Tin liên quan:
✔️ Cùng chơi với voi Pao và các bạn nào!
✔️ “Chiến công đầu tiên của bé Mi” - Câu chuyện về tự lập hay bài học về cách dùng tiền
✔️ “Câu chuyện về bàn chân” - Ehon vừa chơi vừa đọc
✔️ “Mẹ có phải là mẹ của con không?” - một câu chuyện hay về tình mẫu tử
Nếu bạn là một phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường và đang đau đầu với chuyện học hành của con, bạn nên đọc “Yêu thương không cấm đoán” hay “Tự nảy mầm tự vươn lên” của Ohmae Kenichi. Đây là cuốn sách viết về giáo dục gia đình của Ohmae Kenichi, một người Nhật thành công cả trong sự nghiệp lẫn trách nhiệm làm cha. Cuốn sách sẽ giúp bạn lý giải tốt hơn những băn khoăn của bản thân trước hiện trạng giáo dục hiện tại và tiếp thêm cho bạn cảm hứng trên con đường đồng hành cùng con.
Ở Nhật Bản, tác giả của những cuốn sách nuôi dạy con thường là các bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm lý. Những cuốn sách này thường được viết căn cứ trên các nghiên cứu khoa học kết hợp với các trường hợp điển hình mà các tác giả đã điều trị, tư vấn thành công. Tuy nhiên, ở đây, Ohmae Kenichi không phải là bác sĩ, cũng không phải chuyên gia tâm lý. Ông là một doanh nhân, một nhà tư vấn tài chính và đồng thời cũng là một người thầy trực tiếp làm công việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp quốc tế. Bởi thế, sách của ông sẽ không đi vào chi tiết việc nuôi dạy con, mà xuyên suốt cuốn sách, ông trình bày về những quan điểm chi phối cách nhìn của ông đối với bản chất của giáo dục, mối quan hệ giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình cũng như những điều cần chú ý để tôn trọng và phát triển cá tính, tài năng của con trẻ.
Trên thế giới, Ohmae Kenichi được biết đến trong vai trò là chuyên gia tư vấn tài chính của McKinsey & Company. Năm 1993, ông được bình chọn là 1 trong 17 người có tầm ảnh hưởng toàn thế giới trên tờ Tạp chí Doanh nhân của Vương quốc Anh. Năm 1994, ông thuộc tốp 5 của danh sách này. Ông cũng là người mở trường Attackers Business, chuyên đào tạo nhân lực toàn cầu chất lượng cao. Chính vì vậy, việc ông có cái nhìn phê phán đối với giáo dục trường học và khát vọng dùng kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của mình truyền lại cho các thế hệ đi sau là điều dễ hiểu.
Cuốn sách “Yêu thương không cấm đoán” của ông lần đầu tiên được nhà xuất bản PHP của Nhật xuất bản với tên gọi “Dù cha mẹ có phản đối thì con vẫn làm”, sau đó được in lại năm 2012, đổi tên thành “Phương pháp giáo dục con của gia đình Ohmae” và có bổ sung phần phỏng vấn hai người con trai. Bản tiếng Việt của cuốn sách này được dịch từ bản in năm 2012. Khi đọc cuốn sách của ông, có ba điều khiến tôi, một giáo viên đồng thời cũng là một phụ huynh phải suy ngẫm: thứ nhất là các quan điểm giáo dục độc đáo; thứ hai là sự tôn trọng và theo đuổi các giá trị truyền thống như hạnh phúc gia đình, thứ ba là sự phản hồi “thực chứng” từ hai người con trai.
