Karl Marx – đời thực và ảo ảnh


Có một vài việc thiếu thiện ý mà những con người thời hiện đại có thể làm với những nhân vật được xem là “vĩ nhân” của lịch sử.

Thứ nhất, những con người thời hiện đại có thể hành xử như những trí thức “trẻ trâu”: hăng hái đứng lên “đạp đổ những thần tượng”, “giật nón”, “lột râu”, “giải ảo” những “vĩ nhân” được tôn thờ, cùng những thứ triết lý vốn thường được trọng vọng đến mù quáng của những “vĩ nhân” đó.

Bằng cách sử dụng những nền tảng triết học và tư duy hiện đại, những trí thức “trẻ choai” đó tận dụng tối đa những gì họ biết về những gì đã diễn ra trong lịch sử từ lúc những “vĩ nhân” còn sống tới ngày nay, để chỉ ra rành mạch là các vĩ nhân đã “sai” ra sao, đã “nhầm lẫn” thế nào, đã “võ đoán”, đã “thiển cận”, thậm chí đã “ngu dốt” như ri.

Theo một cách nào đó, những trí thức “trẻ choai” thời hiện đại không bao giờ nhìn nhận ra một thực tế: “thị lực con người luôn là 20/20 khi nhìn ngoái lại những gì đã xảy ra” (perfect hindsight).

Khi bạn đã xem hết bộ phim Avengers: Infinity War, dĩ nhiên bạn có lợi thế hơn những người chưa được xem phim này. Bạn có thể cười khẩy khi thấy một ai đó thốt lên những lời cảm thán về đoạn cuối bộ phim, trong khi bạn thì đã biết tỏng từ lâu và giờ chả còn thấy hứng thú gì nữa rồi.

Nhiều trí thức “trẻ trâu” hiện đại cũng có cái nhìn như thế với một số “vĩ nhân” mà họ không thích.

Những trí thức “trẻ trâu” đó không bao giờ nhìn nhận rằng lịch sử là một cuốn phim liên hồi, và nhiều “vĩ nhân” cùng những triết lý tư tưởng của những “vĩ nhân” đó đơn giản là không hề có được cái lợi thế thông tin, lợi thế tri thức, lợi thế “sinh sau đẻ muộn”, của những trí thức “trẻ trâu”.

Việc làm thiếu thiện ý thứ hai mà những con người thời hiện đại có thể làm với những “vĩ nhân” của lịch sử là xoáy vào các chi tiết đời tư của những “vĩ nhân” đó, chỉ với một mục đích duy nhất là bôi đen danh tiếng, giải thiêng, trần tục hóa những vĩ nhân (vốn thường đã bị tôn thờ quá mức).

Những chi tiết đời tư của các “vĩ nhân” được vạch ra không phải dựa trên một sự thấu hiểu và đồng cảm người-với-người, mà thường là với một sự khoái trá hay đắc ý.

Ẩn trong việc làm thiếu thiện ý này đã là một định kiến: “vĩ nhân” phải là hoàn hảo, là thánh giáng trần không tội lỗi, là lương tâm gương sáng của nhân loại.

Vậy ông “vĩ nhân” này ngoại tình ư? Rồi, “vĩ nhân” cái thá gì chứ! Những kẻ ngưỡng mộ “vĩ nhân” kia, hãy tỉnh ngộ đi!

Giáo sư trường Đại học Queen Mary (Anh) Gareth Stedman Jones đã bằng một phong thái lịch duyệt tránh được cả hai việc làm thiếu thiện ý nêu trên, trong cách ông nghiên cứu và trình bày về một “vĩ nhân” lịch sử đầy tranh cãi – nhà triết học Karl Marx – trong cuốn sách “Karl Marx, Sự Vĩ Đại và Ảo Ảnh” (Karl Marx – Greatness and Illusion) mà Jones viết năm 2016.

Thực tế, Jones có sẵn ba lợi thế trí thức: ông là một giáo sư chuyên nghiên cứu và giảng dạy lịch sử tư tưởng triết học, ông đã nghiên cứu chuyên sâu về Marx từ lâu, đồng thời ông đã luôn luôn từ chối học thuyết “vĩ nhân lịch sử” (Great man theory of history).

