Trung Quốc muốn gì ở tiểu vùng sông Mekong?


Tin liên quan:
✔️ Những điểm bất ổn của luật đặc khu
✔️ Muốn bay vào Việt Nam, phải xin phép Trung Quốc
✔️ Giấc mộng toàn cầu của Trung Quốc: Ác mộng của láng giềng
✔️ Phát hiện bản đồ của Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa, đề nghị chia sẻ rộng rãi
✔️ Việt Nam bán khoáng sản cho Trung Quốc rẻ gần một nửa so thế giới
✔️ Bóng dáng tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent trong thương vụ đầu tư vào Tiki.vn

Hợp tác giữa các quốc gia ở khu vực Mekong - Lan Thương được các quốc gia hữu quan trong khu vực ngày một quan tâm

Một hội thảo tại Hà Nội mới đây cho thấy Bắc Kinh rất chủ động triển khai cái gọi là ‘Hợp tác Mekong – Lan Thương’ vì mục đích kinh tế và chính trị.

Hợp tác Mekong-Lan Thương bao gồm sáu quốc gia ven sông Mekong - Lan Thương, tính từ thượng nguồn là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Lan Thương là cách Trung Quốc gọi tên cho phần sông Mekong chảy trong lãnh thổ của mình.

✅ Bước đi 'bài bản'

Mặc dù đã có tới khoảng hơn 10 cơ chế hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mekong với nhau và với các đối tác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, ADB, World Bank, các cơ chế hợp tác này được xem là khá "rời rạc".

Bản đồ sông Mekong. Các dự án xây đập thủy điện từ Trung Quốc xuống Lào, Campuchia gây lo ngại cho giới vận động môi trường

Thực trạng cam kết chưa rõ ràng và thiếu điểm nhấn từ Hoa Kỳ và Nhật Bản là một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc dường như tìm được kẽ hở ở "sân sau" và đang thành công trong nỗ lực đẩy mạnh cơ chế hợp tác.

Trung Quốc từ trước tới nay chỉ tham gia ở mức cấp tỉnh trong cơ chế hợp tác tại sông Mekong.

Tuy nhiên chỉ sau hai năm thành lập, về cơ bản Bắc Kinh đã hoàn thiện giai đoạn định hình hợp tác cấp chính phủ và đang bắt đầu cho giai đoạn triển khai cụ thể các dự án cho Bắc Kinh cấp vốn.

Hơn phân nửa các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đã được bơm vào năm nước lưu vực sông Mekong với các dự án các cơ sở hạ tầng và công nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Trường, từ Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư của Việt Nam, cho rằng Hợp tác Mekong-Lan Thương (sau đây gọi tắt là 'MLC') được triển khai mạnh như một phần của 'Sáng kiến Vành đai - Con đường' của Bắc Kinh.

'Các đề xuất MLC trùng hợp với đề xuất kết nối Vàng đai - Con đường của Trung Quốc', ông Trường nói. 'Việt Nam cũng có lợi trong việc gia tăng kết nối với các nước về hạ tầng, tuy không có lợi lắm so với Lào và Myanmar bởi Trung Quốc hiện chỉ đẩy mạnh trục Bắc - Nam'.

Ông Nguyễn Quốc Trường, từ Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư

Sáng kiến Vành đai - Con đường được xem là chiến lược định hình chính sách đối ngoại mới và tạo lập phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.

Điểm đáng chú ý là các tất cả các dự án lớn thuộc Sáng kiến Vành đai - Con đường đều không có tên Việt Nam trong đó.

Bắc Kinh thành công trong việc đưa hợp tác MLC ở mức cấp bộ trưởng và cao hơn là họp thượng đỉnh với sự tham gia của người đứng đầu chính phủ các nước, giống như các cơ chế hợp tác của Asean, Apec…

Điều này nảy sinh quan ngại rằng Bắc Kinh đã và đang thể chế hóa cơ chế hợp tác chính thức với 5 năm nước thuộc Asean và không loại trừ khả năng bào mòn cơ chế hợp tác của Asean vốn mang nặng tính hình thức và thiếu thực chất, theo giới quan sát.

"Ý nghĩa quan trọng của MLC không chỉ là về đầu tư bởi vẫn còn nhỏ theo qui mô của Trung Quốc. MLC là cơ chế hợp tác tại Đông Nam Á đầu tiên được Trung Quốc gây dựng. Một siêu cường đang lên cần đóng vai trò áp đảo tại các cơ chế hợp tác hiện tại hoặc tự tạo ra cơ chế của mình," Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) viết trong bài 'Trung Quốc đang kết bạn ở Mekong' đăng trên eastasiaforum.

Trong khi đó ông Mark Stanitzkim từ Viện Friedrich Naumann vì Tự do nói với BBC rằng các nước tham gia MLC đều là láng giềng của Trung Quốc và cách tốt nhất là hợp tác trên cơ sở cùng có lợi.

✅ Tranh chấp Mekong có thể như Biển Đông?

Hội thảo nằm trong chuỗi seminar nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc

Một diễn giả trong hội thảo mô tả điều được coi là Việt Nam đang vừa hợp tác vừa đấu tranh trên 'cả nước mặn và nước ngọt', khi nói tới tới tranh chấp trên Biển Đông và quan ngại về an ninh nguồn nước với các con đập thủy điện trên dòng Mekong.

Trung Quốc đã xây ít nhất 6 đập thủy điện ở thượng nguồn, tạo ra một số quan ngại về an ninh nguồn nước.

Trong khi đó Lào, nơi chiếm 35% nguồn nước sông Mekong, đã và đang xây dựng nhiều đập thủy điện, điển hình là đập Xayaburi gây nhiều tranh cãi.

Trong khi giới quan sát đổ lỗi cho các đập thủy điện của Trung Quốc gây ra hạn hán lớn, điển hình là trường hợp ở Việt Nam hồi năm 2016, thì một số nhà nghiên cứu Việt Nam nói tại chính lãnh thổ Việt Nam đã xây nhiều đập thủy điện.

Được biết một tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam còn đầu tư sang Lào cho một dự án đập thủy điện, khiến dẫn đến việc "khó nói" khi Việt Nam muốn đấu tranh với Lào trong việc muốn Lào ngưng triển khai các dự án đập thủy điện.

Một diễn giả muốn ẩn danh nói chính phủ Việt Nam nên có cách quản lý tốt việc đầu tư ra nước ngoài để tránh điều mà ông gọi là 'chân phải giẫm vào chân trái', khi dẫn chiếu về tập đoàn kinh tế này.

Một diễn giả khác tại hội thảo mô tả các con đập thủy điện là vấn đề nhức nhối nhất và ví tranh chấp tiềm năng ở vùng Mekong với tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Nguyễn Hoàng (BBC)
Tin liên quan:
✔️ Những điểm bất ổn của luật đặc khu
✔️ Muốn bay vào Việt Nam, phải xin phép Trung Quốc
✔️ Giấc mộng toàn cầu của Trung Quốc: Ác mộng của láng giềng
✔️ Phát hiện bản đồ của Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa, đề nghị chia sẻ rộng rãi
✔️ Việt Nam bán khoáng sản cho Trung Quốc rẻ gần một nửa so thế giới
✔️ Bóng dáng tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent trong thương vụ đầu tư vào Tiki.vn

Về đầu trang