Đất nước mình đẹp quá phải không các bạn?
Có người nói: “Việt Nam là một nước không có tôn giáo”, đúng thôi, vì các tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên Chúa giáo đều là được du nhập. Nhưng lại có người phương Tây nói: “Không ở đâu trên thế giới này có nhiều Nhà Thờ như Việt Nam”. Càng đúng, mỗi gia đình Việt Nam ở nơi trang trọng nhất đều có một bàn thờ. Thờ tổ tiên, đất nước, ông bà.
Lại có người nói: “Việt Nam là một đất nước không có nền triết học, không có các nhà tư tưởng”. Nhưng một nhà nghiên cứu lại viết rằng: “Bạn có thể gặp rất nhiều triết nhân ở bất cứ một làng xóm nào trên đất nước bí ẩn và đầy quyến rũ này”.
Một đất nước sẽ diệt vong nếu không có lịch sử, một dân tộc sẽ băng hoại khi chế diễu những huyền thoại của mình, một quốc gia sẽ khó mà hưng thịnh khi không có các nhà tư tưởng, không có triết học.
Chúng ta có một nền triết học gọi là “Minh triết Việt” bị vùi lấp, bị quên lãng sau những đàn áp, phá bỏ tận gốc rễ nền văn hóa xây đắp từ bao đời, có những nhà tư tưởng bị cố tình không nhắc đến như: Lý Đông A, Lương Kim Định, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ v.v…
Ai cũng đồng ý, đất nước phải thay đổi và phải bằng văn hóa, một cán bộ an ninh nói với tôi: “Mất văn hóa là mất hết, là mất nước”. Nhưng văn hóa, nhất là văn hóa Việt Nam là gì? Đó là nhiệm vụ của trí thức.
Tôi có tham vọng và đang viết một cuốn sách tạm gọi là “Minh triết Việt qua những huyền thoại, những vật dụng, những con người”. Ví dụ như: Các nước Bắc và Đông Nam Á đều dùng đũa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam nhưng tại sao chỉ duy nhất Việt Nam có đôi đũa cả? Người Việt Nam từ thế hệ 8x ai mà không biết đôi đũa Cả, vai trò của nó trong bữa cơm hàng ngày, tại sao bây giờ nó gần như tuyệt tích, thay bằng cái vá (cái muôi) của Tàu, của Nhật? Có phải là một điều vớ vẩn không? Hay là đó là một thông điệp của tiền nhân? Hay một nhân vật mà không đâu trên thế giới này có như Thằng Mõ (viết hoa), một thứ nghề nghiệp chỉ giành cho những kẻ khốn cùng, ở dưới đáy xã hội, là cái loa phát lại những ý muốn của tầng lớp cai trị, nhưng những “lời hay, ý đẹp” của đám “phụ mẫu chi dân” trong làng xã đều chui vào hết cái váy của vợ Thằng Mõ.
Hay bà Âu Cơ đẻ ra cái bọc trăm trứng rồi vứt ra ngoài đồng (sao lại vứt ra ngoài đồng?), rồi lại chia 50 người theo cha ra biển, 50 người ở lại với mẹ (sao mẹ không xuống biển mà ngược lại?). Sao lại “Mẹ tròn con vuông?” sao lại bánh chưng thì vuông, bánh dày thì tròn? vv….
25 thế kỷ của triết học phương Tây, đồ sộ với những tên tuổi thống trị tư tưởng thế giới nhưng kết quả chỉ làm cho thế giới thêm hỗn loạn với những cuộc thế chiến đẫm máu, những học thuyết mới luôn ra đời và theo đó những cuộc tranh luận cũng kéo theo không bao giờ chấm dứt thậm chí sản sinh ra những chủ nghĩa quái dị, tàn độc như Nazi và Cộng sản. Hoặc ít tệ nhất thì cũng là sinh ra một đám người, lời lẽ cao siêu khó hiểu, tự cho mình là đỉnh cao trí tuệ, tự cho mình là một giai cấp tinh hoa khác hẳn đám quần chúng còn lại, đi đứng khệnh khạng, hành xử lập dị, phát ngôn rậm rì bí ẩn với những ngôn từ bí hiểm v.v… nhưng mớ kiến thức đó chẳng giúp gì cho cuộc sống thường nhật.
Người ta quay về phương Đông tìm trong văn minh Trung Hoa, tìm triết lý qua cuốn sách vĩ đại như Kinh Dịch, nhưng lại bế tắc trước câu hỏi: Một đất nước có nhiều phát minh và tư tưởng vĩ đại như vậy, tại sao dân tộc Trung Hoa mãi không trưởng thành, đất nước Trung Quốc càng phát triển thì càng mang lại thêm nỗi lo ngại cho thế giới? Phải chăng những tư tưởng đó không phải là của Hán? Vậy nó của ai và nó đang được chôn dấu ở đâu? Càng đi, càng đọc, càng tìm hiểu tôi càng thấy ngỡ ngàng sửng sốt. Tuyên bố của ông Vũ Cafe Trung Nguyên: “Việt Nam sẽ cứu thế giới” mà mọi người đang chế diễu, đang coi là kẻ tâm thần, hoang tưởng phải chăng là tiếng “chiềng làng chiềng chạ” của Thằng Mõ thời hiện đại? Hãy thử nghe và suy nghĩ. Biết đâu?
Tôi giật mình khi đọc Nguyễn Công Thiện, từ hơn nửa thế kỷ trước ông đã tiên đoán sau những hoang tàn đổ nát trên thế giới, Việt Nam sẽ vươn lên từ đống tro tàn và cứu thế giới.
Hay Lý Đông A viết năm 1945, Việt Nam phải tự cường và sẽ tự cường, nhưng phải mất 60 năm để làm những việc chuẩn bị (đến 2005) cho việc đó. Tiếc rằng, những công việc của ông và các đồng chí bị cắt đứt bởi phát súng oan nghiệt của Việt Minh khi ông mới 27 tuổi.
Hay những cố gắng của triết gia Lương Kim Định mở khoa Triết Đông trong Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1970, nhưng công việc của ông cũng bị cắt đứt bởi ngày 30/04/75. Một nhà nghiên cứu Hà Nội than rằng: “Đường bay tuyệt đẹp của con phượng hoàng bị dừng lại đột ngột giữa chừng”.
Trước họa mất nước đang hiển hiện, phải chăng cũng là cơ hội cho nước Việt phục sinh? Bởi vì tôi thấy, dù còn nhiều khác biệt nhưng đại số người Việt đều có lòng yêu nước.
Ngô Nhật Đăng