“Vì sao gái miền Tây hay làm nghề nhạy cảm?”*


“Dù người miền Tây không thích, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận: con gái miền Tây đi làm những nghề nhạy cảm như massage, tiếp viên… nhiều hơn những con gái miền khác. Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên.” – Đây là cái câu đập vào mặt tôi đầu tiên khi tôi đọc bài viết “Vì sao gái miền Tây hay làm nghề nhạy cảm?”.

Vào năm thứ 3 đại học, tôi được một nhiếp ảnh gia Hàn Quốc tên là Oh Soon Hwa thuê làm phiên dịch cho chuyến chụp ảnh của cô ở miền Tây. Cô nói rằng cô muốn tìm đến nơi nào có nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, để phỏng vấn và chụp ảnh. Cuối cùng chúng tôi đến cù lao Tân Lộc (được gọi là “Đảo Đài Loan”) – là nơi có rất nhiều cô gái đã đi lấy chồng Đài Loan (ban đầu) và Hàn Quốc (vào thời điểm chúng tôi đi chụp).

Trong suốt 2 năm sau đó, cứ mỗi 6 tháng một lần, Soon Hwa lại quay lại Tân Lộc (hoặc một khu vực lân cận có nhiều cô gái đi lấy chồng nước ngoài). Tôi đã xin một gia đình bác lớn tuổi có nhà vừa xây, rất to (nhờ con gái đi lấy chồng Hàn) cho chúng tôi ở lại. Đó là các khoảng thời gian, 2 ngày, 7 ngày, 10 ngày, 15 ngày nằm trên những chiếc võng sát bờ sông, nghe tiếng đờn ca tài tử vọng ra từ một nhà có đám nào đó, nghe thầm thì cả những câu chuyện kể của người già, của các cô gái, cả những người anh trai về niềm băn khoăn và cả hi vọng của họ khi nghĩ đến chuyện lập gia đình ở Hàn Quốc/Đài Loan.


Soon Hwa đã chụp hơn 10 giờ mỗi ngày, nói chuyện , nghe chuyện, ghi chép… về hoàn cảnh, tên tuổi, câu chuyện của họ. Đó là những khung hình lạ lùng mà tôi ít gặp. Soon Hwa muốn chụp các cô thật xinh đẹp mặc áo cô dâu trong ngôi nhà lá, mặc áo cô dâu trên bờ kênh gần nhà, nằm nghiêng sau những tấm rèm cửa bằng vải thun mỏng rẻ tiền.

Đâu đó giữa những khung hình, Soon Hwa thốt lên: “Cô ấy thật đẹp, thấy không?” – đó là khi chúng tôi nhìn vào gương mặt xinh đẹp đến nao lòng của một cô bé 16 tuổi, cũng từng có ý nghĩ khi lớn lên sẽ đi lấy chồng nước ngoài để có tiền nuôi mẹ mình.

Soon Hwa kể rằng: “Phát hiện quan trọng nhất của tôi trong dự án này là những cô gái trẻ sắp thành cô dâu đều biết rõ về những nguy hiểm họ phải đối mặt khi rời xa quê nhà. Mặc dù sẽ có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi lấy chồng nước ngoài, họ sẽ ở một vị trí rất dễ bị tổn thương về ngôn ngữ, văn hóa, sự hỗ trợ cộng đồng… nhưng các cô gái đều sẵn sàng chấp nhận với hi vọng có một cuộc hôn nhân tốt đẹp và có thể quay về giúp đỡ gia đình mình ở quê hương.

Dựa vào hoàn cảnh gia đình họ, tôi hoàn toàn hiểu, sự gắn bó gia đình và “hội chứng con gái ngoan” (tức là con gái trong nhà phải làm việc để giúp chi trả cho gia đình) rất phổ biến ở nhiều nước châu Á, kể cả ở Hàn Quốc quê hương của tôi. Và đây chính là yếu tố quan trọng khiến các cô gái muốn lấy chồng nước ngoài.”

Trong suốt những ngày tháng đó, hình ảnh in đậm vào tôi là những buổi chiều ngồi ở quán cafe trên cù lao, nhìn những cậu trai mới lớn chơi bài. Có vài cuộc đánh nhau xảy ra sau khi lời qua tiếng lại. Có một người đàn ông hay ngồi nói chuyện với chúng tôi và thường nói: “Tui phải wánh cho nó một trận cho chừa!” – đó là cách anh ta nói về vợ mình, với biết bao sự không hài lòng hiện ra trên gương mặt.


Con đường trên cù lao Tân Lộc được người ta nói là đã thay da đổi thịt không ngờ. Những mái nhà rơm lá được thay bằng những ngôi nhà lát đá xanh rực rỡ, nhiều nhà xây rất rộng và to đến 2-3 tầng. Đó là câu chuyện thành công của các cô gái lấy được chồng, đã có con, đã đi bán hàng ở chợ Việt bên Hàn, cuộc sống ổn định, khá giả, và cả hai vợ chồng cứ 2 năm lại về thăm cha mẹ một lần.

Cả trong nhà của bác lớn tuổi tôi ở, con gái bác 2 ngày gọi điện về một lần. Cuối năm bác điện thoại khoe tôi năm ấy con gái mang cả cháu ngoại và con rể về. Những người già khốn khổ một đời mưa nắng trong những mái nhà dột nát đã được con gái họ báo hiếu bằng cả một ngôi nhà khang trang.

Vào thời gian đó, trong hàng trăm (có thể là cả nghìn) cô gái từ Tân Lộc đi lấy chồng Đài, chồng Hàn, mới có 2-3 trường hợp bị bạo hành, bị giết, bị đau khổ. Khi nhìn anh chồng đánh vợ và những cậu trai chơi bài trong quán cafe kia, tôi trộm nghĩ rằng, nếu họ có “khôn ngoan” mà lấy chồng Việt thì cái nguy cơ ăn đòn và bị giết kia cũng là như nhau mà thôi.


Cuối cùng Soon Hwa đã có một triển lãm ảnh đẹp và dịu dàng về những cô gái ở đồng bằng sông Cửu Long. Cô viết rằng: “Tôi đã chọn thể hiện về vẻ đẹp cảnh quan và con người để cho khán giả thấy những cô gáy trẻ ấy đã hi sinh nhiều đến thế nào khi rời xa quê nhà để đến sống ở một nơi xa lạ. Nơi họ đến là chốn chưa hề được biết đến, vài người có được cuộc sống tốt như một “câu chuyện thành công”, trong khi nhiều cô gái phải đối mặt với sốc văn hóa, phải mang nặng nỗi nhớ người thân và quê hương mà họ đã lớn lên ở đó.”

Và điều tôi muốn gửi đến cô Quỳnh Như đã viết cái bài “vì sao gái miền Tây hay làm nghề nhạy cảm” khi tôi thực hiện phỏng vấn ấy là cô ấy im đi nếu còn là phụ nữ. Ở cái xứ sở này, phụ nữ đã phải đi khắp nơi, bán thân họ, bán tuổi trẻ của họ, bỏ quên cuộc đời của họ để những thứ phụ nữ như cô có học và thành người mà ở đó xỉ vả và chửi bới họ. Mỗi một số phận phải có những lựa chọn riêng mà họ không có cách gì thay đổi được. Đừng biến mình thành cái thứ đàn bà dơ bẩn bởi ngôn từ mà cứ tưởng mình là phụ nữ cao quý.

Khải Đơn (8saigon.net)

(*) Tựa bài copy lại từ tác giả bài viết “Vì sao gái miền Tây hay làm nghề nhạy cảm?”
Về đầu trang