Đây có phải là một buổi biểu diễn âm nhạc mà ca sỹ đang nhập tâm vào ca khúc của mình hay không? Có một vị khán giả là người Mỹ và cả những người đàn bà khác đang cùng khóc lóc cho sự tuyệt diệu khi nghe người phụ nữ cầm mích cất vang giọng hát sâu lắng và nghẹn đắng của mình?
Không. Đó là những người dân mất đất, mà nói thẳng ra, đó là bị cướp một cách trắng trợn và vô pháp bởi một đám lưu manh nào đó để chúng có thể sở hữu hàng chục ngàn tỷ đồng trong khi hàng trăm, ngàn hộ dân ở đây phải sống cảnh khốn cùng, phải lay lắt vạ vật và nay đây mai đó, hàng chục năm ròng rã đi khiếu kiện khắp nơi để tìm lại quyền lại chính đáng cho mình và gia đình.
Trong đó đặc biệt phải kể đến một người đàn ông có quốc tịch Hoa Kỳ đã kiên trì đấu tranh cùng những người dân ở Thủ Thiêm để đòi lại những gì thuộc về họ mà đã bị cướp mất: ông tuyên bố sẽ tranh đấu đến cùng trước mọi bất công mà bà con ở đây đang gặp phải, mặc dù riêng trường hợp của ông đã được đền bù thoả đáng và nếu với tâm lý của đa phần dân Việt trong xã hội hiện nay thì ông đã có thể về Mỹ để sống yên ổn đời mình với kiểu “việc của mình đâu mà bận tâm” hay “hơi đâu mà lo chuyện bao đồng”. Người Mỹ được giáo dục sống phải biết bảo vệ lẽ phải và tất cả những gì tốt đẹp thuộc về con người, không thoả hiệp hay sẽ thoái lui trước các sai trái, bất công hoặc những hành động vô pháp luật, đặc biệt là từ phía chính quyền. Một đứa trẻ ở những quốc gia này đã luôn được chỉ dạy và nhắc nhở phải quan tâm đến chính trị và sẵn sàng lên tiếng như một nghĩa vụ trước bất kể ai hay mặc cho người đó ở bất kể vị thế quyền lực nào.
Những người dân ở Thủ Thiêm vẫn còn may mắn hơn vì chưa rơi vào cảnh của những người dân kiểu như Hiến ở Đăk Nông, như ông Vươn ở Hải Phòng đã phải nổ súng phòng vệ khi bị dồn đến bước đường cùng hay cũng chưa đến mức như bà Thêu ở Dương Nội (Hà Nội) mà cả gia đình phải tù đày cùng hàng trăm hộ gia đình ở khu này tan nát sau dự án, hay cũng chưa đến mức bi đát như những hộ dân ở Văn Giang với bao cảnh khốn cùng - bởi chúng chưa dám trắng trợn và cũng không dùng đến bạo lực để chiếm đoạt đất (thông qua thu hồi) của dân.
Những giọt nước mắt của những người mang danh là người chủ đất nhưng phải vật vã xin được trở về cư trú trên những mảnh đất bị cướp mất, và họ cũng phải gào thét trong tuyệt vọng với vai trò là những cử tri (người chủ quyền lực nhà nước) trước những “đại biểu nhân dân” của mình.
Những kẻ là chủ, hay là những thân phận bị nô đày với hư danh về vị thế được gắn phong cho?
Ls. Lê Luân