👉 1. Không ít người bây giờ tưởng “Việt Nam” nghĩa là... nước Nam của người Việt. Tưởng vậy là tưởng bở. “Việt” ở đây không dùng để chỉ dân tộc Việt (tỉ như Việt trong “Lạc Việt” 雒 越), không phải vậy, mà “Việt” lại là tên gọi của một lãnh thổ ... bất ngờ hết sức! (ở đoạn sau trong bài sẽ nói rõ).
Việt Nam trở thành quốc hiệu chính thức của nước ta là vào đời vua Gia Long, năm 1804. Trước đó, theo dòng lịch sử, chẳng hạn đời Lý, Trần, Lê dù mang quốc hiệu “Đại Việt” nhưng nước Tàu họ cứ gọi xứ sở lấy Thăng Long làm kinh đô là “An Nam”. Chỉ đến đời Gia Long sau khi đặt quốc hiệu “Việt Nam”, lấy Huế làm kinh đô, bên Tàu mới từ bỏ cách gọi truyền kiếp “An Nam” mà gọi nhứt quán luôn là “Việt Nam”!
Đời nay chúng ta mỗi khi hãnh diện về hai chữ “Việt Nam” thì nên nhớ tới cái danh xưng đó do vua Gia Long đặt ra, đừng uống nước mà quên luôn cái nguồn quốc hiệu đó từ đâu, đừng bị nhiễm thói ăn cháo đá bát.
👉 2. Ban đầu, năm 1802, vua Gia Long đặt tên nước là “Nam Việt”, sai sứ sang Tàu nói họ bỏ cách gọi “An Nam” đi, từ rày trở đi nên gọi là: 南 越 Nam Việt. Nhưng nhà Thanh e ngại hai chữ 南 越 (Nam Việt) sẽ gợi nhớ đến quốc hiệu vào đời Triệu Đà thuở xa xưa mà lãnh thổ bao trùm luôn cả Quảng Đông lẫn Quảng Tây.
(nhân đây mở ngoặc: trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập”, tức Nguyễn Trãi khẳng định Triệu Đà có công trạng lớn lao trong dựng xây ý thức độc lập của nước ta. Bây giờ đẩy Triệu Đà văng ra khỏi lịch sử nước nhà cái rụp! Không lẽ tầm cỡ kiệt xuất như cụ Nguyễn Trãi mà... lầm lẫn về lịch sử hay sao? Có dịp, sẽ nói về vấn đề này)
👉 3. Để tránh sự e ngại từ nhà Thanh, vua Gia Long đã đổi “Nam Việt” thành “Việt Nam” (越 南). Kỳ thực, cả hai danh xưng này cùng chung một ý nghĩa. Trịnh Hoài Đức (1765-1825), sử gia nổi tiếng sống dưới thời vua Gia Long, cho biết: “Việt Nam là quốc hiệu thích hợp để chỉ một lãnh thổ thống nhứt giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài”, và diễn giải ý nghĩa của quốc hiệu này là: “chúng ta sở hữu đất của Việt Thường trước, và vùng An Nam được thêm vào sau đó” (trong Cấn Trai thi tập).
Hai chữ “Việt Nam” là sự kết hợp giữa “Việt” (Thường) với “(An) Nam”.
Việt Thường là xứ mô? Theo những sách cổ xưa như “Hậu Hán thư”, “Thượng thư đại truyện”, “Tư trị thông giám cương mục” thì nước Việt Thường 越 裳 nằm về phía nam Giao Chỉ.
Trong cuốn “Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập” xác định tên gọi “Việt Thường” “là tên cổ của xứ Champa”!
Một nguồn khác cho biết cách gọi “Việt Thường” là để chỉ lãnh thổ về phía nam của Giao Chỉ, bao gồm cả Phù Nam (sau này trở thành vùng Thủy Chân Lạp).
Trịnh Hoài Đức viết “chúng ta sở hữu đất của Việt Thường 越 裳 trước”, để ghi nhận các bậc tiền nhân của vua Gia Long (là các Chúa Nguyễn) đã hùng cứ tại Đàng Trong (Champa, Thủy Chân Lạp), sau đó Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) đã “thêm vào vùng An Nam 安 南 “ là xứ lấy Thăng Long làm kinh đô (tức Đàng Ngoài).
THAY LỜI KẾT
Ghép chữ “Việt” (trong “Việt Thường”) với “Nam” (trong “An Nam”) thành quốc hiệu Việt Nam, là sự ghi nhận đàng hoàng, đâu ra đó về nguồn gốc của từng vùng lãnh thổ!
Qua đó, vua Gia Long cho thấy niềm hãnh diện trước việc thống nhứt Đàng Trong với Đàng Ngoài, lãnh thổ nước ta lần đầu tiên trải rộng từ bắc chí nam, kéo dài từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau thành đường cong chữ S.
Tắt một lời, Việt Nam dùng để nhấn mạnh sự hợp nhứt lãnh thổ (bao gồm nhiều cộng đồng dân tộc; chứ không nói riêng cho tộc Việt)!
Ý nghĩa nêu trên của hai chữ Việt Nam, thiệt hay hết sức, hãnh diện hết sức. Đừng nói do vua Gia Long đặt quốc hiệu nên lờ đi, không chịu tìm hiểu ý nghĩa.
Hay là... chúng ta chỉ được phép “tự hào” trước quê hương chữ S cong cong thời nay, bất chấp Mẹ Việt Nam lưng đang cong oằn vì đủ thứ nợ nần?
Nguyễn Chương