Hình: Có nhiều ý kiến trái chiều sau việc GS Trương Nguyện Thành rời Hoa Sen.
Sau một năm ở Mỹ, Vịt Bầu thi vào chương trình Lãnh đạo trẻ của Phòng Thương mại Mỹ tại khu vực con đang học trung học. Một kỳ thi có 2 vòng. Ban giám khảo gồm khá nhiều thành phần, có cả các nhà giáo và các nhà kinh doanh Mỹ. Và họ hỏi con một câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời: "Vì sao con lại muốn học để trở thành lãnh đạo?"
Vịt Bầu suy nghĩ nhanh và đáp rằng: "Con nghĩ làm lãnh đạo là trách nhiệm của con ở bất cứ cộng đồng nào con sinh sống, cho dù con là người nơi khác tới." Đây là một câu trả lời nhận được sự đồng tình của Ban giám khảo. Và sau đó, Vịt Bầu được tham dự chương trình này trong 1 năm.
Câu chuyện này cho thấy tư duy làm lãnh đạo ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới rất khác Việt Nam. Làm lãnh đạo trách nhiệm, là cần thiết, là quan trọng, và là hữu ích nếu như làm nghiêm túc, đàng hoàng và tử tế. Làm lãnh đạo không phải là tham vọng xấu xa gì cả. Ngay cả một đứa bé học trung học như Vịt Bầu cũng học được điều này, thì nói gì một giáo sư tiến sĩ có tài như ông Trương Nguyện Thành.
Có không ít ý kiến cho rằng sao ông Thành không ráng ở lại Việt Nam cống hiến nữa? Tại sao chỉ vì không có chức vụ hiệu trưởng mà ông bỏ đi? Cống hiến thì cần gì chức vụ?
Tôi tôn trọng các ý kiến khác biệt này, song tôi thấy không đồng tình. Vì thực ra ông Thành đã về Việt Nam hàng chục năm để cống hiến với vai trò giáo sư thông thường. Ông đã từng làm hiệu phó đại học Hoa Sen. Những gì làm tốt nhất trong các vai trò này ông đã nỗ lực hết mình. Nếu không vì sao trường Hoa Sen, vốn nổi danh vì trước đây lục đục nội bộ lại có 16/18 phiếu bấu ông làm Hiệu trưởng.
Nếu ông Thành trở thành hiệu trưởng, có lẽ ông là giáo sư tiến sĩ Mỹ đầu tiên làm hiệu trưởng 1 đại học tư thục ở Việt Nam. Và những gì trong suốt mấy chục năm đời ông đã học hỏi được từ nền giáo dục Mỹ sẽ đem lại cho trường Hoa Sen những cải cách tốt đẹp. Với cương vị này, ông có thể tạo ra cả dàn giáo sư và giảng viên giỏi, chương trình học tập tiến bộ và đào tạo ra các sinh viên là nhân tài cho đất nước.
Nếu ông được Chính phủ mời làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi tin các vấn nạn tệ hại của nền giáo dục nước nhà sẽ được thay đổi. Ít nhất thì ông không hề nói ngọng và bằng của ông là thật, là một người Việt Nam có tư cách đàng hoàng. Nội chỉ có một nhà lãnh đạo mẫu mực đã khiến cho các thày tốt, trò tốt cảm thấy tin tưởng và tiến lên, còn những kẻ xấu phải sợ hãi và chùn bước.
Việc ông thất vọng khi không thể trở thành Hiệu trưởng đại học và quay về Mỹ là đúng. Ít nhất bức thư và sự từ chối của giáo sư Thành đã tạo ra một làn sóng về việc tại sao chúng ta không nâng niu và trân trọng nhân tài cho giáo dục đang nát bấy của nước nhà? Tại sao không thay đổi các quy định cứng nhắc, sai lầm? Và cái ngành giáo dục của chúng ta đang rất cần không chỉ là thày giỏi, mà quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo kiệt xuất có thể làm thay đổi chất lượng giáo dục.
Vì vậy tôi ủng hộ giáo sư Thành và mong các bạn hãy cùng ủng hộ việc thu hút nhân tài về cho ngành giáo dục nước nhà. Và mong trên đừng rải thảm dưới thì rải đinh nữa.
Nguyễn Thị Bích Hậu