Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Công việc làm ăn của Trung Quốc tại Malaysia có lẽ sẽ không còn được suôn sẻ như xưa nữa. Sự kiện cựu thủ tướng Mahathir Mohamad từng lãnh đạo nước này trong hơn 2 thập niên cách nay 15 năm đã được bầu lại làm thủ tướng sau cuộc bầu cử Quốc Hội hôm 09/05/2018 vừa qua, như đã thổi một luồng gió ngược vào đà tiến tưởng như không gì cưỡng lại được của Trung Quốc tại đất nước Đông Nam Á.
Bắc Kinh như đã nhận thức rõ nguy cơ này nên đã vội lên tiếng kêu gọi tân chính quyền Malaysia duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai bên.
Tín hiệu của ông Mahathir bắn về phía Trung Quốc rất rõ ràng khi chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi có kết quả đắc cử, ông đã tuyên bố muốn đàm phán lại một số thỏa thuận với Bắc Kinh.
Theo hãng Reuters, trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur, tân thủ tướng Malaysia cho biết ông ủng hộ sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, nhưng dành quyền tái đàm phán một số điều khoản trong những thỏa thuận đã ký với Bắc Kinh nếu cần thiết. Thông điệp của ông Mahathir còn hàm ý chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Theo ông Mahathir: “Chúng tôi không có vấn đề gì với dự án Một Vành Đai, Một Con Đường, ngoại trừ việc chúng tôi không muốn thấy có quá nhiều tàu chiến trong khu vực, bởi vì chiến hạm này sẽ thu hút những chiến hạm khác, và khu vực sẽ trở nên căng thẳng vì sự hiện diện của tàu chiến”.
Tuyên bố đòi đàm phán lại các thỏa thuận với Trung Quốc mang đầy đủ ý nghĩa trong bối cảnh trong suốt thời gian vận động tranh cử ông Mahathir đã liên tục tố cáo thủ tướng đương thời Najib Razak là “bán tống, bán tháo” đất nước cho Trung Quốc, và đặt vấn đề về những khoản đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh vào Malaysia, từ lãnh vực địa ốc, phát triển đô thị, cho đến đường sắt, cảng biển…
Có hai đại dự án bị ông Mahathir đặc biệt chỉ trích: Tuyến đường sắt phía đông bán đảo Malaysia, trị giá ít nhất 17 tỷ đô la (theo hãng tin Mỹ Bloomberg), được giao cho tập đoàn Kiến Thiết Giao Thông Trung Quốc chủ trì, và dự án địa ốc Forest City 40 tỷ đô la, ngoài eo biển Johor, mà cho đến nay 70% khách mua là người Trung Quốc.
Đối với ông Mahathir, cần phải xem xét lại tính cần thiết của dự án đường sắt, và lợi ích cho người dân Malaysia từ dự án Johor. Trong cuộc vận động tranh cử hôm 26/04 chẳng hạn, ông Mahathir cho rằng “Malaysia không được gì từ núi tiền” mà Trung Quốc đổ vào, và liên minh đối lập do ông lãnh đạo, nếu đắc cử, sẽ không có bất kỳ sự dễ dãi nào với dòng tiền từ Trung Quốc.
Theo nhận xét của nhật báo Mỹ Bloomberg ngày 07/05, dân Malaysia ngày càng lo ngại về cách Trung Quốc tài trợ cho các dự án khiến cho Malaysia trong thực tế khó có thể trả được nợ. Năm ngoái, Sri Lanka đã phải giao cảng Hambantota cho các công ty do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát để bù lại khoản nợ 1,1 tỷ đô la không trả được sau khi vay để xây dựng cảng này.
Các tập đoàn Trung Quốc cũng nổi tiếng với việc đưa công nhân, thiết bị và vật liệu từ nước mình sang, thay vì dựa vào nguồn lực địa phương. Như khi xây đường sắt tại Malaysia, chính phủ Malaysia thậm chí còn nêu việc ngôn ngữ bất đồng để biện minh cho việc nhập nhân công và vật tư từ Trung Quốc.
Còn đầu tư Trung Quốc vào bất động sản đã tạo ra tâm lý ganh tỵ, mối quan ngại về chủ quyền và chủ nghĩa bài ngoại. Dưới thời ông Najib, từ năm 2012 đến năm 2016, người nước ngoài chiếm khoảng 35% giao dịch đất đai ở Malaysia, đa số là người Trung Quốc. Dự án Forest City dự trù có 700.000 cư dân, cho đến nay, 70% người mua là người Trung Quốc. Các bất động sản ở đây có giá lên tới 250.000 đô la, ngoài khả năng tài chánh của hầu hết dân địa phương.