✅ Các quan điểm giáo dục độc đáo của Ohmae Kenichi
Quan điểm giáo dục độc đáo của Ohmae Kenichi được hình thành dựa trên sự phân tích sắc sảo về đặc trưng của thế giới và xã hội Nhật Bản trong thời đại toàn cầu hóa. Theo ông, đó là thời đại mà xã hội biến đổi nhanh và không ngừng: “Đây là thời kì mà “mô hình thành công” thoắt cái đã trở nên hỗn bại, “kết quả của các đáp án” luôn bất ngờ thay đổi xoành xoạch”. Chính vì vậy mà theo ông, trường học vốn là nơi chỉ biết dạy người ta làm theo khuôn mẫu để đáp ứng một bậc thang giá trị tiêu chuẩn định sẵn, giờ đã không còn đáp ứng được yêu cầu tạo ra những con người năng động, có khả năng trí tuệ ứng phó nhanh nhạy, hiệu quả với thế giới đang thay đổi chóng mặt ở xung quanh. Trong con mắt ông, giáo dục nhà trường là nơi chứa đựng đầy rẫy những sự vô lý và bất lực. Ông cho rằng nhà trường “chỉ biết cho trẻ học thuộc lòng những gì được viết sẵn trong sách giáo khoa, đào tạo nên những con người thụ động ngoan ngoãn vâng lời không biết phản kháng”. Xuất phát từ tư duy đó, ông không đánh giá cao những học sinh có điểm số tốt trong quá trình học tập ở trường. Đi xa hơn, ông cho rằng: “Trẻ càng giỏi ở trường, tương lai càng đáng lo”. Ông giải thích cụ thể hơn: “Thành tích học tập của con có kém, thì các bậc cha mẹ cũng không cần phải ca thán. Ngược lại, đối tượng cần phải lo lắng chính là những học sinh được nhà trường đánh giá là ưu tú. Nói một cách khác, nếu bạn tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, bạn có thể nghĩ đến một bi kịch ở tương lai”.
Đây quả thực là một quan điểm gây “sốc” cho rất nhiều người cho dù họ là các nhà quản lý giáo dục, giáo viên hay phụ huynh. Trong xã hội đương đại, các ngôi trường và giáo viên vẫn thường tự hào về những “học sinh giỏi” của mình và các bậc phụ huynh thì luôn cảm thấy sung sướng, tự tin với những danh hiệu và điểm tốt mà con mình giành được. Điểm số làm họ yên tâm về tương lai của con cái, vì với họ, đó là chỉ dấu cho thấy con mình có khả năng vào được các trường danh tiếng, một bước đệm hoàn hảo để có thể kiếm được chỗ làm tốt, lương cao hay trở thành viên chức nhà nước – một công việc nhàn nhã, ổn định và nhanh thăng tiến.
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn vào hiện thực giáo dục trường học và suy ngẫm, chúng ta sẽ phần nào đồng cảm với Ohmae Kenichi. Rất khó để phản đối ông khi gần đây chúng ta tận mắt chứng kiến tình trạng hàng chục nghìn cử nhân thất nghiệp, trong đó có những người đã từng có thành tích học tập rất tốt, thậm chí là “thủ khoa”. Ý kiến của Ohmae Kenichi cũng không phải là một nhận định vu vơ vì bản thân ông là người sành sỏi trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp và trực tiếp tuyển dụng, đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Ở vị trí nghề nghiệp của mình, hơn ai hết, ông thấu hiểu điểm mạnh và điểm yếu của thanh niên sau khi học xong đại học và phải bước vào con đường lập nghiệp.
Nhưng không chỉ dừng lại ở chỉ trích, ông đã tự đặt ra câu hỏi cùng với các bậc phụ huynh: “Nếu không còn mong đợi gì nơi trường học, chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên làm như thế nào để con trẻ “vươn lên bằng năng lực của chính mình”? Rất đơn giản. Đó là mỗi người làm cha làm mẹ hãy tự mình dạy con cái của chính mình”.
Trong giáo dục, cho dù là giáo dục gia đình hay giáo dục nhà trường, có được triết lý – mục tiêu giáo dục tốt là điều kiện tiên quyết để có được thành công. Vậy, đối với Ohmae Kenichi, mục tiêu – triết lý giáo dục của ông là gì?