Chối từ thuyết “vĩ nhân lịch sử”, Jones đặt Marx về lại một hoàn cảnh nơi chúng ta có thể có cái nhìn khách quan hơn về giá trị của Marx cùng tư tưởng của ông ta: thế kỷ 19 – thời Marx sống.

Bằng một lợi thế cá nhân khác, đó là sự đồng cảm người-với-người, Jones đã nghiên cứu và trình bày kỹ càng nhiều mặt đời sống cá nhân của Marx, không phải để “giải ảo” Marx một cách khoái trá, mà để cho độc giả có thể có nhiều thông tin nhất để nhận ra rằng: Marx đã là một con người với đầy đủ ưu khuyết điểm, như mọi con người bình thường.

Bìa sách “Karl Marx – Sự vĩ đại và Ảo ảnh” của Gareth Stedman Jones. Ảnh: Indian Express.

✅ Phản thuyết “vĩ nhân lịch sử”

Đây là học thuyết cho rằng lịch sử được hình thành từ ảnh hưởng của những vĩ nhân: những con người thông minh, tài giỏi, kiệt xuất tạo ra, hay chí ít là ảnh hưởng đến các dòng chảy của lịch sử.

Những sử gia chống thuyết “vĩ nhân lịch sử” như Jones cho rằng không nên có khái niệm vĩ nhân. Lịch sử đủ phức tạp, đủ tính hên xui, đủ sự bất định để cho mọi giải thích công lao và ảnh hưởng vĩ nhân đều trở nên gượng ép hay áp đặt.

Đồng thời, một số nhân vật trở thành vĩ nhân nhiều khả năng không phải vì họ thực sự vĩ đại theo một tiêu chuẩn luôn đúng trong mọi thời đại nào đó, mà vì họ là những vĩ nhân được dựng lên bởi những thế hệ sau, vì một mục đích chính trị hay tư lợi nào đó.

Jones có một phát hiện thú vị: những ai cho rằng Marx được thần thánh hóa bởi những con người cộng sản cuồng tín tại Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, hay Việt Nam có thể đang rất nhầm.

Việc thần thánh hóa Marx diễn ra ngay từ khi Marx mới qua đời, bởi chính những người đồng hương của ông: người bạn, người đồng chí Friedrich Engels của Marx cùng những đảng viên đảng Dân chủ Xã hội (Social Democratic Party) của Đức, như August Bebel, Karl Kautsky, Eduard Bernstein và Franz Mehring.

Nhiều người chắc tưởng rằng cụm từ “chủ nghĩa xét lại” (revisionism) chỉ là một cái mác do những người cộng sản cuồng tín sáng tạo ra nhằm dán vào bất kỳ ai thể hiện dù chỉ là mảy may sự nghi ngờ dành cho các giáo điều tư tưởng cộng sản linh thiêng.

Thực ra, chủ nghĩa xét lại ra đời tại Đức ngay sau khi Marx mất.

Hồi đó, trong bối cảnh mà các tranh luận chính trị còn tương đối tự do và ôn hòa ở nước Đức cuối thế kỷ 19, đã có nhiều tranh cãi bên trong đảng Dân chủ Xã hội về việc Marx đúng tới đâu và sai tới đâu: nhiều học thuyết của Marx bị giới triết học kinh tế, chính trị thời đó xem là vô lý, không có căn cứ, hay sai lầm.

Trong cuộc tranh cãi đó, nhu cầu bảo vệ hình ảnh của phong trào chủ nghĩa xã hội với Marx được chọn làm hình ảnh “người dẫn đường” đã được đặt làm ưu tiên hàng đầu, cùng với đó là một nỗ lực linh thiêng hóa Marx cùng các tác phẩm của ông một cách có hệ thống, và gạt sang bên lề những phê bình trái chiều.

Khác biệt duy nhất giữa những đảng viên đảng viên đảng Dân chủ Xã hội Đức và những đảng viên cộng sản cuồng tín sau này có lẽ là ở mức độ giữa khoan dung và bạo tàn: những cá nhân “xét lại” trong đảng Dân chủ Xã hội Đức cùng lắm là bị phê bình, cách chức hay đuổi khỏi đảng; còn những cá nhân “xét lại” trong các xã hội cộng sản cuồng tín thì bị thanh trừng, tù đày, hay giết hại.

