Tin liên quan:
✔️ Sự ấm ức của những người không thể lên tiếng
✔️ MV lạ "Trả ngay đi" - lấy cảm hứng từ nhiều vụ án mất tiền tại ngân hàng trong khoảng thời gian gần đây
✔️ Những người làm chứng gian
✔️ Thất lạc lương tâm hay sự lộng quyền thách thức luật pháp?
✔️ Nơi sự thật bị đánh tráo
Tháng 8/2015, 4,2 tỷ đồng tiền gửi của bà Trần Thị Thanh Phúc bị rút mất tại ngân hàng SCB Nguyễn Khuyến, Hà Nội.
Tháng 4/2017, hơn 50 tỷ đồng tiền gửi của 6 khách hàng bị mất tại Eximbank Đô Lương, Nghệ An.
Tháng 9/2017, 400 tỷ đồng của khách hàng gửi tại Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng cũng ‘không cánh mà bay’.
Và một vụ án nổi tiếng khác đã qua xét xử hôm tháng 2/2018, khi bà Huỳnh Thị Huyền Như bị kết án chung thân.
Những nạn nhân như Công ty Hưng Yên mất 200 tỉ đồng, Công ty An Lộc bị dính 170 tỉ đồng , 380 tỉ đồng của Công ty Phương Đông, 124 tỉ đồng của Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu, 209,9 tỉ đồng của Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya.
Ngân hàng Viettinbank, nơi đã được những khách hàng lớn tin cậy được xử vô can tại tòa. Đáng chú ý, nạn nhân khi chuyển tiền gửi, đều chuyển vào tài khoản Viettinbank chi nhánh TP.HCM chứ không chuyển cho cá nhân bà Huỳnh Thị Huyền Như.
Sau hàng loạt các vụ “bốc hơi” mất tiền và không ai chịu trách nhiệm, tôi đọc thấy nhiều tranh luận nổ ra trên mạng xã hội và báo chí. Phía ngân hàng thường thoái thác trách nhiệm, đổ mọi tội lỗi cho cá nhân cán bộ, nhân viên của mình, hoặc đổ lỗi do phần mềm.
Trong đó, rất nhiều “bí kíp” được giới thiệu để giúp khách hàng không bị mất tiền như:
👉 Khách hàng VIP (như bà Bình và vụ Eximbank) không nên chấp nhận nhân viên ngân hàng tới tận nhà làm thủ tục theo tiêu chuẩn khách VIP mà nên tự đi làm thủ tục trực tiếp tại ngân hàng, tự nộp tiền tại quầy.
👉 Không ký sẵn chứng từ: vì lo ngại các giám đốc chi nhánh, nhân viên tại ngân hàng sẽ tận dụng các chứng từ ký sẵn này để rút tiền.
👉 Khách hàng phải chú ý khả năng bị hacker đánh cắp mật khẩu, tránh truy cập các trang web dễ thao túng tài khoản ngân hàng trực tuyến.
👉 Kiểm tra số tiền trên các hợp đồng tiền gửi: vì sợ nhân viên ngân hàng nhập nhầm số hoặc… cố ý nhập nhầm để chiếm đoạt tiền sau đó.
👉 Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước còn đề nghị, khách hàng phải thường xuyên kiểm tra tài khoản.
Tuy nhiên, dù có là bí kíp gì, thì dường như các chỉ dẫn từ luật sư, chuyên gia đều đang đè gánh nặng lên vai khách hàng đi gửi tiền. Nếu như giám đốc chi nhánh, nhân viên ngân hàng cố ý tạo ra cạm bẫy để chiếm đoạt tiền thuộc về trách nhiệm của ngân hàng, thì pháp nhân đang đại diện để cung cấp dịch vụ gửi tiền cho những vị khách “nạn nhân” đó, phải là người chịu trách nhiệm về những nhân viên “siêu lừa” của mình, chứ không phải để khách mòn mỏi đi kiện nhiều năm.
Rõ ràng trong vụ Viettinbank, nạn nhân đã gửi tiền vào tài khoản của Vietinbank chi nhánh TP.HCM chứ không chuyển vào tài khoản cho Huyền Như.
Một nạn nhân của vụ đại án này, bà tổng giám đốc của Saigonbank Berjaya từng nói nhiều lần trên báo: “Tài khoản của tôi mở tại ngân hàng – đó là tài khoản thực. Tiền tôi gửi vào tài khoản của ngân hàng, đó là giao dịch thực. Tôi gửi tiền vào ngân hàng, nay tiền mất thì ngân hàng phải có trách nhiệm đền lại cho tôi. Còn Huyền Như giả chữ ký rút ra thì đó là việc nội bộ của ngân hàng, sao lại có thể bắt Huyền Như đền tiền cho tôi được mà ngân hàng lại phủi tay. Cho đến khi nào tôi còn sức, tôi còn đi được thì tôi vẫn sẽ đấu tranh để giành lẽ phải về mình”.
Vụ án này khiến tôi phân vân về cách những ngân hàng phải chịu trách nhiệm khi khách hàng của họ bị mất tiền. Thật dễ dàng khi tìm ra một cá nhân chỉ là mắt xích trong bộ máy, khép cho họ một án tù, và kết thúc những tranh chấp kéo dài mà lẽ ra tổ chức phải là người đứng ra chịu sau thiệt hại của người dùng dịch vụ.
Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Lawfirm) từng lý giải khía cạnh này trên báo giadinh.net.vn: “Dưới góc độ kinh tế, việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng được coi là hành vi cất giữ tiền của mình. Còn dưới góc độ luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng, tổ chức tín dụng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản.
Theo đó, sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro đối với nó. Người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận. Trong pháp luật dân sự, tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao tiền thì bao giờ cũng kèm theo chuyển giao quyền sở hữu.”
Những nạn nhân của vụ Huyền Như, như công ty chứng khoán SBBS xứng đáng phải được đền bù thiệt hại và trả lại tiền bởi tổ chức pháp nhân đã nhận tiền – chứ không phải một cá nhân là người của ngân hàng.
Phạm Lan Phương
Tin liên quan:
✔️ Sự ấm ức của những người không thể lên tiếng
✔️ MV lạ "Trả ngay đi" - lấy cảm hứng từ nhiều vụ án mất tiền tại ngân hàng trong khoảng thời gian gần đây
✔️ Những người làm chứng gian
✔️ Thất lạc lương tâm hay sự lộng quyền thách thức luật pháp?
✔️ Nơi sự thật bị đánh tráo