Theo Ohmae Kenichi, mục tiêu trung tâm của giáo dục gia đình là hình thành cho con “năng lực sinh tồn” (hay còn gọi là “năng lực sống”). Đây cũng chính là mục tiêu trọng tâm số một được đề ra trong Báo cáo lần thứ nhất của Hội đồng Thẩm định Giáo dục Trung ương (cơ quan có trách nhiệm cao nhất của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về chiến lược, nội dung giáo dục). Mục tiêu này cũng là mục tiêu trung tâm trong các bản “Hướng dẫn học tập” – văn bản chỉ đạo về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục đối với toàn bộ giáo dục phổ thông của Nhật Bản hiện tại. Nói một cách ngắn gọn, “năng lực sinh tồn” mà Ohmae Kenichi coi trọng là năng lực thích nghi với sự biến đổi của xã hội, năng lực tự mình phát hiện vấn đề, tự học, tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Do quan niệm như vậy nên Ohmae Kenichi phân biệt rõ “giáo dục” (thứ trường học hay lãng quên) và “huấn luyện” (thứ trường học hay thiên vị), đồng thời cho rằng bản chất của giáo dục là “dạy trẻ khả năng tự mình suy nghĩ, tư duy”.
Như vậy, có thể hiểu, con người lý tưởng mà ông muốn con mình trở thành là người có tư duy độc lập và khả năng sáng tạo cao để ứng phó với sự thay đổi của xã hội. Vì thế, xuyên suốt cuốn sách, chúng ta thấy, ông đã luôn cố gắng để tôn trọng cá tính của con và phát huy tối đa sự độc lập của các con trong mọi vấn đề. Chẳng hạn, ông đã để con “lên kế hoạch đi du lịch cho cả nhà”, “tích lũy lợi nhuận ngay trong gia đình”, và chủ trương “không cho con tiền tiêu vặt” mà yêu cầu con lao động để bố mẹ trả lương… Điển hình cho lối tư duy sắc sảo và cương quyết của ông là hành động chấp nhận cho hai con bỏ học giữa chừng để theo đuổi đam mê và lập nghiệp. Đấy là một quyết định dũng cảm và bao dung mà không phải phụ huynh nào cũng làm được.
Ông cũng là người chú ý dạy con trở thành người có trách nhiệm. Dạy con trở thành người sống có trách nhiệm trong thời đại ngày nay không phải là chuyện dễ dàng. Nhìn ra xung quanh, chúng ta thấy có rất nhiều phụ huynh vì quan tâm, bảo bọc con quá mức nên đã vô tình biến con thành người ích kỉ. Những đứa trẻ được yêu thương quá mức và chỉ biết đến mình đó, khi lớn lên rất dễ trở thành những người vô trách nhiệm. Ohmae Kenichi thì khác. Cho dù tôn trọng tối đa cá tính của con, ông luôn tâm niệm và thực thi nhất quán việc dạy con về “trách nhiệm”. Ông chỉ ra bốn trách nhiệm lớn mà cha mẹ nên dạy cho con hiểu cho dù lớn lên chúng có trở thành người như thế nào, làm ở đâu. Đó là trách nhiệm đối với “bản thân”, trách nhiệm đối với “gia đình”, trách nhiệm đối với “xã hội” và trách nhiệm đối với “đất nước”. Theo ông, “… nếu ai cũng làm tròn 4 trách nhiệm này thì cho dù có đi đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, có làm bất cứ công việc gì thì vẫn có thể sống tốt được”. Cũng theo ông, bởi vì 4 trách nhiệm này “không được trường học đưa vào giảng dạy” nên “không còn cách nào khác, những người làm cha làm mẹ như chúng ta phải trực tiếp chỉ dạy cho con cái của mình”.