Sự kiện đối lập Malaysia thắng cử, lật đổ người thân cận với Trung Quốc dĩ nhiên đã khiến Bắc Kinh lo ngại.
Khi được hỏi về tuyên bố của ông Mahathir, hôm 10/05, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng tránh đề cập đến chuyện tái đàm phán mà chỉ khẳng định rằng quan hệ hai nước vẫn đang phát triển tốt, có lợi cho cả hai bên, do đó các thỏa thuận song phương cần phải được “trân trọng và bảo vệ”.
Phát ngôn viên Trung Quốc đã gạt bỏ những quan ngại về những tuyên bố “không thân thiện” trước đây của ông Mahathir đối với Trung Quốc, cho rằng chính ông Mahathir đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc phát triển quan hệ Bắc Kinh-Kuala Lumpur.
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 11/05 cũng cho rằng tân thủ tướng Malaysia cần phải thực tế, và bảo đảm hai điểm then chốt: Ổn định trong nước và quan hệ tốt với Trung Quốc.
Lý do mà tờ báo đưa ra là để phát triển đất nước, ông Mahathir cần phải tạo được một môi trường ổn định để khuyến khích thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, trong lúc đó thì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và vào năm 2017, là nhà đầu tư đứng hàng thứ sáu, sau Singapore, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ và Hồng Kông.
Trong một nhận định đăng ngày 11/05 trên trang mạng của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusuf Ishak tại Singapore, chuyên gia Ian Storey cũng cùng quan điểm, cho rằng Trung Quốc có một vai trò rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Malysia, và chính ông Mahathir là “kiến trúc sư” của chính sách thân thiện với Trung Quốc vào đầu những năm 1990.
Tuy nhiên, ông Mahathir rất bất bình trước thái độ quá lệ thuộc của cựu thủ tướng Najib Razak với Bắc Kinh, và không ngần ngại tố cáo người tiền nhiệm là đã đặt lợi ích riêng tư bên trên quyền lợi quốc gia.
Một ví dụ thường được ông nêu lên là dự án địa ốc Forest City trị giá 40 tỷ đô la Mỹ ở Johor, với Trung Quốc là nhà đầu tư chính và công dân Trung Quốc là khách mua chủ yếu. Theo ông Mahathir, với dự án Forest City, Malaysia đã bán chủ quyền đất nước cho Trung Quốc, và dự án đó “không phải là Trung Quốc đầu tư mà là định cư.”
Ông Mahathir thậm chí còn cáo buộc Najib phá hoại vị thế phi liên kết của đất nước bằng cách khởi xướng quan hệ quân sự với Trung Quốc, và cho rằng giờ đây Malaysia không còn độc lập nữa mà đã là “một thành viên khối Trung Quốc.”
Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia Storey, giới phân tích an ninh khu vực sẽ quan tâm nhất đến quan điểm của tân chính phủ Malaysia về Biển Đông, nơi mà Malaysia tuyên bố chủ quyền trên 12 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và hiện kiểm soát năm thực thể, trong lúc Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn bộ các vùng biển đảo nằm bên trong đường 9 đoạn mà họ vẽ ra.
Đối với thủ tướng Mahathir, Malaysia không thể, và không nên đối đầu với Trung Quốc bằng quân sự, nhưng phải mạnh mẽ duy trì các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực và đàm phán với Trung Quốc.
Trong toàn cảnh nêu trên, chuyên gia Storey cho rằng mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đã lo ngại trước kết quả bầu cử tại Malaysia, nhưng trong thực tế, sẽ không có những thay đổi lớn trong quan hệ song phương Bắc Kinh-Kuala Lumpur: Đối với Malaysia, Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng không thể xúc phạm, và ngược lại, Malaysia là một tác nhân chính trị trọng yếu trong ASEAN mà Trung Quốc không thể coi thường.
Cho dù vậy, trong vài tháng tới đây, một số dự án do Trung Quốc tài trợ gây tranh cãi, và đặc biệt là những vụ liên quan đến vụ bê bối tài chính quỹ đầu tư 1MDB sẽ được xem xét kỹ lưỡng và Malaysia có thể công khai hơn trong việc phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Mai Vân (RFI)