Tin liên quan:
✔️ Giới chức giáo dục Hoa Kỳ tố cáo 21 trường đại học Hoa Kỳ mạo danh ở Việt Nam CS
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Rất hiếm có học sinh… trung bình ở những lớp cuối cấp
✔️ Chiếc thòng lọng lơ lửng trên nền giáo dục chông chênh
Từ đầu năm đến nay, chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, ngành giáo dục đã liên tiếp “gây ấn tượng” bằng những sự kiện khiến cả xã hội phải bàng hoàng rúng động… Điểm sơ lại dưới đây:
– Ngày 28-2 ở Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An): Cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ 40 phút ngay tại trường để trừng phạt vì “tội” đã phạt học sinh quỳ trước đó.
– Ngày 2-3 ở Trường THCS Tân Thạch (Bến Tre): Một nam sinh lớp 8 vừa nhục mạ vừa bóp cổ cô giáo dạy Anh văn trước mặt tập thể lớp chỉ vì cô giáo này đã nhắc nhở và thu giữ tập vở của một nữ sinh lấy bài môn khác ra học trong giờ của cô.
– Ngày 22-3 ở Trường Mầm non Việt-Lào (TP.Vinh, Nghệ An): Một nữ giáo sinh thực tập đang có thai cũng bị phụ huynh xông vào tận lớp hành hung và bắt quỳ xin lỗi vì nghi con bị cô giáo này đánh.
– Ngày 23-3 trong buổi gặp gỡ với Sở GD-ĐT TP.HCM: Một nữ sinh lớp 11 Trường THPT Long Thới đã bật khóc và chia sẻ về việc cô giáo dạy Toán của lớp em suốt cả một học kỳ (3 tháng) lên lớp không hề giao tiếp với HS mà chỉ viết lên bảng! Em HS này hiện nay đã phải xin chuyển sang trường khác vì không chịu nổi áp lực từ bạn bè, thầy cô ở trường cũ!
– Ngày 3-4 ở Trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng): Phụ huynh phát hiện và tố cáo một cô giáo đã phạt buộc một học sinh lớp 3 uống nước vắt từ giẻ lau bảng vì lý do em này hay nói chuyện riêng trong lớp.
– Ngày 5-4 tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Quảng Bình): Thầy giáo chủ nhiệm một lớp 12 của trường bị một nam sinh dùng dao bấm đâm thủng bụng vì lý do đã nhắc nhở HS này xoá hình xăm trên cổ và không cho em vào lớp học để buộc về đi xoá vết xăm.
Có thể nào nghĩ rằng những vụ việc xảy ra dồn dập như thế là sự tình cờ?
Không thể khác hơn là phải nhìn nhận rằng chúng ta đang và sẽ tiếp tục phải nhận những trái đắng từ một nền giáo dục đã hoàn toàn thất bại mà trong đó, cả GV, PH và HS vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.
Làm sao tạo ra được những nhà giáo có đủ năng lực chuẩn sư phạm khi mà ngay từ trường đại học, các “kỹ sư tâm hồn” tương lai đã phải dành tới gần phân nửa thời lượng học hành cho các môn lý luận chính trị Mác – Lê + Lịch sử ĐCSVN và những hoạt động vô bổ khác không liên quan cũng như không có giá trị gì về mặt chuyên môn? Và phải chăng cũng vì thiếu đào tạo, tu dưỡng nên những khái niệm về đạo đức nghề nghiệp hay lòng tự trọng của nhà giáo đã trở nên xa lạ đối với nhiều người làm thầy ngày nay? Thế nên mới có GV nghĩ ra kiểu trừng phạt độc ác không thể hình dung nổi là bắt học trò chỉ mới 8 tuổi uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Thế nên mới có giáo viên câm nín một cách quái đản, không thèm nói năng gì với HS trong tất cả các tiết dạy suốt ba tháng trời. Thế nên mới có giáo viên chấp nhận quỳ tới 40 phút trước mặt phụ huynh mà trước khi “chịu phạt” còn hỏi phụ huynhmuốn quỳ kiểu nào. Thế nên mới có chuyện 600 giáo viên ở một huyện của tỉnh Đăklăk phản ứng tập thể, kêu đòi “trả lại tuổi xuân” vì bị cắt hợp đồng đột ngột, làm mất cơ hội vào “biên chế” (!?)… Ngay cả vị “tư lệnh ngành”, trước những thông tin về việc đạo văn có liên quan tới danh dự và uy tín cá nhân của mình, ông cũng chọn thái độ “mần thinh” khó hiểu như văn hóa nói chung của các quan chức Việt Nam khi xảy ra “scandal”. Những câu chuyện gây phẫn nộ và “cười ra nước mắt” như thế có lẽ chỉ thấy ở ngành giáo dục Việt Nam!