✅ Một con người của gia đình và theo đuổi các giá trị nhân văn
Thật thú vị khi thấy ở Ohmae Kenichi có hai con người. Một con người thành đạt, bận rộn và say mê công nghệ, có tư tưởng quyết đoán mạnh mẽ, dám “một mình chống lại cả xã hội” và một con người kiên trì bảo vệ các giá trị truyền thống như hạnh phúc gia đình. Ông cho rằng “Gia đình là khởi nguồn của tất cả” và cảnh báo rằng “Nếu bạn không xây dựng được một gia đình mà bản thân bạn thấy hài lòng thì chắc chắn đó chính là thất bại đầu tiên của vợ chồng bạn. Kể cả bạn có tự gây dựng được công ty riêng đi chăng nữa thì đó cũng chỉ như một cái cây không có rễ, hoàn toàn vô nghĩa”. Ông cũng là người nhận thức rất sâu sắc về mối quan hệ giữa hạnh phúc gia đình và sự phồn vinh, vững mạnh của quốc gia. Người Nhật thường e ngại khi nói về bản thân và gia đình mình, nhưng ở đây, Ohmae Kenichi không ngần ngại bày tỏ: “Cá nhân tôi, tôi đã từng cho ra mắt rất nhiều tác phẩm, cũng từng mở công ty riêng. Thế nhưng, trong tất cả các những thành quả tôi đạt được, với tôi, gia đình là thứ quan trọng nhất. Gia đình là điều cơ bản nhất, phản ánh tất cả giá trị quan của người gây dựng nên nó. Khi nền tảng gia đình không bền vững thì chúng ta sao có thể xây dựng đất nước, cống hiến cho công ty hay giúp đỡ công ty của khách hàng được? Tôi nghĩ, nếu gia đình không êm ấm, nghĩa là giá trị bản thân của chúng ta đã bị phủ nhận về mọi mặt”.
Để gìn giữ, vun đắp hạnh phúc gia đình, tránh làm cho gia đình đổ vỡ gây ảnh hưởng xấu đến các con, bản thân ông dù bận rộn vẫn cố gắng dành thời gian cho gia đình. Ông quan niệm: “Để xây dựng một gia đình yên ấm, chúng ta không thể không đầu tư thật nhiều thời gian vào nó. Dành thời gian xây dựng một gia đình lý tưởng theo mong muốn của bản thân cũng chính là nhiệm vụ, là công việc và là một cơ hội tốt của mỗi người”. Từ quan niệm như thế, ông đưa ra lời cảnh báo cho những người đàn ông đang thành công trong sự nghiệp hay luôn luôn bận rộn: “Tình yêu của bạn dành cho gia đình như thế nào sẽ được thể hiện bằng chính thời gian bạn dành cho họ… Giai đoạn bận rộn cho sự nghiệp có lẽ là khi chúng ta bước vào độ tuổi 30, 40; nhưng nếu vì thế mà bạn thường xuyên vắng nhà và không có buổi trò chuyện nào cùng với các con, thì quãng đời của bạn khi về già, bạn chỉ còn ở lại với người bạn đời của mình mà thôi”. Xuất phát từ nhận thức như thế, gia đình ông đã cố gắng tối đa để cùng nhau đi trượt tuyết, câu cá, lặn biển cho dù ông là “người bận rộn nhất thế giới”.
Cũng trong cuốn sách này, ông không hề che giấu tình cảm yêu thương và đầy trách nhiệm của mình dành cho người vợ Mĩ – người đã bỏ học đại học giữa chừng, kết hôn với ông và đến Nhật, một đất nước xa lạ, khi mới 19 tuổi. Mặc dù bận rộn, ông vẫn cần mẫn dạy người vợ trẻ học tiếng Nhật và giúp đỡ vợ hòa nhập với cuộc sống ở Nhật Bản. Thật cảm động khi đọc lại những gì ông đã làm khi đó: “Hồi đó, vợ tôi mới chỉ 19 tuổi vừa chân ướt chân ráo đến Nhật. Cô ấy nói tiếng Nhật chữ được chữ mất vất vả vô cùng nên tôi dành phần lớn thời gian để chỉ thêm cho cô ấy. Đầu tiên, tôi để cô ấy viết nhật ký mỗi ngày, đi làm về tôi tranh thủ sửa những lỗi sai và ôn tập lại vào ngày hôm sau… Chính tôi đã đảm nhiệm luôn vai trò thầy giáo dạy nấu ăn kiêm thầy dạy tiếng Nhật cho vợ”. Từ trải nghiệm của chính bản thân mình, ông khuyên những ông chồng khác phải biết “hẹn hò với bạn đời của mình mỗi tuần một lần” hay “nhất định phải ở bên cạnh vợ lúc vợ lâm bồn”, những việc tưởng nhỏ nhưng không phải người đàn ông nào có gia đình cũng làm được.
