Khi mạng xã hội ra đời (mạnh lên từ 2008), chúng ta biết nhau nhiều hơn, nhưng cũng mệt mỏi với nhau nhiều hơn, vì có quá nhiều lời than trách, đòi hỏi người khác, còn chính mình thì không trưởng thành, không chủ động gánh trách nhiệm dấn thân hơn.
Cứ mỗi khi có những sự cố nghiêm trọng trong xã hội Việt Nam dù có liên quan trực tiếp đến Giáo hội Công giáo hay không thì tức khắc các Đấng bản quyền (các Đức giám mục) lại bị kêu réo, chất vấn và lên án cách bất công, mà đôi khi người lên án không hề biết hết câu chuyện mình lên án.
Vào cuối năm 2011, tại nhà ăn của Hạ viện Hoa Kỳ, khi tôi đang dùng trưa tại đó, qua sự giới thiệu, ông giám đốc Tự do tôn giáo quốc tế của Hạ viện đến nói chuyện cùng tôi. Ông ấy được nghe giới thiệu tôi là linh mục ở Việt Nam sang, nên liền nói "tôi quen Đức hồng y Phạm Minh Mẫn".
Tôi hỏi: Ông làm việc với Đức hồng y Mẫn thấy thế nào?
Ông ấy trả lời: Tôi hỏi Đức hồng y Mẫn, để Việt Nam tốt hơn, cần phải làm gì? - sau đó ông giám đốc nói tiếp - Đức hồng y Mẫn cho biết, để giải quyết việc phát triển Việt Nam, ở Việt Nam phải có ngay tự do tôn giáo, tự do báo chí và quyền tư hữu đất đai.
Nhắc lại chuyện cũ liên quan đến mình đôi khi không hay, nhưng ở đây tôi muốn làm chứng rằng có những lúc chúng ta đối xử bất công với người khác, nhưng vẫn cứ tỏ ra là công chính.
Nhiều người quên vai trò hay cố tình cào bằng vai trò của lãnh đạo, quản trị, điều hành và trực tiếp làm.
Lãnh đạo chỉ đưa ra những đường lối quan trọng, có khả năng duy trì lâu dài nhằm phát triển bền vững, chứ không phải chuyện to chuyện nhỏ gì cũng đưa ra ý kiến nhận định hay đường lối, vì như thế sẽ rối loạn, không ai biết điều gì mới thật là đường lối. Còn quản trị là những người cụ thể hóa đường lối bằng kế hoạch, cũng có tính lâu dài, ít là 1 năm, vừa là 3 năm, dài là 5 năm. Điều hành là những người đưa ra thời khóa biểu, quyết định áp dụng giải pháp kỹ thuật, có cách giám sát và thúc đẩy hoạt động. Và những người làm trực tiếp và hoàn thành công việc cụ thể mà mình tự nguyện nhận hay được phân công hay được thuê mướn.
Các Đấng bản quyền, theo ý kiến cá nhân của tôi, là những người lãnh đạo, do vậy các ngài có bổn phận đưa ra đường lối cho Giáo hội và mời gọi các thành viên khác trong xã hội tham gia vì công ích cộng đồng. Và các ngài đã làm tròn trách nhiệm đó. Từ năm 1980 đến nay, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn kiện về các vấn đề xã hội.
Về đất đai, các ngài đã viết: "Luật đất đai hiện hành, vừa đi ngược tự nhiên, vừa không tôn trọng Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Ðó là nguyên nhân của khoảng 80% các khiếu kiện trong nước. Các vụ khiếu kiện này đã đi từ khiếu nại cá nhân đến khiếu kiện tập thể; từ khiếu kiện bằng đơn từ đến tập họp phản đối và nay là dùng vũ khí chống lại việc thu hồi đất".
Về pháp luật, các ngài đã viết: "Hiến pháp và pháp luật của mỗi quốc gia phản ánh tính đặc thù và cá biệt theo truyền thống văn hóa dân tộc mình, nhưng cũng không vì thế mà bất chấp những chuẩn mực pháp lý quốc tế. Việt Nam có một hệ thống pháp luật đồ sộ, nhưng không hiệu quả từ lập pháp đến hành pháp, vì thiếu sự công khai, minh bạch, và nhất là thiếu sự độc lập về tư pháp.
Việc áp dụng luật pháp chưa nghiêm minh và tùy tiện, nhất là ở cấp địa phương, đã dẫn đến những oan sai và đôi khi đẩy người dân đến bước đường cùng. Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định các thủ tục bắt người; vậy mà trong một số trường hợp, vẫn có các công dân bị bắt sai trái với các quy định của bộ luật ấy, cũng như với các tuyên ngôn và công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia".
Hoặc văn bản mạnh mẽ, rõ ràng và gần đây là Nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016.
Trong chừng mực nào đó, tôi cho rằng những định hướng của lãnh đạo Giáo hội Công giáo đã quá công khai và rõ ràng. Vấn đề là vai trò của những người quản trị, điều hành và trực tiếp làm đã làm gì? Cứ ở mãi trong tình trạng đứa trẻ không trưởng thành hay sao? Hay sống trong chế độ bị tước sạch quyền, nên đến mức không thể chủ động làm điều gì, mà việc gì cũng phải đợi người ta cầm tay chỉ việc?
Thật sự quý vị còn muốn chỉ dẫn thêm điều gì ở những chiều kích nào của xã hội Việt Nam? Nếu thấy đã đủ thì hãy gánh trách nhiệm mà làm đi, đừng theo thói đời lên án người khác.
Lm. Antôn Lê Ngọc Thanh, CSSR.