Tin liên quan:
✔️ Cha Đắc Lộ
✔️ Đừng để Sài Gòn trở nên "thành phố mất trí nhớ"
✔️ Phá huỷ di sản và đất nước ‘4.000 năm vẫn trẻ con’
✔️ Về Sài Gòn ngày dài nhất
✔️ Trí thức Sài Gòn kiến nghị bảo tồn tòa nhà 130 tuổi
Trưa nay có việc đi qua Tôn Đức Thắng (Q.1) chợt giật mình nhận ra cái nắng chói chang trên đầu và sức nóng hầm hập dưới mặt đường. Cảm giác chạy chầm chậm dưới hàng cây cả trăm năm tuổi để ngửi mùi lá và trốn cái nắng trưa hè hoàn toàn biến mất. Tất cả giờ đã thành những đống gỗ vô hồn!
Đan Viện Cát Minh bên đường dường như cũng lùi vào mấy mét cho con đường mới mở rộng và cây cầu đang xây. Ở bên kia cầu, cũng có một Tu viện Dòng mến Thánh Giá mấy hôm nay đang chống chọi với chuyện đập bỏ hay giữ lại cho hồn cốt Sài Gòn.
Tại nơi đó đã có chùa bị phá, nhiều ngôi nhà cả trăm năm tuổi cùng những dấu tích của Thủ Thiêm xưa bị dẹp bỏ cho cái gọi là quy hoạch của người ta.
Như ngôi nhà tôi ở, nếu không có bàn thờ, vài ba cây xanh ngoài ban công, góc nhỏ có đồ chơi của con từ bé, tấm ảnh chụp cha mẹ từ 50 năm trước… có lẽ lạnh lẽo lắm với nền gạch men, bức tường sơn vô giác hay những món đồ gỗ công nghiệp nhà vô tri.
Sài Gòn của tôi cũng vậy, nếu nhà thờ nhường chỗ cho cao ốc, chùa không còn nơi biệt thự san sát, những hàng me hay xà cừ trăm năm tuổi bị đốn bỏ để xe nườm nượp đêm ngày hay con đò bến nước kia chỉ còn treo trên tường thì có lẽ cũng như cái xác không hồn.
Tôi nghĩ, người ta có thể dùng tiền đắp LV, Cartier, Hermes, Patek Philippe… lên người nhưng làm sao có thể đổ vàng ra để đưa những giá trị của trăm năm không bao giờ cũ vào thân xác nào đấy.
Nếu chỉ có cao ốc, đường xá, xe cộ xa hoa, tráng lệ và dùng tiền đập bỏ tất cả những gì không kiếm ra tiền thật nhanh thì nơi này có còn là Sài Gòn hay chỉ như phiên bản lỗi của Bangkok, Hong Kong, Thâm Quyến…?
Tôi còn nhớ ngày còn bé cứ cái gì cũ chút lại muốn cho mau hỏng để ba mẹ nhanh mua cái mới, xài tiện hơn sướng hơn nhưng có những thứ hơn 40 năm, mẹ tôi vẫn muốn giữ.
Đó là lon sữa bò đong gạo mẹ bảo có từ 1978, thứ mẹ dùng để lượng từng chút gạo cho những ngày đói kém.
Hay cái mâm nhôm từ 1973, 25 năm trước thường chỉ mang trên mình đĩa rau luộc, chút mắm cà và lâu lâu trang điểm thêm chút cá, thịt khó không thể mặn hơn.
Cũ vậy và hằn sâu nhiều kỉ niệm gian khó nhưng không bỏ đi được, vì những đồ vật đó đã làm nên hồn cốt của gia đình tôi như chùa chiền, miếu mạo, hàng cây bến đò hay cả quán cóc ven đường trên khắp nẻo Sài Gòn đã tạo ra hồn cốt xứ này.
Hồn cốt của hơn chục triệu dân chứ không phải cao ốc, biệt thự hay đống tiền của một nhúm người thường nhìn thấy lợi lộc to hơn những giá trị văn hóa, tâm linh.
Hà Phan
Tin liên quan:
✔️ Cha Đắc Lộ
✔️ Đừng để Sài Gòn trở nên "thành phố mất trí nhớ"
✔️ Phá huỷ di sản và đất nước ‘4.000 năm vẫn trẻ con’
✔️ Về Sài Gòn ngày dài nhất
✔️ Trí thức Sài Gòn kiến nghị bảo tồn tòa nhà 130 tuổi