Tin liên quan:
✔️ Thời kỳ gì đây?
✔️ Hiệp sĩ đường phố là ai mà thực thi công lực?
✔️ Cộng sinh - sinh ra từ cộng
✔️ Hiệp sĩ
✔️ Không tìm cách chặn từ nguồn cơn, có bao nhiêu hội hiệp sĩ cũng không đủ…
✔️ Hiệp sỹ, anh là ai? Công an, anh là ai?
✔️ Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí
Anh đang hồi phục, bác sỹ nói vậy. Những vết chém đã được băng bó, máu không chảy nữa, chỉ vài tuần là liền sẹo, vài tuần là anh sẽ ra viện về nhà. Giữa trang báo là chân dung anh, mắt mở bất động, gương mặt thất thần. Như thể trong anh vẫn còn vết thương sâu, như thể nó không ngừng tuôn máu.
Anh sẽ sống, dù chỗ đau đó làm anh không còn Vân Tiên nữa. Ông già nói vậy, sau khi uống cạn ly trà đá mà ông tự thưởng cho mình. Xấp báo trên rổ xe ông đã vơi đi nhanh, sáng nay ai ai cũng quan tâm theo dõi tình hình sức khỏe của mấy anh Vân Tiên vì can thiệp chuyện bất bình trên phố mà thọ nạn. Ông già có kiểu nghĩ không giống mấy tờ báo mà ông bán, báo nói đó là những Lục Vân Tiên dũng cảm, những tấm gương nghĩa hiệp, cần học hỏi và nhân rộng. Ông chỉ ngậm ngùi, họ là Vân Tiên mấy ngày trước đây thôi, giờ họ chỉ là những người bình thường, Vân Tiên mất rồi. Con không tin à, vậy chú hỏi, Vân Tiên của con sáng nay đâu?
Tôi ngậm viên đá nhỏ trong miệng, nghe từng cái lạnh nhỏ từng giọt buốt cả gót chân. Tôi lục lọi mà không thấy Vân Tiên của mình nữa. Vài ngày trước, khi đọc cái tin sáng bàng hoàng, tôi đã bảo lòng, sau này khi gặp kẻ ác trên đường, mình sẽ dửng dưng đi qua, mình chỉ níu chân chúng lại khi biết chắc rằng, cái khăn đi nắng đã che mất mặt mình, và sau lưng mình có hàng trăm người giúp sức. Trời ơi, chính cái ý nghĩ rúm ró đã khiến trong tôi không còn Vân Tiên. Chàng cương trực và dũng mãnh, nhưng chàng cũng nhạy cảm, khi phát hiện ra, tôi chọn sống hèn.
Nhưng cái người đàn ông băng trắng toát giữa trang hai của tờ nhật báo kia, làm thế nào mà ông già bán báo biết anh không còn Vân Tiên nữa. Ông già cười buồn, “Bói chơi thôi. Phải trải đời, có đau thì mới hiểu. Con sống ít quá…”. Tôi bực mình, hỏi vặn lại, con làm sao chú mới chịu là sống nhiều, con phải là cái anh trên báo này, chịu bị dí chém mới được à. Ông già bao dung nheo mắt, trả lời gọn lỏn, “ừ!”.
Nói rồi ông cọc cạch đạp xe đi, xấp báo run rẩy đằng trước, lưng cong khẳm trên con đường ròng ròng nắng. Người bạn ngồi cạnh tôi ngậm ngùi, “mười sáu năm trước, ông già này là thầy tôi…”. Không riêng mình anh, một nửa thị xã nhỏ nhắn này gọi ông già bằng thầy, một ông thầy rất dịu dàng, dạy giỏi, nhớ dai. Và do nhớ dai nên thầy biết cái vách quán cơm sườn của vợ anh hiệu trưởng chính là những mảnh mặt bàn trong mấy cái lớp học nghèo, đã bị cạy mất. Người ta bào gọt kỹ càng những chỗ tèm lem mực, nguệch ngoạc nét chữ học trò nhưng những tấm ván vẫn còn nguyên khổ ngang, dọc, và vết đinh nham nhở.
Thầy nói chuyện này trong bữa họp, và nhận được mấy cái vỗ bàn giận dữ của anh hiệu trưởng. Đồng nghiệp xung quanh im lặng. Bạn bè can, “trời ơi, của trường là của nhà nước mà, hơi sức đâu ông lo…”.
Thầy viết cái đơn tố cáo lên phòng, hai tháng sau nhận lại một quyết định nghỉ việc. Thầy kiến nghị lần hai, lần ba, lần nữa, rồi một bữa thầy nhận ra những lá đơn viết bằng những tâm huyết, phẩn uất của mình đang được quán ăn sáng của ông hiệu trưởng dùng để gói… bánh mì. Hoặc họ không gói bánh mì nhưng họ để cho thầy thấy họ gói bánh mì. Thầy bỏ cuộc. Mười mấy năm, mưu sinh trên đường, nắng gió đã làm phai đi cái danh xưng thầy giáo. Với tôi, ông là Ông Cà Rem, là ông Tàu Hủ, ông Đậu Nành, giờ thì ông Bán Báo.
Vân Tiên trong ông cũng không còn. Tôi nhớ ra điều đó khi ông già tàn tạ và chiếc xe tàn tạ đã rẽ vào một ngã đường khác. Trong mỗi người đều có một Vân Tiên, nhưng bằng cách nào đó, người ta đánh mất chàng, hay chàng đã bỏ đi, biệt tăm mù mịt. Tôi cúi nhìn vào cái ảnh anh nằm bên cái bằng khen, bên những bàn tay chìa ra tin cậy, bên những lời nhắn nhủ động viên. Tôi cảm giác tất cả những cái đó như liều thuốc giảm đau, hơi muộn màng. Khi nhát dao đầu tiên xé ngọt trên vai, thì anh đã không còn Vân Tiên.
Từ bây giờ, để đối đầu với cái ác, anh phải vượt lên nỗi ám ảnh đau đớn của da thịt bị đao kiếm xé rách. Còn một ám ảnh dai đẳng nữa, là sự thất vọng, tuyệt vọng khi nhận ra cái tốt sao mà nhỏ nhoi, lẻ loi, yếu đuối, cô đơn vậy. Công lý sao mà chậm chạp, nhợt nhạt vậy. Làm người tốt sao mà khốn khổ vậy, “ở hiền gặp lành”, phải chăng chỉ là sự lừa mị của mấy ông bà già xưa?!
Vân Tiên đã mất, liệu còn quay lại trong anh, trong tôi, trong ông già bán báo từng là thầy giáo?!
Tôi tin vào một câu trong kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” của tác gia Hoàng Hữu Đản “con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị ám hại vì lẽ phải đó, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi là Thiên chức của con người”.
Có thầy thuốc nào, giùm ơn băng bó lại vết thương trong suốt không thấy được bằng mắt thường kia, để cứu Vân Tiên.
Chàng có thể bỏ đi, nhưng chàng không thể chết.
Nguyễn Ngọc Tư
Tin liên quan:
✔️ Thời kỳ gì đây?
✔️ Hiệp sĩ đường phố là ai mà thực thi công lực?
✔️ Cộng sinh - sinh ra từ cộng
✔️ Hiệp sĩ
✔️ Không tìm cách chặn từ nguồn cơn, có bao nhiêu hội hiệp sĩ cũng không đủ…
✔️ Hiệp sỹ, anh là ai? Công an, anh là ai?
✔️ Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí