Ướt Mi” mà Trịnh Công Sơn dành tặng cho ca sỹ Thanh Thúy, người con gái có giọng hát trầm sầu, mộng mị, đã được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn. Đây được coi là sáng tác đầu tiên của nhạc sỹ trình làng trước công chúng và mở đầu cho một “hiện tượng Trịnh Công Sơn” sau này. Những năm 59-60, trong thành phố, nhiều người đã thích và hát bản nhạc này. Và hình như người Nhật cũng rất thích Ướt Mi vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã diễn tấu và thu âm nó.
Điệu thức của ca khúc được tác giả trao gửi cho màu la thứ. Cách tiến hành câu nhạc ít luyến láy mà nương theo những hợp âm rải (arpège), chậm rãi theo nhịp valse. Liệu có chủ ý hay không nhưng thật tài khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã miêu tả cơn mưa dầm, lê thê bằng một điệu valse buồn cứ quay, cứ quẩn quanh, biết đến bao giờ mới dứt.
Ca khúc có hai phần, được phân biệt bởi độ dài của câu. Đoạn đầu với những câu ngắn, đều đặn. Tuy nhiên, ca sĩ Thanh Thúy đã không hát đúng nhịp ngay từ đầu, mà cô chọn lối thể hiện bằng cách nhả từng câu nhạc theo nhịp tự do, như những giọt mưa đầu tiên chầm chậm thấm tháp vào lòng người.
Đoạn thứ hai, câu hát dài hơi và dàn trải hơn với tiết tấu gần như đồng nhất. Cơn mưa bây giờ đã nặng hạt, những tâm sự trong lòng không thể dồn nén thêm được nữa, mà vỡ òa tuôn theo dòng nước trong “đêm khuya lạnh ướt mi”.
Sau này, ca sĩ Khánh Ly có thu âm ca khúc Ướt Mi trong album Sơn Ca 7 của mình. Cũng là chất giọng trầm hơi khàn, nhưng với cách xử lý khác, Khánh Ly đã dẫn lối người nghe vào tận sâu cơn mưa đêm, chạm vào từng tiếng thở than để mà vỗ về, an ủi. Cô hát theo nhịp valse đều đặn từ đầu đến cuối, như tiếng ru mang mác về một dĩ vãng xa xôi.
Ướt Mi không những nổi tiếng bởi hình ảnh nỗi buồn của ca sĩ Thanh Thúy mà còn được nhắc đến như một đặc sản mưa Huế. Trịnh Công Sơn đã từng nói : “Có thể là đúng ở chỗ địa lý theo tôi rất quan trọng. Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo. Ấy nên có những giọng nói khác nhau ở mỗi vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy”. Huế chính là vùng đất nuôi dưỡng tâm hồn anh. Những cơn mưa kéo dài lê thê, những đêm mưa não nề quạnh vắng bên sông Hương. Tất cả đã theo chân anh. Tất cả đã phả vào Ướt Mi khung cảnh cố đô u tịch và lặng lẽ.
Có thể Trịnh Công Sơn là một kẻ hoài cổ nặng nghiệp, vậy nên lúc còn sống, anh hay bị ám ảnh bởi những câu hỏi về sự khởi đầu, về những năm tháng xa xôi và về sáng tác đầu tiên của mình. Mặc dù trước khi gặp Thanh Thúy, Trịnh Công Sơn cũng đã viết một số bài như : Sương Đêm, Chơi Vơi…“Nhưng riêng bài Ướt Mi thì tồn tại như một số phận” của nó và của anh, do đó có thể coi Ướt Mi là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn chính thức được công bố.
Thế nhưng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lại không muốn nhắc đến điểm kết thúc và sáng tác cuối cùng. Anh không muốn ngủ yên trong cái lề thói hữu hạn của đời mà muốn trầm mình trong “cái lẽ vô thủy vô chung”. Vì vậy, trong lời tâm sự đăng vào mùa xuân năm 1991 ở báo Lao Động, Trịnh Công Sơn đã viết :
“Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi vì tôi nghĩ rằng thời điểm cuối cùng là điều mà mình không thể nào bắt gặp được (…) Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.
Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy nó làm điều.
Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng?”
Hoài Dịu (RFI)