Bài học từ Cuba


Tin liên quan:
✔️ 19/05: Ngày một con “quỷ” ra đời
✔️ Giáo chủ Cộng Sản: Karl Marx là người thờ quỷ Sa Tăng
✔️ Những người làm chứng gian
✔️ Josef Stalin chết vì nguyên nhân gì?
✔️ Mác-Lê thực ra là cái gì?


Kể từ khi cuộc Cách mạng Nhung nổ ra ở Tiệp Khắc năm 1989 với kết quả là hàng loạt quốc gia cộng sản ở Đông Âu theo nhau sụp đổ, và kết cuộc là sự tan rã của hệ thống Liên bang Sô Viết năm 1991. Kể từ đó đến nay, trên thế giới chỉ còn lại năm quốc gia vẫn tự nhận là cộng sản: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Hàn và Cuba.

Miguel Mario Diaz-Canel và Raul Castro trong ngày chuyển giao quyền – nguồn Merco Press

Trên thực tế, những quốc gia trên, ngoại trừ Bắc Hàn, ít nhiều đã đổi màu, và để gọi cho đúng với tên gọi của họ thì ta có thể xem đây là những quốc gia theo chế độ toàn trị.

Các chế độ toàn trị có một số đặc điểm chung: người dân sống trong chế độ đó không có tự do trong hầu hết các sinh hoạt chính trị và xã hội trong nước, trong đó quan trọng nhất là quyền chọn người lãnh đạo quốc gia; và tất cả mọi quyền hành đều tập trung vào một thiểu số lãnh đạo chóp bu, hay hơn thế, vào trong tay một lãnh tụ độc tôn.

Ðó là trường hợp của Cuba và Bắc Hàn. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, cả hai quốc gia này được cai trị chỉ bởi một giòng họ: với Bắc Hàn là cha con họ Kim, và với Cuba là anh em nhà Castro. Cả hai gia đình này có thể tồn tại trong một thời gian dài như thế là nhờ họ nắm được quyền kiểm soát hoàn toàn hệ thống an ninh và quân đội, và trên hết, cai trị bằng một chính sách tàn bạo – bắt bớ, bỏ tù, và thậm chí xử tử nhiều nhân vật bất đồng chính kiến trong nước, kể cả những tiếng nói ôn hòa nhất. Ngay như những nhân vật từng được coi là cận thần của chế độ nhưng nếu có chút dấu hiệu nào tỏ ra không trung thành với lãnh tụ thì vẫn có thể bị giết như chơi, như trong trường hợp của lãnh tụ Kim Jong-Un của Bắc Hàn, từng nổi tiếng về sự tàn bạo khi ra lệnh xử trảm ông chú dượng là Jang Song-Thaek bằng loại súng phòng không chỉ vì nghe phong phanh nhân vật này có mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh.

Fidel và Raul Castro thời trẻ (Havana, 1961) – nguồn AP

Với gia đình Castro, trong thời gian đấu tranh cách mạng, người dân Cuba đã từng chứng kiến những đội hành quyết của Fidel Castro và Che Guevara, một nhân vật từng được coi là biểu tượng người hùng của giới trẻ phương Tây, tàn sát hàng loạt người Cuba yêu nước chỉ vì những người này không có cùng quan điểm chính trị với họ. Người cộng sản Việt Nam khôn ngoan hơn, âm thầm mượn tay kẻ khác để làm cái công việc bẩn thỉu đó, như thủ đoạn giấu tay trong vụ bán tin tức về nơi ở của cụ Phan Bội Châu cho mật thám Pháp làm cụ bị bắt, suýt bị xử tử nhưng sau đó được đưa về giam lỏng ở Huế trong 15 năm cho đến khi qua đời.

