Tin liên quan:
✔️ Rau “sạch” trên những vùng đất... chết
✔️ Có đi, mới thấy…
✔️ Có điều gì đó kinh khủng ở phía sau...
✔️ Chúng ta đang tự đốt nhà mình
✔️ Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, điểm bắt đầu của một thảm họa khác...
✔️ Mẹ Maria vẫn đang che chở Đông Yên như đã từng che chở. Mẹ vẫn hiện diện là “Nữ Vương Quyền Phép!”
Lúa ở Ba Tri, Bến Tre chuyển màu đỏ do nhiễm mặn.
– Anh ơi, cho em hỏi ủy ban phường mình ở đâu, em định đi chứng giấy tờ để xin việc mà không biết chỗ.
Tôi nhìn ra cửa, là anh hàng xóm, mới chuyển tới phòng trọ sát bên. “Anh ra đường lớn quẹo trái, gặp ngã tư…”, tôi chỉ đường, tiện thể chỉ luôn tiệm photo đối diện ủy ban và quầy số sáu là nơi công chứng bản sao. Anh gật gù, mặt đầy căng thẳng, vẻ mặt thường thấy của những con người vừa đổi nơi sinh sống, lại cách xa nhà mấy trăm cây số. Chiếc xe Wave cũ biển số miền Tây chạy đi vài mét, anh chững người lại, ngoái đầu cảm ơn.
Chiều tối, tôi đang nấu cơm, anh đứng ngoài cửa kêu, cho hai con cá khô, cảm ơn chuyện khi sáng. Thì có gì đâu, cùng cảnh xa nhà mà, ơn nghĩa gì. Tôi từ chối cho có lệ, bởi dù gì chỉ là hai con cá, với lại cũng đang thèm cá khô, tôi cảm ơn ngược lại anh. Anh bảo sáng công chứng xong giấy tờ cho hai vợ chồng, rồi quay về rước vợ đi đến công ty xin việc. Hai tuần trước, em họ của anh gọi về bảo công ty nó đang mần tuyển người, kêu hai vợ chồng lên đây.
– Vậy trước đây anh làm nghề gì ở quê?
– Đi ghe giăng lưới đó anh, mà giờ không được như hồi xưa, rồi mấy đứa nhỏ ngày càng lớn, bà già có tuổi rồi nên giờ ở nhà trông cháu, tụi em lên đây mần.
Anh kể, mắt nhìn ra đường như tập làm quen với nơi chốn mới.
– Chừng nào hai vợ chồng đi làm, cách đây xa không?
– Sáng quên nhìn côngtơmét, mà đi cũng hai mươi phút đó anh, trên này đông xe quá, sáng mai tụi em đi làm luôn.
Vợ anh lên, gật đầu chào tôi, kêu chồng về ăn cơm. Tôi vào nhà chiên hai con khô, nghĩ có lẽ đây là một trong những tài sản ít ỏi mà vợ chồng anh gói ghém mang theo. Khô thật mặn.
Sáng sớm hôm sau, khi tôi còn đang dựa cửa lướt điện thoại đọc báo, hai vợ chồng anh đã đi ngang. “Đi sớm để phòng bị lạc với tránh kẹt xe, ông em họ khuyên như vậy, thôi em đi nha anh” – Anh nói. Tối qua tôi không để ý gương mặt chị vợ, giờ mới nhìn rõ. Chị có nét đẹp, nhưng gương mặt khắc khổ hơn anh chồng, vết chân chim cũng đã đua nhau hằn sau đuôi mắt.
Chiều tối, công việc đầu tiên của hai vợ chồng khi về đến phòng là gọi điện cho hai đứa con gái. Anh cười suốt, rồi đưa điện thoại cho chị, chị nói hai ba câu là lại khóc.
Có mấy tối tôi đi ngang qua phòng vợ chồng anh chị, thấy hai người sau khi gọi điện về quê lẫn cơm nước đã xong xuôi, một người thì nằm thất thần ra đó, một người thì… cũng nằm yên. Căn phòng chỉ gần chín mét vuông nhưng rộng thênh thang, bởi chẳng có đồ đạc gì ngoài cây quạt. Tô, chén, đũa, muỗng, chảo, nồi, rương quần áo, tất cả đều cũ. Tôi chỉ liếc qua thật nhanh nhưng lại thuộc làu vật dụng trong phòng anh chị bởi vì cũng chẳng có gì nhiều.
Một chiều chủ nhật vài tuần sau, vợ chồng anh cùng người em họ đi hóng gió sông. “Thằng em nói hồi trước mỗi lần nhớ nhà là nó đi ra bờ sông, giờ vợ chồng em cũng bắt chước” – Anh dừng xe, vừa nói vừa cười, rủ tôi đi cùng.