Làm sao có được những thế hệ học sinh biết “tôn sư trọng đạo” và hiểu cần phải “tiên học lễ, hậu học văn” như hồi xưa, khi mà giờ đây các em phải chứng kiến, đồng thời sống quen với sự dối trá, tính hình thức và lối tư duy thực dụng cứ diễn ra hàng ngày trong ngôi trường mình đang theo học? Thật đau lòng khi thấy ngay cả vị Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM khi giải quyết vụ việc của em nữ sinh lớp 11 “dám” tố cáo cô giáo ba tháng không giảng bài, cuối cùng cũng phải chỉ đạo “giải quyết nhanh cho em chuyển trường”. Cả nền giáo dục và cả xã hội đã không thể bảo vệ nổi một học sinh trung thực, để phải chấp nhận cho em rời bỏ trường cũ vì sự dũng cảm của mình. Sự đảo lộn các giá trị và sự xuống cấp của chuẩn mực đạo đức trong mặt bằng văn hóa ngày nay là những cú hích không hề nhẹ góp phần đẩy cỗ xe giáo dục lao xuống dốc nhanh hơn!
Làm sao có được những phụ huynh hiểu biết, sẵn sàng đồng hành, chia sẻ cùng giáo viên và nhà trường trong việc dạy dỗ con cái, một khi chính bản thân họ cũng là thành quả của một nền giáo dục suy đồi do đã “hổng chân” từ lâu bởi thiếu triết lý cũng như những tiêu chuẩn cơ bản của một nền giáo dục tiến bộ?
Nền giáo dục hỏng đào tạo ra những con người hỏng. Con người hỏng lại tiếp tục tạo ra một nền giáo dục hỏng. Đó là cái vòng tuần hoàn luẩn quẩn, như câu chuyện quả trứng và con gà vậy!
Và trách nhiệm này thuộc về ai?
🌸
Giáo dục là hiện tượng xã hội chỉ có ở con người. Không chỉ đảm lãnh nhiệm vụ trang bị tri thức, kỹ năng cho đối tượng đào tạo, giáo dục còn giúp hình thành nhân cách và xây dựng những hành vi, thói quen ứng xử đúng đắn phù hợp với đạo đức xã hội. Vì thế, một nền giáo dục thất bại là một nền giáo dục không mang lại hoặc chỉ đạt nửa vời những mục tiêu đó. Hơn 70 năm ở miền Bắc và hơn 40 năm ở miền Nam, nền giáo dục của chế độ hiện nay đã trải qua nhiều đợt cải cách nhưng dường như mọi thứ không tiến bộ hơn mà lại càng ngày càng thụt lùi. Hiệu quả đào tạo sút giảm, nền học thuật nặng tính hình thức, giả dối và thiếu thực tế; các giá trị đạo đức bị rẻ rúng và thậm chí bỏ quên; hình ảnh và vị trí người thầy ngày càng xuống cấp… Những vấn đề đó lâu nay đã được đề cập rất nhiều. Cũng không thiếu những giải pháp tâm huyết đóng góp cho đổi mới giáo dục… Nhưng rồi đời bộ trưởng nào lên cũng vẫn chẳng có gì suy suyển, ai cũng “bình chân như vại” để đến khi hết nhiệm kỳ thì mọi thứ vẫn được “bảo tồn” như cũ! Riêng có mỗi chuyện thi cử là năm nào cũng được tích cực đổi mới để thử thách năng lực chạy đua lấy thành tích của thầy và trò.
Những chuyện buồn vừa kể trên chỉ là điểm thêm vài dấu chấm than nữa cho nền giáo dục vốn đã đầy rẫy những dấu cảm thán của chúng ta. Nay nhà đã nát mà người cũng nát thì sao có thể hy vọng “dựng lại nhà, dựng lại người”? Người ta thường nói trông vào giáo dục để biết một quốc gia phát triển như thế nào. Vậy thì cứ trông vào nền giáo dục của nước nhà hiện nay sẽ hiểu chúng ta có thể “sánh vai các cường quốc năm châu” được hay không!
Nguyễn Thị Oanh
Tin liên quan:
✔️ Giới chức giáo dục Hoa Kỳ tố cáo 21 trường đại học Hoa Kỳ mạo danh ở Việt Nam CS
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Rất hiếm có học sinh… trung bình ở những lớp cuối cấp
✔️ Chiếc thòng lọng lơ lửng trên nền giáo dục chông chênh