Các nhà sử học phản thuyết “vĩ nhân lịch sử” như Jones đã luôn phân biệt được hai mặt của cùng một đồng xu: có một “vĩ nhân” được tạo dựng; và có một nhân vật lịch sử khác vốn bình thường, với một khả năng bình thường, và những đóng góp có giới hạn nhất định.

Con đường để phát lộ những nhân vật lịch sử đó là trình bày thân thế và tư tưởng của họ trong chính hoàn cảnh lịch sử khi họ còn sống.


Jones không sa đà vào những tranh luận về thế nào là “chủ nghĩa Marx” qua những lăng kính hiện đại, hay qua những lăng kính từ những người, những phe nhóm tự xưng là “Mác-xít”.

Thông qua các tư liệu gốc từ chính Marx, những người thân cận và những người cùng thời có giao lưu với Marx, Jones đặt ông vào hoàn cảnh thế giới giai đoạn từ ngay trước năm 1818 (khi Marx ra đời) đến vài chục năm sau 1883 (khi Marx qua đời).

Ở đây, lợi thế nhờ nền tảng nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị của Jones được phát huy mạnh mẽ: mỗi một luồng tư tưởng triết học, chính trị, kinh tế, xã hội học, v.v. nào từng ảnh hưởng đến Marx và định hình cái nhìn của Marx khi ông còn sống đều được Jones phân tích cụ thể, với tham chiếu từ chính những tác giả nào mà Marx đã đọc hay đã có giao du trao đổi, học tập.

Chính trong phân tích chi tiết cùng hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó, những khuyết điểm và giới hạn của Marx trong vai trò một nhà triết học đã được Jones phát hiện và giải thích tường tận. Marx có thể là một nhà triết học tốt với một số đóng góp đáng chú ý, nhưng ông không hề là một nhà triết học kiệt xuất “nhả ngọc phun châu” bất tận như những môn đồ cộng sản của ông thường ca ngợi

Marx lúc sinh thời thật sự đã luôn tranh đấu trong những vấn đề tư tưởng của mình với một sự bất an thường trực, rằng những gì ông lập luận hay cổ xúy thật sự là sai lầm, là không khoa học.

Sự bất an, tự nghi ngờ bản thân đó đặt Marx vào một vị trí rất khác nhiều người tự xưng là “Mác-xít” sau này. Những người “Mác-xít” đó tin tưởng một cách tuyệt đối rằng Marx đã biến kinh tế chính trị và triết học lịch sử thành những môn “khoa học” thật sự, nơi mà tính chính xác tuyệt đối có thể đạt được.

Jones chỉ ra một khác biệt khác giữa Marx và giữa những người “Mác-xít” đời sau:

Marx và những lý thuyết gia có ảnh hưởng đến Marx như Lewis Henry Morgan thuộc vào một thế hệ trí thức thời tiền-Darwin, tức là trước khi nhà khoa học Anh Charles Darwin đề ra học thuyết tiến hóa sinh học nổi tiếng.

Marx và thế hệ trí thức thời tiền-Darwin đó không nghiên cứu các xã hội nguyên thủy theo cách nghiên cứu lịch sử tự nhiên (tức là có quan sát thực địa, có phương pháp nhân chủng học) mà nghiên cứu các xã hội nguyên thủy qua các tác phẩm lịch sử kinh điển và các tài liệu Kinh Thánh Thiên Chúa giáo: sử và thần thoại Hy Lạp hay La Mã, các câu chuyện kể trong Kinh Thánh, v.v.

Thế hệ tiền-Darwin này dùng phương pháp so sánh (comparative) để xác định ra những giai đoạn phát triển trong các xã hội từ thời nguyên thủy. Từ cách so sánh lịch sử này, họ tin rằng có thể xác định được một cách khoa học sự phát triển (progress) đi từ cấp thấp lên cấp cao thông qua các thay đổi trong các định chế xã hội như tư hữu tài sản, phương thức sản xuất, tập tục hay luật pháp, v.v.

