Sau 1975, ruộng nhà tôi bị mất khá nhiều vì nhà nước phân bổ theo nhân khẩu, số ruộng dư ra bị Hợp tác xã lấy một phần, phần khác đem chia cho những người quen biết hoặc bà con của cán bộ xã...
💛
Khoảng thập niên 60 má tôi mướn hai mẫu ruộng của người trong họ để canh tác. Đến khi chính sách "Người cày có ruộng" do chính phủ ông Thiệu ban hành năm 1970, nhà tôi được phép sở hữu hai mẫu đó, thuế ruộng hàng năm đóng cho chính phủ rất ít so với đóng tô cho người trong họ. Nói thêm chút: chính sách "Người cày có ruộng" dưới thời ông Thiệu nhằm hữu sản hóa nông dân bằng cách giúp những người thực sự canh tác được làm chủ ruộng. Nhà tôi, cũng như rất nhiều nông dân khác hồi đó, được chính phủ cho vay mua ruộng trả góp trong vòng sáu năm mà không phải chịu lãi suất gì hết trơn. Còn những ai dư ruộng, phải "truất hữu" (nghĩa là không còn quyền sở hữu) thì chính phủ trả lại bằng tiền mặt lẫn bằng trái phiếu trong vòng 12 năm. Ngoài hai mẫu ruộng được hữu sản hóa, nhà tôi còn có thêm hai mẫu ruộng của em ông nội, do không có con nên nhà tôi được thừa hưởng phần ruộng đó.
Hai mẫu sở hữu theo luật "Người cày có ruộng", sau 30/4, má tôi giao lại cho anh lớn canh tác. Thế rồi người trong họ từ thành phố về, má tôi nghĩ cái tình bà con nên chia phân nửa, anh lớn chỉ còn làm một mẫu.
Rồi ba tôi vô chùa, chị tôi ra ở riêng, anh tôi phải đi học cải tạo ...Đem áp định mức của nhà nước xuống mỗi nhân khẩu chỉ được 15 sào ruộng, thành thử ruộng đất của nhà tôi dư ra, nhà nước lấy đem chia cho hai hộ gia đình khác. Khác với "Người cày có ruộng" hồi 70, số ruộng dư mà nhà nước cách mạng lấy đi, sở hữu chủ không được trả lại một cắc bạc xu teng nào.
💛
Thế rồi hợp tác hóa nông nghiệp bể bạc sao đó, vào giữa thập niên 80, nhà nước ra chính sách trả ruộng lại cho dân! Nhiều nhà trong xóm làm đơn để xin lại phần ruộng bị lấy trước đây, nhưng cũng phải đi tới đi lui, đến tận nhà cán bộ xã, mất nửa năm may ra mới lấy được phần ruộng của mình.
Má tôi thấy hàng xóm đều đi xin lại ruộng đất của mình, nên cũng làm đơn gửi lên xã. Một hôm, Ủy ban xã mời má tôi lên trao đổi.
- Số ruộng bà làm hiện nay không đủ ăn hay sao?
- Dạ thưa cán bộ, không đủ ăn nên mới làm đơn xin lại phần ruộng trước đây.
- Nhưng ruộng đất đó đã cấp cho người nghèo nên không thể lấy lại được. Không còn ruộng, họ lấy gì sống?
- Gia đình tôi hiện nay đang lâm vào cảnh đó, thưa cán bộ. Lúc mấy ông lấy ruộng của tôi, các con tôi còn nhỏ, hai đứa nhỏ tính vào một nhân khẩu được 15 sào ruộng thôi. Bây giờ tụi nó lớn hết rồi, tui nuôi không nổi. Tôi có năm thằng con trai, cưới thêm năm con dâu là mười. Năm cặp, mỗi cặp đẻ hai đứa con, tôi có mười đứa cháu, vị chi là hai chục đứa, làm sao tôi nuôi nổi. Đó là chưa kể con gái...
- Thôi được rồi, bà đừng nói nữa!
Chắc nghe má tôi kể lể đến nhức đầu nên ông ta chặn ngang, rồi nói:
- Bây giờ chỉ có hai cách. Một là bà tới gặp người làm ruộng của bà, điều đình trực tiếp với người đó`xin lấy lại phần ruộng. Nếu không được thì bà làm theo cách thứ hai là coi người làm ruộng đó nếu họ có ruộng nơi khác thì bà xin giấy xác nhận nơi đó, chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết cho.
Má tôi lẩn thẩn ra về, buồn rười rượi. Má nói, hồi đó nhà nước lấy đất của mình đem cho người khác cái rụp, mà sao lúc cần lấy lại thì khó dễ đủ đường.
💛
Bà quyết định tìm đến nhà người đang làm ruộng của mình nói chuyện. Người đầu tiên thuộc loại hiền lành, nhà nghèo. Má tôi thấy vậy mới đưa cho anh ta một số tiền, theo thời giá ruộng lúc đó. Nghĩ cũng ngộ, phải nài nỉ bỏ tiền để được mua lại ruộng của chính mình.
Đến người thứ hai, má tôi cũng đề nghị như vậy nhưng hắn ta không chịu. Chuyện đòi ruộng lần này có vẻ bí lối. Hắn dứt khoát không trả ruộng, cũng không cần đến số tiền mà má tôi hứa hẹn, còn tỏ vẻ thách thức xem má tôi làm gì được hắn.
Má tôi buồn bực trong lòng mà chẳng biết làm gì. May thay, có người hàng xóm không ưa thái độ xấc láo của hắn, do tình cờ mà biết được hắn có ruộng bên cù lao, bèn đến nói cho má tôi biết.
Má tôi qua cù lao xin cán bộ xác nhận gia đình hắn đã có ruộng ở đây. Vì có người giới thiệu và có phong bì trà nước nên việc xác nhận cũng xong.
Má tôi mang giấy xác nhận về, nộp lên xã. Xã yêu cầu hắn ta giao lại phần ruộng đã canh tác bấy lâu cho nhà tôi vô điều kiện. Trước mặt cán bộ với giấy xác nhân có dấu mộc đỏ, hắn không thể chối cải, đành trả ruộng cho nhà tôi.
Tuy vậy khi nhận được ruộng, má tôi vẫn đưa cho hắn một ít tiền để tránh mất lòng hàng xóm với nhau.
💛
Còn lại nửa mẫu ruộng mặt tiền (xã trưng dụng làm ủy ban), má tôi đã chia cho anh lớn và người trong họ rồi nên bà không quan tâm để đòi nữa.
Để lấy lại những mảnh ruộng của gia đình, mất đứt hơn nửa năm trời. May mà mọi việc êm xuôi nên, sau này, các em tôi mới có những khoảnh ruộng nho nhỏ để lo cho gia đình mỗi đứa.
Má tôi đã hi sinh cả đời lo cho con cái, lo cho từng gia đình nhỏ của từng đứa con, không biết các em tôi có thấu hiểu điều đó không mà thỉnh thoảng lại còn hờn này dỗi kia với má.
Má tự an ủi, thôi vậy, nước mắt muôn đời chạy xuôi...
Dương Kiều