Ohmae Kenichi cũng là người con rất hiếu thảo. Ông cố gắng không từ chối bất cứ sở thích hay yêu cầu gì của bố mẹ khi bố mẹ đã già. Ông cũng thường đưa bố mẹ đi du lịch cùng gia đình. Ông kể “Ngay cả khi bố tôi đã 70 tuổi và vừa trải qua ca phẫu thuật u não, tôi cũng đưa ông cùng đi lặn với mình ở vùng biển Philippin. Bố tôi từng tham chiến ở vùng biển phía nam (phía Đông Việt Nam) nên trong khi chúng tôi lặn ngụp dưới biển, ông thường ngồi trầm ngâm nhìn xa về phía nam”. Một chi tiết đó đủ cho thấy ông rất thương và hiểu bố.
Trong cuốn sách, ông cũng dành những dòng rất xúc động khi viết về người mẹ 78 tuổi của mình: “Tôi nghĩ rằng bố mẹ tôi đã quá vất vả vì tôi luôn chống đối tất cả những gì thầy cô và bố mẹ nói. Những việc tôi làm không phải chỉ là vì muốn bù đắp lại cho những vất vả của mẹ, mà chính vì bản thân bà từng nói rằng, tuy có những lúc rất khổ sở với tôi nhưng cũng có rất nhiều chuyện khiến bà cảm thấy hạnh phúc. Và sự cân bằng đó đã giúp tôi trở thành một con người như mẹ tôi luôn mong muốn. Tôi rất biết ơn mẹ về những cảm xúc đó của bà, chính vì vậy tôi luôn muốn được là người động viên, cổ vũ và khích lệ tinh thần cho bà”. Chắc chắn thái độ và hành động của ông đối với gia đình, với vợ đã có ảnh hưởng lớn đến hai người con của ông sau này.
✅ Sự phản hồi “thực chứng” từ sản phẩm giáo dục của gia đình Ohmae Kenichi
Không giống như các ngành sản xuất, nơi có thể kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi bán cho khách hàng, người ta rất khó có thể đánh giá chính xác con người – sản phẩm của giáo dục khi học sinh tốt nghiệp rời trường học. Bởi vì xã hội mới là nơi thử thách “chất lượng” của giáo dục. Ohmae Kenichi đã dẫn ra một ví dụ rất sinh động và có phần hài hước về vấn đề này: “Ví dụ, khi bạn tham gia họp lớp cấp ba, sẽ luôn có một điều thú vị xảy ra. Kinh phí họp lớp thì mỗi người đều đóng như nhau, thế nhưng theo bạn, ai là người sẽ chi trả tiền cho tăng hai? Kì lạ là những người hay đề xuất cho tăng hai thường là những người trước đây luôn có thành tích học tập lẹt đẹt. Tôi tốt nghiệp từ trường nam sinh nên hễ có họp lớp là y hệt như thế. Và thường những người cất lời đề nghị lại là những người làm nghề kinh doanh tự do”. Ông cũng dẫn ra nhiều ví dụ khác cho thấy sự trái ngược, rất nhiều học sinh, sinh viên học trường danh tiếng, có thành tích học tập tốt đã không hề thành công trong công việc và hạnh phúc trong đời sống gia đình và ngược lại nhiều học sinh có thành tích học tập bình thường hoặc không có điều kiện học hành nhiều tại trường lớp lại có được sự thành công.