Trong cái nhìn của thế hệ tiền-Darwin, trong cái nhìn của Marx thế kỷ 19, hoạt động con người (human activity) là nhân tố trọng tâm của phát triển xã hội.

Học thuyết tiến hóa sinh học của Darwin thật sự đã có ảnh hưởng rất lớn lên giới khoa học xã hội. Ảnh hưởng này đủ để tạo ra một thế hệ trí thức khoa học xã hội mới: thế hệ hậu-Darwin.

Trưởng thành cùng thuyết tiến hóa của Darwin nên thế hệ hậu-Darwin này có một cái nhìn rằng các tổ chức xã hội (social organisations) cũng giống những thực thể sống (organic) vốn cũng có khả năng tiến hóa như những thực thể sinh vật.

Các trí thức theo chủ nghĩa xã hội thuộc thế hệ hậu-Darwin này, với đại diện điển hình là Georgi Plekhanov, đã nhìn nhận lịch sử xã hội theo hướng đó: các hình thái tổ chức xã hội không chỉ phát triển, mà còn “tiến hóa”.

Tiến hóa sinh học thì tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Vậy nên sự tiến hóa của các tổ chức xã hội cũng tùy thuộc vào môi trường, chứ không còn tùy thuộc vào chính hoạt động của con người nữa.

Chìa khóa của phát triển xã hội không còn nằm ở chính con người, mà nằm ở môi trường của họ.

Khác biệt tư tưởng là thế, nhưng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa thế hệ hậu-Darwin vẫn đã “kéo” Marx vào chung một “rọ” với mình, bằng cách gán cho Marx một tính “khoa học” tương đương với khoa học tự nhiên của Darwin. Chính Plekhanov đã kết luận rằng:

“Darwin đã thành công trong việc giải quyết vấn đề là các giống loài thực vật và động vật đã có gốc gác từ việc tranh đấu để tồn tại như thế nào. Marx thì đã thành công trong việc giải quyết vấn đề là các hình thái tổ chức xã hội đã ra đời từ những đấu tranh để tồn tại của con người như thế nào. Logic mà nói thì quá trình tìm hiểu của Marx bắt đầu chính xác tại điểm mà quá trình tìm hiểu của Darwin kết thúc.”

Và thế là, một ảo tưởng về “học thuyết khoa học về tiến hóa xã hội” của Marx ra đời, vốn chả hề ăn nhập với những gì Marx đã biết và tin tưởng khi còn sống.

Các nhân vật Karl Marx và người vợ Jenny Marx của mình trong bộ phim “The Young Karl Marx” mới công chiếu hồi năm 2017. Ảnh: Youtube.

✅ Đồng cảm con người

Nếu chỉ nói về cách mà tư tưởng triết học của Marx đã bị các thế hệ sau tự tiện diễn giải và sử dụng một cách bất chấp hoàn cảnh lịch sử và nguồn gốc tư tưởng thế nào, thì cuốn sách của nhà sử học Jones chắc đã có một tựa đề khác.

Nhưng tựa đề, và chủ đề, của Jones là về Karl Marx – con người, chứ không phải về “triết học Marx”, cho nên độc giả không hứng thú lắm với những thứ triết học “căng óc” có thể yên tâm là trong cuốn sách này có rất nhiều những chi tiết ít được biết về con người và đời sống cá nhân Marx.

Tuổi thơ và thời sinh viên của Marx được kể lại với nhiều thông tin chi tiết và thú vị. Ví dụ như về một thuở “mơ làm thi sỹ” của Marx, thời sinh viên nhậu nhẹt với lần thách đấu tay đôi một mất một còn, cách Marx “nổi loạn” chống đối lại những mong đợi từ người cha Heinrich Marx nghiêm nghị nhưng luôn quan tâm đến con mình, v.v.

Trong giai đoạn sau này thì có một số đoạn về cuộc sống gia đình Marx khá cảm động. Như khi đứa con gái út của Marx bệnh chết ở London mà cả nhà nghèo túng đến mức không có tiền mua quan tài cho đứa trẻ, phải đi xin tiền bạn.

