Ăn mày xứ Ta, ăn mày xứ Tây


Vừa nãy, lúc tui ngồi quán vỉa hè uống trà đá, chờ mấy thằng cốt đột ra điểm hẹn, có một chị bán tăm đi ngang mời tui mua tăm. Cách đó khoảng chục mét là một người ăn mày đứng chìa tay xin tiền người vừa ăn phở. Lần nào cũng thế, mỗi khi gặp ăn xin, tui đều có cảm giác bất an. Hôm nay tui kể hầu bà con một câu chuyện nhỏ liên quan đến ăn mày, nhưng là ăn mày ở trời Tây.

Tháng trước ở Atlanta trên đường qua nhà người bạn, tôi có ghé ở trong một nhà trọ cho khách du lịch ba lô. Cửa nhà trọ có một người ăn xin ngồi nép vào mái hiên đỡ hắt. Ông ăn mày chúi mũi đọc sách. Tui ít khi cho tiền ăn xin, nhưng hôm đó tui vẫn cho vào ống nhựa của ông này vài đồng xu.

Thực ra, tui không lạ khi thấy một người ăn mày đọc sách, mà ngạc nhiên vì phong thái bình thản của ông này. Chuyện trò qua lại, tui biết được ông ta là Hugo, 60 tuổi, đã lang thang ăn xin ở Atlanta 9 năm. Ông từng có một tuổi thơ nghèo khó và mù chữ, từng đi làm các công việc phổ thông, từng trải qua vài biến cố, và biến cố lớn nhất đã... đẩy ông ra đường.

Hugo học đọc để giết thời gian, bắt đầu từ vài mẩu giấy báo lót đồ bẩn thỉu bị bỏ lại ven đường, đến những cuốn sách được sinh viên hoặc tình nguyện viên đem đến. Hugo bảo rằng, ông cần phải làm thế, chứ nhìn ngó người đi đường chỉ thêm chán.

Thưa bà con...

Ở những nước phát triển cái bang tui từng đi qua, thế giới hành khất rất đa dạng. Có người bẩn thỉu, hành xử thô lỗ, đeo bám và làm phiền du khách. Có người như Hugo, cho dù ăn mặc rách rưới nhưng luôn kiên nhẫn chờ đợi lòng thương của người khác, cảm ơn khi được bố thí. Có người lại ăn vận lịch sự, ngồi cắm cúi đọc sách, bên cạnh là một con chó. Đặc biệt là các nước châu Âu, nhiều lúc ta sẽ chột dạ vì không thể tưởng tượng nổi một người lịch lãm chải chuốt như vậy lại là một kẻ ăn mày. Tui vẫn đùa với bạn bè năm châu của tui khi đi Ý là ăn mày trông như hotboy.

Nhưng sự thật là như thế. Việc một sáng nào đó, bạn trở thành kẻ vô gia cư không phải là điều hiếm thấy, xã hội nào cũng thế thôi. Và bạn sẽ dần quen với hình ảnh “người ăn mày chải chuốt” có phong thái lịch lãm, có đồ đạc khá nhiều.

“Ăn mày thời vụ” là chuyện có thể xảy ra trong cuộc đời của bất kì một công dân Mỹ nào, nhất là những kẻ làm công ăn lương như bà con và tui. Một ngày xấu trời, người đó trở thành vô gia cư và thành ăn mày. Khi ấy, những cuốn sách thực sự đã là tấm khiên che chắn cho họ khỏi phải nhìn thấy những ánh mắt khinh miệt của người đời, để họ có thể làm được cái việc hạ đẳng nhất chỉ để thân xác của mình tồn tại. Với Hugo, tui hiểu rằng, ngoài vũ khí là một thứ lá chắn, “tấm khiên sách” ấy còn là ngọn lửa giữ ấm tâm hồn ông.

không riêng ở Mỹ, các nước phát triển khác cũng thế, nhiều người nhập cư trẻ vì một lý do nào đó không thành công, đành chấp nhận bất kì một công việc tay chân nào đó, bất kể giờ giấc, nắng mưa, chỉ để đổi lấy một cuộc sống ở mức tối thiểu nhất. Điều này có vẻ khá giống ở Việt Nam, một bộ phận thanh niên bình thản tiêu pha tuổi trẻ vào những việc thời vụ hầu như chỉ mang lại rất ít tiền mà không có chút “lợi tức” nào cho tương lai, vào mạng xã hội, vào những cuộc chè chén thâu đêm suốt sáng…

Cuộc sống của họ, xét về mọi mặt, không có vận động, chỉ là sự đứng im và tồn tại. Nhưng họ luôn có đầy đủ những lý do vô cùng thiết thực, để biện minh cho sự đứng im và tồn tại của chính mình. Họ sẽ tiếp tục làm những công việc ấy, cho đến khi không đủ sức làm nữa. Lúc ấy, trình độ không có, kinh nghiệm tìm việc mới không có, bảo hiểm không có, họ trông chờ gì ở tương lai, hay sẽ lại thành ăn mày hết kiếp?

Hôm rời Atlanta về Việt Nam, tui xuống chào Hugo, cho ông ta một cuốn truyện tui vừa đổi ở book exchange corner của nhà trọ. Hugo nháy mắt:

- I’ll be fine.

Thực lòng tui chẳng tin lắm dù giọng ông khá kiên định. Hugo có thể có cơ hội, có thể không, chưa biết được, nhưng rõ ràng ông ta đang luôn vận động, đang vô thức chuẩn bị cho cơ hội cho mình, từ những cuốn sách...

Nguyễn Ân
Về đầu trang