Như vậy, có lẽ bạn đọc chắc hẳn sẽ tò mò rằng với những gì ông đã thể hiện trong cuốn sách, cuối cùng thì hai người con trai của ông, những người có cá tính mạnh mẽ, được ông chấp nhận cho bỏ học và sớm có cuộc sống tự lập, lớn lên trở thành người như thế nào. Sự thành công hay thất bại của hai người con, cũng như ý nghĩ của họ về cách giáo dục của ông sẽ là căn cứ “thực chứng” chứng minh cho sự hợp lý hoặc bất hợp lý trong tư duy giáo dục gia đình của Ohmae Kenichi.
Thật may, phần phụ lục trong cuốn sách, nơi đăng tải hai bài phỏng vấn hai người con trai của ông đã giúp chúng ta có thêm thông tin tham khảo để kiểm chứng.
Bài phỏng vấn Ohmae Souki, con trai cả của ông, được thực hiện vào tháng 3 năm 2012 tại phòng giám đốc công ty Creative Hope, Shinjuku, Tokyo và bài phỏng vấn Ohmae Hiroki, con trai thứ, được thực hiện vào tháng 4 năm 2012 tại nhà riêng ở Kojimachi, Tokyo.
Phần đầu của bài phỏng vấn cung cấp cho chúng ta những thông tin cơ bản về hai người con trai của ông. Xin trích lại ở đây để bạn đọc suy ngẫm:
👉 “Con trai đầu: Ohmae Souki
Sinh năm 1974. Tốt nghiệp trường Trung học và Phổ thông Nội trú Tomei. Bỏ ngang khi học Đại học Nhật Bản, khoa Công nghiệp. Tốt nghiệp trường Digital Hollywood. Năm 2002 thành lập công ty Creative Hope chuyên về tư vấn thiết kế website. Tên công ty được đặt theo tên của Souki (có nghĩa là Niềm hi vọng). Công ty Creative Hope có rất nhiều khách hàng là các doanh nghiệp nổi tiếng. Tổng số nhân viên 45 người”.
👉 “Con trai thứ: Ohmae Hiroki
Sinh năm 1979. Sau khi bỏ ngang Đại học Nam California, vào làm tại Công ty IT Venture-From Software. Phụ trách cài đặt và đánh giá Middeware, thiết kế và phát triển Game. Năm 2009 thành lập công ty riêng với mục tiêu hướng tới việc xây dựng tập đoàn phát triển Game thời đại mới. Bên cạnh đó, anh còn góp phần vào việc phổ cập và khai thác chương trình lập trình game “Unity” và Công ty Unity Technologies Japan. Đây cũng là nơi làm việc của anh hiện tại”.
Nhìn vào tiểu sử tóm tắt của hai người con của ông, chúng ta sẽ thấy nếu xét theo tiêu chí thông thường, phổ biến trong xã hội hiện tại thì hai người con của Ohmae Kenichi có vẻ là người “không thành đạt cho lắm”. Cả hai đều bỏ dở đại học, không có học vị cao và không làm việc trong bộ máy nhà nước (quan chức) hay làm ở các vị trí lãnh đạo của các tập đoàn nổi tiếng. Họ chỉ là chủ một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực IT.
✅ Như thế, phải chăng Ohmae Kenichi đã thất bại và những gì ông viết về giáo dục gia đình chỉ là những thứ giống như “lý luận suông”?
