Tôi có theo dõi thông tin và tìm hiểu cẩn trọng, nên tôi đề nghị chính quyền TP.HCM giữ lại nguyên trạng Hội dòng Mến thánh giá Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm và các cơ sở tôn giáo lâu đời ở vùng đất này.
Bởi đó là những cơ sở tôn giáo có nhiều giá trị về di sản, lịch sử, phù hợp với văn hóa dân tộc và họ cũng chưa có vi phạm pháp luật nào để có thể nghĩ đến chuyện xử lý hay giải tỏa, di dời đi nơi khác.
Phương án tốt nhất là chính quyền TP.HCM giữ lại các cơ sở tôn giáo lâu đời đó và tạo ra điểm nhấn về tâm linh trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, cùng với các cơ sở tôn giáo khác như chùa, miếu, những vùng đất có tính linh thiêng trong tâm tưởng cư dân nơi đây.
Một khu đô thị muốn trở thành nơi hội tụ, nơi chia sẻ của cộng đồng thì dứt khoát phải có cơ sở tôn giáo, phải có hiện diện khuôn mặt của tâm linh để cư dân có thể chia sẻ với nhau trên những niềm tin riêng chung của họ.
Nhờ sự phát triển của kinh tế mà ngày nay văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa tâm linh, đang được coi trọng, củng cố. Đây là xu hướng chung ở nhiều nước chứ không riêng Việt Nam. Có thể khẳng định điều này khi tham khảo cách duy trì văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa tín ngưỡng của người Nhật Bản. Người Nhật rất hiện đại nhưng cũng rất cẩn thận lưu giữ các di tích và điều này vô cùng quan trọng đối với công tác giáo dục thế hệ trẻ, hướng cộng đồng dân cư xích lại gần nhau hơn.
Hiện nay có ý kiến rằng lối sống của người Việt Nam đang bị phá vỡ, bon chen, nhốn nháo... Vì thế, những nơi tâm linh là nơi đọng lại tâm hồn con người, giúp con người hướng thiện, sống tốt đẹp hơn. Xã hội hiện đại cần có những hạt nhân tinh thần chi phối đời sống con người, đời sống tâm linh.
Các nhà quy hoạch các khu đô thị mới đã có thiếu sót khi gần như không chú ý tới khía cạnh tâm linh. Không có chỗ cho đền, chùa, nhà thờ, trong khi những nhu cầu này tưởng xa xôi nhưng rất gần với đời sống con người.
Hình: Bên trong khuôn viên Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Chúng ta cần tiến tới chuẩn hóa trong quy hoạch các khu đô thị, phải có phương án tốt nhất cho quy hoạch khu đô thị mới trên nền tảng những vùng đất cổ, có nhiều trầm tích văn hóa, di sản, niềm tin tâm linh đối với nơi đó. Phải có chỗ cho các cơ sở thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo ở những khu đô thị mới, đặc biệt là những khu đô thị có diện tích lớn để đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Có thể dựa trên các di tích vốn có hoặc xây mới các cơ sở thờ tự.
Không gian kiến trúc mới thiếu đi nơi tâm linh như con người sống mà không có lịch sử, không có gì ghi nhận, không có gì tiếp nối, bứt người ta ra khỏi truyền thống, ra khỏi gốc gác.
Bên cạnh đó, với người nước ngoài tới Việt Nam sinh sống và làm ăn lâu dài, sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo cũng là một nhu cầu cấp thiết cần được đáp ứng. Có như vậy, cộng đồng người Hàn Quốc, cộng đồng người Nhật Bản, doanh nhân phương Tây... mới cảm thấy gắn bó với đất nước mà mình đang dừng chân. Và khi đó, họ mới an tâm làm ăn sinh sống tại nước sở tại mà không có tâm lý chụp giật.
TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo,
Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia.
Theo Người Đô Thị