Trong suốt 60 năm cai trị đất nước Cuba, chế độ toàn trị Castro đã bỏ tù hàng trăm ngàn các nhân vật bất đồng chính kiến. Chỉ riêng năm 2016, Castro đã bắt giam gần 10,000, trong đó có 498 người trong thời gian chuyến viếng thăm kéo dài ba ngày của Barack Obama đến đảo quốc này. Báo chí Tây phương hầu như không thèm nhắc đến để cho chuyến viếng thăm có phần tốt đẹp hơn.

Hôm Thứ Năm 19/4 tuần qua, một trong những sự kiện chính trị quốc tế được chú ý khá nhiều – đó là quốc hội bù nhìn Cuba đã phê chuẩn và đưa một nhân vật lạ hoắc lên làm chủ tịch nước sau khi Raul Castro chính thức tuyên bố từ chức: Miguel Mario Diaz-Canel.

Ðây là một nhân vật không chỉ xa lạ với thế giới phương Tây mà ngay hầu hết người dân Cuba cũng ít biết tới nhân vật này mặc dù ông ta nắm giữ chức vụ đệ nhất phó chủ tịch nước trong mấy năm qua. Nhưng kể từ đầu năm nay, hình ảnh của nhân vật Diaz-Canel đã được hệ thống truyền thông nhà nước bắt đầu nhắc tới trong một số lần xuất hiện trước công chúng, trong đó có cuộc họp báo vào tháng trước với lời tuyên bố hứa sẽ xây dựng một chính phủ Cuba có trách nhiệm và biết đáp ứng những đòi hỏi của người dân.

Khi tin tức vừa được loan đi, đã có một số báo chí Tây phương đặt câu hỏi rằng phải chăng đất nước Cuba đang chuẩn bị bước sang một thời đại mới, hay nói các khác, thời đại hậu Castro.

Một con phố rách nát ở Havana thời “đổi mới” – nguồn Reuters

Tuy nhiên ngay sau đó, một số nhà quan sát am hiểu tình hình Cuba đã lên tiếng cảnh báo đừng nên vui mừng quá sớm và đưa ra nhận định rằng tình hình tương lai của đất nước Cuba có lẽ vẫn giữ nguyên như cũ. Nếu có điểm nào được xem là có sự thay đổi trong chính phủ mới của Cuba thì chỉ là vị tân Chủ tịch Miguel Mario Diaz-Canel không thòng theo cái tên Castro ở đằng sau mà thôi.

Mười hai năm trước, Fidel Castro lúc đó 81 tuổi, trao quyền lại cho người em trai là Raul Castro. Ðến nay, Raul Castro cũng đã 86 tuổi, sức khỏe kém và có thể ra đi bất cứ lúc nào. Ở tuổi 57, Diaz-Canel được cho khá trẻ so với những vị tiền nhiệm. Tuy nhiên, nếu nói đến chính sách cai trị đất nước, có lẽ cũng không có gì khác biệt giữa các nhân vật này.

Con đường chính trị của Diaz-Canel đã được uốn nắn và rèn luyện dưới sự hướng dẫn của anh em nhà Castro. Trong thời gian phục vụ trong quân đội, ông ta là thành viên của cơ quan an ninh đặc biệt. Thời chiến tranh lạnh, làm liên lạc viên của đảng cộng sản Cuba ở Nicaragua, một đồng minh của Cuba và Liên Sô. Kể từ đó đến nay, Diaz-Canel ngày càng trở nên thân cận hơn với gia đình Castro, được nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau trong đảng và trong chính quyền.

Sự trung thành của Diaz-Canel đã được trả công xứng đáng. Năm 2013, được chỉ định làm Ðệ nhất Phó Chủ tịch. Rồi hôm 18 Tháng 4 năm nay, được quốc hội độc đảng bầu làm chủ tịch. Mà đây cũng chẳng phải là một sự lựa chọn khó khăn gì đối với cái quốc hội bù nhìn đó: Diaz-Canel là do Raul Castro tự tay chọn và là ứng viên duy nhất theo kiểu “đảng cử dân bầu” như ở Việt Nam hay Trung Quốc vậy.