Những người làm nghề viết lách có thói quen trì hoãn thì có thể phì cười với một chi tiết: Cảm nghĩ của Engels khi bước vào phòng làm việc của Marx ngay sau khi Marx qua đời năm 1883.

Marx mất trong khi vẫn chưa hoàn thành tập thứ hai trong bộ sách Tư Bản Luận (Das Kapital) lừng danh của ông, và ông đã đảm bảo là ông bạn chí cốt Engels không biết thói trì hoãn này của ông. Engels đã choáng khi nhìn vào đống giấy tờ ghi chép hỗn loạn mà bạn Marx để lại. Viết thư cho một người quen, Engels nuối tiếc: “…Tôi mà biết thế này từ trước thì tôi đã đêm ngày hối thúc ông ấy viết cho đến khi hoàn thành và in sách. Nhưng Marx chắc biết rõ điều đó hơn ai hết.”

Jones không ngại động chạm đến những vấn đề nhạy cảm của Marx: lối sống tiêu xài hoang phí (nhiều khi chỉ để tỏ ra với thiên hạ rằng mình cũng là tư sản thị dân); thói phân biệt chủng tộc ngấm ngầm (chỉ nói những lời khinh miệt chủng tộc trong thư từ riêng với bạn thân như Engels); thái độ ích kỷ, đắm chìm trong những khốn khổ bản thân của Marx (bạn già Engels mới mất vợ bèn viết thư báo, Marx hồi âm lại chả an ủi bạn gì chỉ than nghèo kể khổ để… xin thêm tiền trợ cấp từ ông bạn giàu); nghi vấn rằng Marx đã ngoại tình với một người hầu gái bất chấp việc có một người vợ trung thành luôn đồng cam cộng khổ với mình là Jenny; v.v.

Nhưng cách Jones kể những câu chuyện nhạy cảm đó là kể bằng một giọng bình thản, và với một sự thẳng thắn đối chiếu những nguồn đối lập nhau để đi đến một nhận định rằng những câu chuyện đó đáng tin thế nào, và cho ta thấy gì về Marx như một con người bình thường qua góc nhìn đa diện.

Qua trình bày của Jones, những người vốn lâu nay có một cái nhìn tương đối thần tượng Marx có thể sẽ có một số thất vọng, nhưng đó có lẽ sẽ là những thất vọng nhẹ nhàng.

Các chi tiết con người và đời sống cá nhân đó cũng đóng một vai trò quan trọng trong các giải thích của Jones về các chuyển biến tư tưởng của cá nhân Marx qua các thời kỳ. Con người cá nhân Marx và con người triết học Marx được hòa quyện với nhau tương đối hài hòa trong các diễn giải của Jones.

• • • 

Nếu có thể có một phàn nàn về cuốn sách “Karl Marx – Sự Vĩ Đại và Ảo Ảnh”, thì đó chính là dung lượng của nó. Cuốn sách dày hơn 700 trang này có 1.685 trích dẫn và chú giải (phần trích dẫn, chú giải đã chiếm 1/5 cuốn sách). Các chú giải này cũng cần đọc kỹ vì đó là nơi tác giả Jones đưa ra thêm nhiều chi tiết, và giải thích thêm nhiều điểm đáng chú ý.

Độ dày, số lượng choáng ngợp về chi tiết, và những giải thích tương đối dài dòng về lịch sử phát triển tư tưởng triết học phương Tây của cuốn sách có thể làm nản lòng nhiều người đọc bình dân.

Ở một khía cạnh khác, thái độ trung dung và cách viết có chiều hướng đồng cảm của Jones có thể làm phiền lòng những độc giả nào mong muốn có một đánh giá sắc lạnh rõ ràng về Marx. Nó cũng khiến cho cuốn sách dễ bị chỉ trích từ cả hai bên: bên ngưỡng mộ, và bên căm ghét Marx cùng các tư tưởng của ông ta.

Nhưng biết đâu, đối với một nhân vật “triệu người mê, triệu người thù” như Marx, một cái nhìn lưng lửng đâu đó lại cần thiết cho cả hai bên.

Nam Quỳnh (Luật Khoa tạp chí)
Về đầu trang