Bóng ma Trung Quốc và luật an ninh mạng


Ngày mai quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật an ninh mạng. Tôi nghĩ nếu không có gì đột biến thì luật này sẽ được thông qua.

Ngoài việc trá hình tên gọi so với phần lớn các nước, thì luật này lại sao chép gần giống luật của Trung quốc. Điều này không có gì lạ vì Việt Nam dường như sao chép mọi đường lối và mô hình phát triển của Trung quốc.

Sẽ bình thường nếu một nước phát triển sau sao chép cách thức của một nước phát triển trước. Đặc biệt trong trường hợp 2 nước có mối bang giao tốt đẹp thì đó là điều rất hay. Nhưng oái oăm là giữa Việt Nam và Trung quốc không phải là 2 nước bang giao thân thiết mà lại có mối quan hệ theo kiểu nước phát triển mạnh đang xâm chiếm nước ít phát triển hơn và ngày càng muốn xâm chiếm nhiều hơn.

Với một phương thức phát triển không giống phần còn lại của thế giới, Trung quốc áp dụng cách bưng bít thông tin với người dân của họ bằng phương pháp đặc thù của họ, trong đó mới phát sinh thêm cách xiết bằng Luật an ninh mạng. Và dĩ nhiên họ cũng rất muốn Việt Nam làm như vậy với luật an ninh mạng.

Nhưng nếu với các vấn đề khác, Trung quốc muốn Việt Nam bắt chước chỉ để “có người giống mình” thì với Luật an ninh mạng, nó lại hoàn toàn khác. Trung quốc muốn Luật an ninh mạng khóa hoàn toàn những cái miệng phản đối Trung quốc.

Trong những ngày qua, nếu không có những ý kiến mạnh mẽ của người dân về vấn đề 3 đặc khu thì vấn đề này đã được quốc hội bấm nút thông qua. Nhưng vì có những ý kiến mạnh mẽ, nên phải lùi lại. Đây là một cú sốc lớn cho nhà cầm quyền Trung quốc. Vì vậy bằng mọi giá Trung quốc phải gây sức ép lên Luật an ninh mạng.

Tôi không đi sâu phân tích những tác hại của vấn đề 3 đặc khu trong bài này, chỉ nhấn mạnh rằng, Luật an ninh mạng và Luật 3 đặc khu là 1 “cặp bài tẩy” mà Trung quốc tung ra, và một trong 2 quân bài đã bị bóc mẽ, vì vậy quyết tâm gây sức ép lên quốc hội Việt Nam để thông qua Luật an ninh mạng là một quyết tâm “sinh tử” của Trung quốc.

Luật an ninh mạng chắc chắn sẽ được thông qua nếu chỉ có những phản đối bình thường của các nhân sĩ trí thức trong nước. Nó chỉ bị hoãn khi các nhà nghiên cứu chính sách phát hiện nó mâu thuẫn trầm trọng với các công ước quốc tế hay các hiệp định mà Việt Nam đã ký với nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ. Nhưng liệu với chỉ thời gian 1 ngày nữa, có còn kịp để làm việc này không?

Đây chính là bi kịch lớn nhất cho Việt Nam và nó sẽ xảy ra trong ngày mai ngoại trừ việc ông Lê Duẩn sống lại lúc này.

Trần Đình Thu
Về đầu trang