Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc bày tỏ quan ngại về việc Quốc hội Việt Nam thông qua bộ luật An Ninh Mạng vốn gây nhiều tranh cãi vì chứa đựng những điều khoản đi ngược lại với những cam kết của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký.
Luật An ninh mạng trao cho Chính quyền một quyền lực rất lớn, cho phép họ yêu cầu các công ty công nghệ và các nhà cung cấp dịch vụ phải chia sẻ dữ liệu về thông tin cá nhân của người dùng, từ chối cung cấp dịch vụ và kiểm duyệt bài đăng của người dùng mà không cần đến quyết định của tòa án.
Chúng tôi bày tỏ thêm quan ngại rằng Luật an ninh mạng có thể được Chính quyền sử dụng để đàn áp những tiếng nói bất đồng.
Chúng tôi khuyến khích Chính phủ Việt Nam cung cấp môi trường thuận lợi cho tự do ngôn luận cả trên mạng và ngoài đời ở Việt Nam.
Trong khi khi tự do tư tưởng là quyền tuyệt đối thì tự do biểu đạt có thể bị giới hạn trong một số phạm vi, nhưng chỉ khi những giới hạn này được quy định bởi luật và là cần thiết trong việc bảo vệ: quyền lợi hoặc danh tiếng của người khác; an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội.
Hơn nữa, bất kì sự can thiệp nào cũng cần phải được đánh giá một cách cẩn thận và khách quan về tính cần thiết, tính hợp pháp và tính cân xứng.
Chúng tôi lấy làm tiếc về việc thiếu các hoạt động tham vấn minh bạch với công chúng, cũng như các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi luật An ninh mạng trước khi luật được thông qua.
Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để người dân và xã hội dân sự tham gia vào quy trình làm luật và chính sách.
Chúng tôi cũng đang quan tâm tới các báo cáo đụng độ giữa những người biểu tình và công an trên khắp Việt Nam trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối Dự luật về các đặc khu kinh tế và An ninh mạng, dẫn đến việc bắt giữ một số lượng lớn người biểu tình vào ngày Chủ nhật vừa qua. Chúng tôi đặc biệt lo ngại với cáo buộc một số người biểu tình đã bị các cơ quan thực thi pháp luật đánh đập.
Các vấn đề liên quan đến quyền tự do ngôn luận, biểu đạt và lập hội dự kiến sẽ được thảo luận chi tiết vào đầu năm 2019, trong các phiên kiểm điểm đối với Việt Nam, trong khuôn khổ của kỳ Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR). Đồng thời, Uỷ ban Nhân quyền LHQ cũng sẽ đánh giá mức độ thực hiện của Việt Nam đối với những cam kết của nước này theo Công Ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
UN Human Rights - Asia