Vợ chồng anh im lặng nhìn chăm chăm dòng sông.
– Ở đây ít ghe hay là người ta đi ghe về rồi – Vợ anh hỏi, như một lời bâng quơ.
– Ở đây ít ghe đi câu lắm chị à, chỉ có xà lan chở cát, chở đá thôi – Cậu em họ nói.
Tôi hỏi:
– Dưới quê đi ghe đánh cá gặp khó khăn lắm hả anh chị.
– Có mấy đợt, nước sông mà xanh như nước biển, anh tin không?
“Anh tin không?”, với cái giọng trầm buồn còn trong cổ đấy, tôi nghĩ câu hỏi đấy không dành cho tôi, mà anh đang dành cho chính bản thân mình.
– Người của ủy ban, của sở, rồi của mấy đại học xuống nói với người dân là do biến đổi khí hậu gây xâm nhập mặn, rồi thêm nữa, ít phù sa về do đang có quá nhiều nhà máy thủy điện trên thượng nguồn Mekong. Mấy cái đó báo đài nói lâu rồi, ai không biết, quan trọng là biết để làm gì – Anh tiếp tục nói, giọng nửa trách, nửa than.
– Biết để mà lên thành phố làm công nhân chứ làm gì – Em họ của anh nói chen vào. Cả bốn người cười, nhưng ngượng ngập.
Vậy giờ đây, dưới miền sông nước đó, còn những ai. Tôi thầm nghĩ. Bỗng nhớ đến vài năm trước, lúc còn là sinh viên, tôi về chơi nhà thằng bạn ở miền Tây.
– Xuống đây kiếm vợ, có cô nào không giới thiệu cho tao với – Tôi đùa.
Thằng bạn cười, quay sang bà ngoại:
– Ngoại ơi, bạn con nó muốn kiếm vợ miền Tây, ngoại quen ai làm mai cho nó đi.
– Mấy đứa trẻ trẻ nó lên thị trấn hay thành phố mần hết rồi con ơi, đi ghe thì tụi nó chê là không đủ ăn, trồng lúa thì tụi nó sợ mất mùa.
– Nói gì mấy đứa trẻ trẻ, bốn mươi tuổi mà còn sức thì vẫn đi như thường. Ở đây chỉ còn mấy ông bà già này thôi – Bà cụ hàng xóm ngồi gần đó nói thêm vào.
Lúc đó tôi chỉ cười, chưa biết được mớ phức tạp đằng sau.
Vậy là, bà ngoại của thằng bạn tôi, người mẹ già và hai đứa con nhỏ của vợ chồng anh hàng xóm, gia đình của những người di cư miền Tây tôi từng quen biết…, đều là nạn nhân của một thứ gì đó mà họ không gọi được tên. Nạn nhân của những dòng sông phù sa nhưng xanh như nước biển.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây xâm nhập mặn, là do con người đốt ồ ạt nhiên liệu hóa thạch để vận hành các loại máy móc sản xuất phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng không đáy. Thủy điện liên tục được xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong. Thông tin trên báo đài cũng dự báo lượng phù sa về hạ nguồn sẽ ngày càng ít, nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, và bờ sông không có phù sa bồi đắp sẽ ngày càng sạt lở nhiều hơn, thậm chí khiến đồng bằng tan rã trong nước biển.
Chỉ riêng cái xóm trọ tôi đang ở đã có gia đình anh công nhân quê ở Trà Vinh, dạt lên thành phố vì rẫy dưa leo chết khô do hạn hán. Vụ lúa gẫy đổ vì mưa lớn mấy ngày liền khiến cặp vợ chồng người Tiền Giang phải gởi đứa con nhỏ sang nhà dì mà lên đây, người làm thợ xây, người đi giúp việc nhà; và hai vợ chồng bỏ nghề đi ghe giăng lưới mà tôi mới vừa quen…
Sông nước mênh mông cưu mang người miền Tây bao đời nay đang dần chết, khiến những người con lao đao, xa xứ.
Dòng sông phù sa nhưng nước xanh như nước biển, tôm cá không sống nổi! Tin không?
Cá khô, anh cho tôi hai con. Khô thật mặn.
Đỗ Thành Nguyên (Trí Việt News)
Tin liên quan:
✔️ Rau “sạch” trên những vùng đất... chết
✔️ Có đi, mới thấy…
✔️ Có điều gì đó kinh khủng ở phía sau...
✔️ Chúng ta đang tự đốt nhà mình
✔️ Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, điểm bắt đầu của một thảm họa khác...
✔️ Mẹ Maria vẫn đang che chở Đông Yên như đã từng che chở. Mẹ vẫn hiện diện là “Nữ Vương Quyền Phép!”