Cha mẹ hấp dẫn hơn game và Facebook?


Tin liên quan:
✔️ Chơi game bạo lực nhiều sẽ làm teo não
✔️ Ghi nhận những nỗ lực của con
✔️ Làm gì khi con ăn vạ?
✔️ Khi con là công cụ cho ước mơ của cha mẹ
✔️ Lời tâm huyết của người có nghề trong việc dạy con, cha mẹ rất nên tham khảo
✔️ Hãy cho con những trải nghiệm
✔️ Đừng dán mác “yêu thương con” cho những mục tiêu ích kỷ của cha mẹ
✔️ Bức thư của ông hiệu trưởng Singapore gửi cho phụ huynh trước kỳ thi


Nếu cha mẹ tương tác với con như nhân vật trong game, chia sẻ như bạn bè trên Facebook, cha mẹ sẽ hấp dẫn hơn game và Facebook.

Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên

✒️ Giữa thời đại con người chưa bao giờ bị thôi thúc học nhiều như bây giờ, trẻ cũng phải tích cực tích lũy bể kiến thức đủ chủng loại, chị lại đi “xúi” cha mẹ cho con chơi thật nhiều. Chị có thấy mình nằm ngoài guồng quay của thời đại?

💟 ThS Trần Thị Ái Liên: Nhiều cuộc nghiên cứu thời hiện đại đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất, chơi đùa ngoài trời không những làm cho cơ bắp săn chắc, hệ tim mạch khỏe mạnh, xương cốt phát triển… mà còn giúp tinh thần phấn chấn, tăng cường khả năng tập trung, học hành. Chẳng hạn cuộc nghiên cứu do tiến sĩ Judith K. Bass và các cộng sự tại Trường y tế cộng đồng Bloomberg (thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ) tiến hành cho thấy vận động giúp nam sinh tăng tỷ lệ thi đậu môn toán và đọc hiểu cao gấp từ 2,5 đến 3 lần. Con số này ở nữ sinh là từ 2 đến 4 lần.


✒️ Nhưng chơi làm sao giúp trẻ nói tiếng Anh giọng chuẩn, làm toán nhoay nhoáy, đánh đàn điêu luyện…?

💟 Nhiều phụ huynh quá chú trọng việc học hàn lâm mà quên mất rằng còn có rất nhiều điều quan trọng đứa trẻ cần học cho cả cuộc đời: học cách làm việc đội nhóm, cách chấp nhận thất bại, cách đối diện và điều tiết cảm xúc… Trải nghiệm thực tế cuộc sống là cách tốt nhất giúp trẻ học và khám phá thế giới quanh mình.

Chúng ta quá nặng về “dạy dỗ”, mà quên rằng cốt lõi phải là “học hành”. Trong trường hợp thầy cô giảng bài mà trẻ không hiểu hoặc không hứng thú thì có “dạy” nhưng không hề có “học”. Ngược lại, khi thỏa thích chơi đùa, thậm chí “được quyền” lấm bẩn, trẻ khám phá và hiểu được thế giới quanh mình thì có “học” nhưng không cần có “dạy”. Dạy mà không có học thì có khác gì nhét cơm vào miệng mà trẻ không nhai, không nuốt.

✒️ Nhiều cha mẹ than phiền trẻ con thời nay mê thế giới ảo hơn đời thật. Chị thấy sao?

💟 Sự thật là không có máy nào hấp dẫn hơn con người. Hãy nghĩ xem, cha mẹ ở bên con nhưng không tương tác với con, còn cái điện thoại thì “chơi” game với con. Cha mẹ nói chuyện với con nhưng chỉ bận rộn dạy dỗ và khuyên răn (một chiều) chứ không lắng nghe và trao đổi (2 chiều). Còn trên Facebook, mỗi lần comment thì có ngay người khác đáp lại. Cha mẹ luôn chỉnh sửa chê bai, nhưng game thì mỗi lần mình thua là sẽ hiện lên câu khích lệ “đừng bỏ cuộc, cố gắng lên, hãy thử lại nhé”, còn nếu thắng thì “giỏi quá, chúc mừng, bạn thật tuyệt vời…”. Nếu cha mẹ trải nghiệm những điều thú vị của cuộc sống cùng với con, khuyến khích và ca ngợi con như game thì con sẽ thấy cha mẹ hấp dẫn.

✒️ Hè đến rồi, theo chị các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi đâu? Rừng, núi, biển hay các khóa rèn luyện kỹ năng?

💟 Theo tôi, phụ huynh không nên quá áp lực, xem chuyện dành thời gian cho con là một trách nhiệm. Hãy tập cho mình thói quen tạm rời màn hình, trải nghiệm mùa hè thật bên con như cùng hít hà mùi thơm của hoa hồng trong chậu, cùng chọn sách, coi phim với con… Tôi thấy nhiều cha mẹ chở con ra công viên rồi để con chơi một mình, còn họ ngồi chờ. Thật là lãng phí những giây phút lẽ ra rất vui vẻ, khi các thành viên trong gia đình tương tác với nhau, xây dựng tình bạn với nhau.

Nếu có điều kiện thì những chuyến đi xa có giá trị rất riêng của nó, khi cả nhà cùng tung tăng trên bãi cỏ xanh rì, cùng lắng nghe tiếng sóng biển rì rào, cùng chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ… Nếu không đủ thời gian, hãy thử bắt đầu bằng những ngày chủ nhật tạm rời màn hình công nghệ để cùng nhau trải nghiệm ngày hè thật, trọn vẹn bên nhau.

Sở hữu 2 tấm bằng đại học Chính trị học và Quản trị học, thêm bằng thạc sĩ Chính sách công, Trần Thị Ái Liên rời nước Mỹ, quay về quê hương VN để lao vào con đường hỗ trợ phụ huynh VN hiểu và tôn trọng con, đồng hành cùng con, chơi với con, thông qua đó hướng dẫn con mình trở thành những người tự tin, mạnh mẽ nhưng ôn hòa và đạo đức.

Bồ Công Anh (Thanh Niên )
Tin liên quan:
✔️ Chơi game bạo lực nhiều sẽ làm teo não
✔️ Ghi nhận những nỗ lực của con
✔️ Làm gì khi con ăn vạ?
✔️ Khi con là công cụ cho ước mơ của cha mẹ
✔️ Lời tâm huyết của người có nghề trong việc dạy con, cha mẹ rất nên tham khảo
✔️ Hãy cho con những trải nghiệm
✔️ Đừng dán mác “yêu thương con” cho những mục tiêu ích kỷ của cha mẹ
✔️ Bức thư của ông hiệu trưởng Singapore gửi cho phụ huynh trước kỳ thi

Về đầu trang