Bi hài “thời chiến”


Cuộc biểu tình ngày 10/06/2018 nổ ra, đảng hoàn toàn bất ngờ và choáng váng trước khí thế sôi sục của nhân dân. Cũng từ đây, chính quyền nhìn đâu cũng thấy thù địch, các đồng chí công an nghe thấy gì cũng tưởng tượng ra cảnh biểu tình.

Thứ Bảy, Chúa Nhật, một tuần hậu biểu tình, trên khắp các đường phố, tỉnh thành, lực lượng công quyền dàn quân, bố ráp. Nhà của những người hoạt động hoặc đã từng đi biểu tình bị canh cửa, ngăn chặn thì là chắc chắn. Nhưng chính quyền sợ dân lên tiếng đến mức thấy ai đi ngang qua mà rút điện thoại, hoặc đứng hóng mát, đi lễ ở các khu vực “nhạy cảm” đều hốt về tính sau thì đúng là bi kịch của dân tộc. Sống trong thời bình mà dân những tưởng đang ở trong thời chiến.

Suốt cả sáng nay, sự bắt bớ diễn ra căng thẳng ở khu vực nhà thờ Đức Bà và Hồ Con Rùa, TP.HCM. Nhiều người, không phải dân biểu tình cũng vô tình bị lạc vào đồn hoặc thu điện thoại, bắt xoá hình. Cứ thấy gương mặt nào nhìn quen quen, dù chỉ là đang ngồi uống cafe là ngay lập tức vài chục đồng chí lao vào như hổ vồ mồi bắt cóc đem đi.

Tối thứ 6 trước đó, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các, chồng của blogger Nguyễn Hoàng Vi đáp chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội liền bị giữ tại sân bay Nội Bài. Nghe vậy chắc mọi người sẽ nghĩ giống như những gì đồng chí an ninh vu cho ông Các: ra Hà Nội để kích động biểu tình, hoặc biểu tình. Nhưng sự thật là Các đang học luật tại Hà Nội, xưa nay vẫn đi đi về về để học giữa Hà Nội và Sài Gòn vì gia đình Các ở Sài Gòn, điều này phía an ninh cũng biết rõ. Thế nhưng không hiểu sao lần này họ lại cố tình giữ ông tại sân bay, cướp điện thoại và bóp tiền. Hài hước hơn, họ móc tiền trong bóp của ông ra, mua vé và tống Các về lại Sài Gòn. Có vẻ như có một sự phân chia tô giới trách nhiệm rõ ràng vào thời điểm nhạy cảm. Chính quyền địa phương có thể bất chấp để địa hạt của họ được “ổn định”. Thường, ông Các ở Hà Nội cũng đều bị ngăn chặn, không thể ra ngoài mỗi khi có sự kiện nên hành vi của an ninh Hà Nội thật khó hiểu. Những an ninh giữ và cướp điện thoại của ông Các đã nhân danh an ninh Quốc gia để cướp của và phạm pháp.

Đó là chuyện bi hài của ông Các, còn bây giờ tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện hôm nay của tôi. Chuyện này khiến tôi cười nãy giờ không khép miệng được.

Chẳng là sáng nay cũng như mọi người tôi và chồng được an ninh “bảo vệ” khi ra ngoài. Sau khi cho con ghé nhà em gái chơi, đi về, trưa quay lại đón con thì tôi thấy các anh nằm rải rác trong con ngõ nhà nhỏ nhà nó. Tôi với chồng quay ra nhìn nhau hỏi: “Ủa, họ canh ai nhỉ? Chẳng lẽ canh thằng Sóc?”. Nói xong hai vợ chồng bụm miệng cười rồi chở con về.

Một lát sau, em gái tôi nhắn hỏi: “Ủa Tiến, chị về rồi mà sao các ông ấy vẫn đứng đầy trước nhà em là sao?”

Tôi ngớ ra, rồi nhớ về câu chuyện trong lúc đưa con đến nhà nó. Chuyện về nhà bà ngoại ở quê, bà một mình nuôi ba người cháu nội khôn lớn do con trai và con dâu bà đều mất sớm. Anh lớn nhất đã vào Sài Gòn bươn trải, hai anh còn lại thì bị dở hơi do di chứng sốt ngày bé. Các con có gửi tiền bao nhiêu biếu bà bà đều để dành lại để thuốc thang và lo cho hai cháu. Mẹ nhiều lần muốn đón bà lên ở nhưng bà không chịu vì còn phải lo cho hai người cháu không được như người bình thường. Với người già mà, luôn tâm niệm sống đâu thác đó.

Nhà của bà đang ở không quá lụp xụp nhưng lại nằm ngay mặt tiền con đường vào làng. Cách đây mấy tháng, các cán bộ huyện xã đã xuống để nghị bà xây lại nhà cho đẹp. Họ nói với bà là có dự án cho hộ nghèo vay để xây lại nhà rồi trả chậm. Bà cứ đập ra xây đi rồi họ đưa tiền. Số tiền hứa cho vay chỉ có 15 triệu đồng, nhưng vì mẹ tôi và các dì cũng muốn xây lại cho bà căn nhà để ở nên nói bà đồng ý. Các con hùn tiền vào lo cho bà xây lại nhà xong, đến lúc đi lấy tiền chính quyền hứa cho vay thì họ quay ra tráo trở, nói khác với những gì ban đầu giao kèo.

Mẹ tôi nghe được chuyện tức quá kể tôi nghe, tôi nghe được chuyện cũng tức quá. Nhà tôi bảo đ* thèm tiền của chúng nó nhưng phải làm cho ra ngô ra khoai, cho nó bớt lừa đảo dân, lừa đảo người nghèo, người già cả đi. Tôi gọi cho dì bảo dì làm cái băng rôn chửi lũ cán bộ lừa đảo rồi treo trước nhà bà ấy, cho người già đi qua, người trẻ đi lại đều nhìn thấy.

Không biết các anh chị an ninh đi theo vợ chồng tôi, nấp ở chỗ nào ngoài nhà nghe lỏm câu được câu không liền quýnh quáng gọi điện về tổng bộ xin chi viện quân. Thế xong là đông lắm, cứ trực trước cửa nhà thằng em rể tôi, sợ nó bị tôi kích động đi biểu tình chống luật đặc khu và luật an ninh mạng.

Những câu chuyện bi hài thế này không thể kể hết trong “thời chiến” hôm nay. Nỗi sợ hãi quá lớn khiến cho họ làm ra những chuyện vừa khốn nạn vừa buồn cười.

Sự độc ác là tên bạo chúa luôn đi cùng với nỗi sợ hãi. – Thomas Fuller –

Trịnh Kim Tiến
Về đầu trang