Nếu nhìn bằng con mắt tầm thường, chúng ta sẽ thấy như thế. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, nghĩa là nhìn giáo dục như là sự trợ giúp tối đa để tạo ra những cá nhân độc lập, sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm, Ohmae Kenichi đã rất thành công. Hai người con của ông là hiện thân của những gì ông muốn trong mục tiêu giáo dục của mình. Ông không định biến các con ông thành các thiên tài. Ông muốn chúng thành những người độc lập và sáng tạo. Hai người con của ông đã nỗ lực học hỏi và trở thành những người độc lập về kinh tế. Độc lập về kinh tế là nền tảng cơ bản để có độc lập về tư duy. Chính vì được nuôi dưỡng trong môi trường tự do, được thể hiện sự độc lập về tư duy và lớn lên có khả năng độc lập về kinh tế nên trong bài phỏng vấn, cho dù bày tỏ sự cảm phục, kính trọng đối với bố mình, cả hai vẫn khẳng định sẽ bước đi trên con đường riêng cả trong giáo dục gia đình và sự nghiệp, chứ không rập khuôn theo ông bố “nổi tiếng”. Khi được hỏi “Tương lai anh có muốn trở thành một người bố như ông Ohmae Kenichi không?”, người con thứ Hiroki đã thẳng thắn đáp: “Tôi sẽ không như vậy. Qua cách giáo dục của gia đình Ohmae, bài học tôi rút ra là: “Điều quan trọng là phải tự suy nghĩ và chịu trách nhiệm như một con người độc lập”, nên nếu tôi bắt chước lại những gì bố đã làm, tất cả mọi thứ sẽ bị phá hủy. Với tư cách là một người con, tôi muốn tự mình suy nghĩ, tự mình xây dựng một phương thức cho riêng mình”. Đấy là tư duy của một người có “năng lực sinh tồn” – thứ mà Ohmae Kenichi cả đời tâm niệm.
Trên thực tế, chúng ta thấy không phải cứ học cao, có địa vị xã hội hay có nhiều tiền là con người ta có tư duy độc lập và biết sống như một người có trách nhiệm. Rất nhiều người cho dù có đủ các thứ trên vẫn chấp nhận “vong thân” hay sống “đa nhân cách” chỉ để tồn tại và theo đuổi các giá trị ảo. Một khi sống như vậy, họ sẽ không có trách nhiệm với gia đình và xã hội, bởi vì khi chấp nhận như vậy, họ đã không có trách nhiệm với chính bản thân mình. Một xã hội tốt đẹp không thể nào được hình thành nhờ vào những cá nhân như thế. Câu chuyện của gia đình Ohmae Kenichi bởi thế là chỉ dẫn cho chúng ta suy ngẫm sâu sắc về xã hội, về thế giới và gia đình trong bối cảnh nhiều bất an hiện nay. Xã hội chỉ có thể thay đổi khi từng gia đình thay đổi. Đơn giản vì bố mẹ là những người thầy đầu tiên của con và có ảnh hưởng lớn tới các con trong suốt cả cuộc đời.
Xin trích ở đây lời nhắn gửi của Ohmae Kenichi để khép lại bài viết này: “… một mình tôi dù có cố gắng đến thế nào đi nữa, khả năng của tôi cũng chỉ có giới hạn. Vì thế, mỗi một gia đình chúng ta hãy thay đổi cách nhìn nhận, thay đổi cách giáo dục con cái, nếu chúng ta không có những bước cải cách thực sự trong vấn đề này thì chắc chắn đất nước chúng ta sẽ không thể nào đi lên được. Nói cách khác, những người làm cha mẹ không tiên phong thay đổi thì đất nước sẽ chẳng bao giờ có thể đổi thay”.
Đây có lẽ là lời nhắn gửi mà không một ông bố, bà mẹ nào đang thực sự lo lắng cho tương lai của con mình và nỗ lực kiến tạo tương lai ấy bằng tư duy sáng suốt của người công dân phản đối.
Liên hệ mua sách!
Nguyễn Quốc Vương
Tin liên quan:
✔️ Cùng chơi với voi Pao và các bạn nào!
✔️ “Chiến công đầu tiên của bé Mi” - Câu chuyện về tự lập hay bài học về cách dùng tiền
✔️ “Câu chuyện về bàn chân” - Ehon vừa chơi vừa đọc
✔️ “Mẹ có phải là mẹ của con không?” - một câu chuyện hay về tình mẫu tử