Trong cuộc gặp riêng 40 phút, cả hai nhà lãnh đạo Nam-Bắc Hàn “nhắc đến Việt Nam rất nhiều lần”
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngỏ ý muốn áp dụng chính sách Đổi Mới của Việt Nam trong một buổi trò chuyện riêng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4, một quan chức cấp cao dấu tên tiết lộ cho truyền thông Hàn Quốc.
Trong suốt cuộc gặp 40 phút trò chuyện riêng trong suốt 12 tiếng hội đàm bàn luận tại làng biên giới Bàn Môn Điếm, ông Kim nói ông Moon rằng ông thích mô hình mở cửa của Việt Nam hơn Trung Quốc.
“Cả hai nói rất nhiều về Việt Nam,” vị quan chức này nói với tờ Maeil Business News Korea.
Nguồn tin này nói rằng Bắc Hàn đã nghiên cứu kỹ lưỡng cải cách kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam cho thấy có nhiều không gian tự do hơn Trung Quốc và vẫn giữ được mối quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ.
Bia Bắc Hàn: Nước này đã có những hoạt động ít nhiều mang tính kinh tế kiểu thị trường
Vị quan chức này nói “Kim Jong-un (vẫn còn trẻ) và có mong muốn trở thành nhà lãnh đạo Đông Á. Để làm điều đó, anh ta nghĩ yếu tố kinh tế là điều quan trọng nhất.”
Ông Kim hi vọng cho một sự tiến bộ đáng kể trong nền kinh tế Bắc Hàn và nghĩ mô hình của Việt Nam là hợp lý hơn.
Vì ông tin rằng mối quan hệ cải thiện với Hoa Kỳ là chủ chốt để thu hút đầu tư nước ngoài, ông Kim dự kiến sẽ thảo luận phương pháp mở cửa của Việt Nam khi đàm phán kế hoạch phi hạt nhân hóa với Tổng thống Donald Trump trong cuộc hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra trong vài tuần tới, quan chức này nói.
Ông Hong Seok-Hyun, đặc sứ của Tổng thống Moon Jae-in đến Hoa Kỳ vào năm 2017 vừa có bài đăng trên tờ Washington Post tiêu đề “Vì sao tôi có hi vọng vào Bắc Hàn”.
Ông Hong viết, “Sự thay đổi trong tâm ý của ông Kim có thể xuất phát từ việc nhận ra rằng chừng nào anh còn nắm giữ vũ khí hạt nhân, việc phát triển kinh tế sẽ còn rất khó khăn.”
“Chỉ tháng trước, Kim đã thay đổi chính sách theo đuổi vũ khí hạt nhân cùng với phát triển kinh tế để tập trung hoàn toàn vào việc thúc đẩy nền kinh tế.”
Bắc Triều Tiên đang thử nghiệm với nền kinh tế thị trường và đã có hàng trăm chợ buôn bán theo kiểu jangmadang.
Ông Hong Seok-hyun xác nhận mong muốn của ông Kim để đạt được sự tăng trưởng kinh tế như Trung Quốc và Việt Nam có thể là một nhân tố khác, đưa đến chính sách tan băng.
✅ Việt Nam “sẵn lòng giúp đỡ” Bắc Hàn
Bình luận với BBC hôm 8/5, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói ông “không ngạc nhiên” khi Bắc Hàn có ý muốn áp dụng chính sách mở cửa và tái thiết năm 1986 của Việt Nam.
“Bắc Hàn đang đứng trước nhu cầu phải đổi mới, phải cải cách để thể phát triển tốt hơn và tôi nghĩ việc ông Kim Jong-un muốn nghiên cứu kinh nghiệm Đổi Mới của Việt Nam là một điều đúng đắn và cần thiết.”
“Việt Nam có thể chia sẻ rất thẳng thắn và chân thành về những kinh nghiệm tốt và chưa tốt trong công cuộc cải cách”.
Vị nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam nói:
“Kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đã mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đa dạng hóa đa phương hóa mối quan hệ với quốc tế, nên thu hút được đầu tư nước ngoài.”
Nhưng ông khuyên Bắc Hàn rằng, cải cách kinh tế nên đi kèm cải cách thế chế - một kinh nghiệm xấu của Việt Nam.
“Việt Nam hiện nay đang chậm trong việc cải cách thể chế, trong việc phát huy tốt nguồn nhân lực, chưa phát triển kinh tế tư nhân đúng như tiềm năng của Việt Nam, nhưng những điều đó ông Kim Jong-un có thể rút kinh nghiệm, không cần phải mắc những sai lầm đó.”
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Bắc Hàn khen ngợi chính sách Đổi Mới của Việt Nam.
Cha ông Kim Jong-Un, ông Kim Jong-il từng nhiều lần khen ngợi chính sách này của Việt Nam khi còn sống.
Một báo cáo cách đây 11 năm cho thấy, Kim Jong-il, lúc sinh thời đã rất quan tâm đến mô hình Đổi Mới của Việt Nam, theo tờ Korea Times.
Ông Kim Jong-il thể hiện quan điểm trên khi tiếp đón Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh ở Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2007.
“Lãnh tụ Kim đánh giá cao về những thành tựu mà chính sách Đổi Mới Việt Nam đã làm được 20 năm qua khi gặp với Tổng bí thư Mạnh,” nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao được dẫn lời.
Cải cách của Hà Nội thường được nhắc đến như một mô hình cho nền kinh tế kém phát triển của Bắc Hàn để noi theo.
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ Christopher Hill khi đó nói rằng Bắc Hàn nên “tiếp bước theo cách mà Việt Nam đã làm rất tốt.”
BBC