Chúng ta rất quen nhìn thấy những hình ảnh hoàn hảo về quá trình sinh con, sau khi sinh, cho con bú, cuộc sống với một đứa bé... trong khi thực tế thường xuyên là hình ảnh này. Có những ngày căng thẳng, đau đớn, mà chúng ta chỉ có thể đầu hàng trước sinh vật nhỏ bé không có khái niệm về thời gian, giờ giấc hay không gian.
Có những ngày khi nhìn thấy mình trong gương chúng ta không nhận ra cơ thể của chính mình khi những vết thương chưa lành, khi ngực bị chảy sữa và ruột gan cảm giác như bị đốt cháy.
Không ai nói với chúng ta rằng sẽ có những đêm là đơn độc và buồn tủi, có những ngày dài đằng đẵng và nhàm chán, đôi khi tắm dưới vòi sen cũng là quá xa xỉ. Vì đã vẽ ra những ảo tưởng nên khi đối diện với thực tế không giống thế, chúng ta cảm thấy tội lỗi, vô dụng, dị biệt, mà không hề nhận thấy rằng có thể tồn tại, trong cùng một thế giới, ánh sáng và bóng tối, hạnh phúc và tuyệt vọng, yêu thương và sợ hãi; rằng chúng ta không nên đối diện với điều đó một mình, rằng sẽ tốt hơn nếu cúng ta nói ra, yêu cầu đồng hành, hỗ trợ và chăm sóc tại thời điểm bị tổn thương nhất, thô sơ nhất, và mãnh liệt nhất của cuộc sống.
Tôi thường xuyên nghe câu nói kiểu như: Gớm! Cứ làm như chỉ mình mình sinh con, tôi còn 2, 3 đứa mà chả kêu gì đây! Thực ra chẳng ai giống ai cả, đặc biệt là hoàn cảnh và những biến đổi về tâm sinh lý của mỗi người. Nếu thực sự mọi thứ hoàn hảo với bạn đến thế, xin chúc mừng, bạn là người trúng Vietlott 304 tỷ. Và nếu vậy, bạn đừng đem người khác ra so sánh để nâng mình lên. Thật đáng buồn, những người không thông cảm cho phụ nữ, thường xuyên, và đa phần, là phụ nữ.
Nguyễn Hoa
Tin liên quan:
✔️ Meghan Markle, cô ấy là ai?
✔️ Lời khuyên của người qua đời khi mới 27 tuổi vì ung thư
✔️ Trao cho trẻ sự tự tin và tự lập