Mặc dù Raul Castro không còn nắm giữ chức vụ chủ tịch nước nhưng vẫn nắm quyền kiểm soát hai trung tâm quyền lực nhất của Cuba: đảng cộng sản và lực lượng quân đội. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Diaz-Canel không phải là chủ tịch đầu tiên phục vụ chế độ nhưng không mang tên Castro. Trong khoảng thời gian từ 1959 đến 1976, Osvaldo Dorticos Torrado đã từng nắm giữ chức vụ này. Nhưng ngày nay chẳng ai biết đến tên ông này là vì cho dù làm chủ tịch nước Cuba mà không nắm quyền kiểm soát đảng và quân đội thì kể như chỉ là hư danh và không có quyền hành thực sự gì hết.

Đàn áp nhân quyền ở Cuba – nguồn Amnesty International
Diaz-Canel đã tuyên bố ngay sau khi được làm chủ tịch nước: “Tôi khẳng định với quốc hội rằng đồng chí Raul sẽ nắm quyền quyết định mọi vận mạng của đất nước ở hiện tại cũng như tương lai. Raul vẫn là người đi đầu trong hàng ngũ tiên phong.” Câu tuyên bố này đã chính thức kết liễu mọi suy đoán rằng ông ta có thể là một nhân vật thay đổi.

Trong mấy năm qua, Raul Castro đã đánh lừa thế giới để tin rằng ông ta là một người cải cách. Trên thực tế, đất nước Cuba chỉ thay đổi một phần hệ thống kinh tế ở bề mặt – đủ để dân Cuba có thêm chút thu nhập, nhưng về thay đổi chính trị thì hoàn toàn không. Giới làm ăn ở Cuba được nới lỏng một phần nhưng vẫn bị kiểm soát nghiêm ngặt. Tất cả mọi hoạt động kinh doanh đều phải có giấy phép, từ lái một chiếc taxi đến sửa một chiếc nệm giường. Những người bất đồng chính kiến với chính quyền thì đừng hòng xin được giấy phép.

Dưới sự lãnh đạo của Raul Castro, việc kiểm soát khu vực kinh tế thuộc quyền của nhà nước đang được dần dà chuyển nhượng sang cho những người thân cận của gia đình Castro. Con rể cũ của Raul, tướng Luis Alberto Lopez-Callejas, nắm quyền kiểm soát GAESA, một tập đoàn kinh doanh thuộc quân đội. GAESA là công ty cổ phần trực thuộc nhà nước nắm giữ hơn 50 ngành kinh doanh, từ dịch vụ hàng không đến hối đoái.

Con trai của Raul, Alejandro Castro Espin, nắm quyền lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa Cuba. Dưới sự chỉ đạo của ông bố, Alejandro thay đổi cơ chế đàn áp chính trị trong nước. Thời của tù đày dài hạn có thể không còn nhưng thay vào đó là những vụ bắt bớ giam cầm ngắn hạn và thường xuyên hơn, đồng thời tăng cường việc sử dụng những nhóm côn đồ được nhà nước bảo trợ để tấn công và đánh đập dã man những nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nước. Tình trạng này không khác những gì đang xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc. Các chế độ toàn trị đã học hỏi lẫn nhau.

Trong những chế độ toàn trị, chức vụ thực ra không quan trọng. Việc chọn Diaz-Canel làm chủ tịch chỉ là khoác thêm chiếc mặt nạ đổi mới trong sự biến dạng của chế độ Castro, và rất có thể Diaz-Canel chỉ tạm thời giữ chỗ trong thời gian chuẩn bị để chuyển quyền qua cho thế hệ thứ hai của gia đình Castro.

Văn Hiến
Tin liên quan:
✔️ 19/05: Ngày một con “quỷ” ra đời
✔️ Giáo chủ Cộng Sản: Karl Marx là người thờ quỷ Sa Tăng
✔️ Những người làm chứng gian
✔️ Josef Stalin chết vì nguyên nhân gì?
✔️ Mác-Lê thực ra là cái gì?

Về đầu trang