👉 Nhiều dự án chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 đến 2020, tầm nhìn 2025.
Báo cáo cho thấy, năm 2016-2017 vốn vay Trung Quốc đứng hàng thứ 5 trong số các nhà tài trợ với 281 triệu USD.
Bộ KH-ĐT khẳng định: Vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Việt Nam tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc
"Vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm", báo cáo của Bộ KH-ĐT cho hay.
Các khoản vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Bộ KH-ĐT lưu ý: "Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đẩu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư".
Do đó, Bộ này đề xuất Chính phủ trong định hướng đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc thời gian tới "cần được xem xét và cân nhắc".
👉 Với một số nhà tài trợ vốn song phương khác thì sao?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ODA Nhật Bản, điều kiện vay thông thường với các mức lãi suất từ 0,6% đến 1,2%, Thời hạn vay từ 15-30 năm, ân hạn từ 5-10 năm. Điều kiện vay ưu đãi với các mức lãi suất từ 0,4-1%, thời hạn vay từ 15-30 năm, ân hạn từ 5-10 năm.
Hàn Quốc, lãi suất dao động từ 0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu (lãi suất 0% áp dụng đấu thầu giữa các công ty Hàn Quốc, lãi suất 2% áp dụng đối với các dự án đấu thầu giữa công ty Hàn Quốc và Việt Nam), thời hạn vay 25-40 năm, ân hạn từ 7-10 năm.
Hợp tác song phương của một số nước châu Âu như Pháp, Đan Mạch, Đức, Hungary, Tây Ban Nha... sẽ có thay đổi khi Việt Nam đã thành nước thu nhập trung bình. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025 và sau 2025, các nhà tài trợ song phương nhiều khả năng sẽ xem xét, điều chỉnh các điều kiện vay về lãi suất, phí quản lý, phí cam kết, thời hạn vay, thời gian ân hạn.
Các tuyến metro ở TP.HCM vay vốn ODA đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
👉 Cẩn trọng “bẫy vay ODA và vay ưu đãi”
Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ KH-ĐT đánh giá ODA và vốn vay ưu đãi cũng bộc lộ những điểm hạn chế nhất định. Cùng với quá trình phát triển của quốc gia nhận viện trợ, lãi suất vay có xu hướng tăng dần. Cho nên, Bộ KH-ĐT cảnh báo nếu không cân nhắc kỹ “có thể rơi vào bẫy ODA và vay ưu đãi” khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.
Một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu... khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với những trường hợp có đấu thầu cạnh tranh.
Ngoài ra, rủi ro do tác động bất lợi của biến động tỷ giá, đặc biệt là việc lên giá của đồng tiền ODA và vay ưu đãi so với đồng Việt Nam, “có thể làm tăng nghĩa vụ trả nợ và tăng nợ công”.
Hiện nay, danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 3 loại tiền chủ đạo là USD, Yên Nhật và Euro với tỷ lệ tương ứng là 44%, 32% và 17% dư nợ bằng ngoại tệ của Chính phủ đến cuối 2015). Cho nên, trường hợp các đồng tiền này biến động bất lợi trong tương lai cùng với việc điều chỉnh tỷ giá mạnh của Ngân hàng Nhà nước có thể làm tăng chi phí trả nợ và giá trị danh nghĩa các khoản nợ nước ngoài quy theo đồng Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng tổng nợ công tăng nhanh trong 5 năm qua đã gây ra quan ngại lớn về những rủi ro kinh tế khi vay nợ quá mức. Với việc trở thành nước thu nhập trung bình, khả năng tiếp cận vốn vay nước ngoài ưu đãi của Việt Nam giảm dần và sẽ sớm chất dứt. Điều này khiến Bộ KH-ĐT lo ngại sẽ dẫn đến “lãi suất trung bình của nợ công trong trung hạn tăng lên”.
Mặt khác, nợ nước ngoài của Chính phủ tăng cũng khiến Việt Nam đứng trước rủi ro tỷ giá cao hơn nếu thương mại quốc tế giảm mạnh hoặc thị trường tín dụng đóng băng như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008-2009.
Trong khi đó, nếu dựa quá nhiều vào vay trong nước (thông qua trái phiếu) thì lại làm tăng rủi ro về lãi suất của Chính phủ. Với hơn 50% trái phiếu Chính phủ do các ngân hàng thương mại trong nước nắm giữ cũng gây thêm rủi ro khác nữa cho hệ thống tài chính. Bởi vì bất kể sự sụt giảm đột ngột nào trong giá trị trái phiếu Chính phủ sẽ ngay lập tức “gây ra hậu quả tiêu cực” cho cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng.
Đó là chưa kể, việc Chính phủ vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ có thể sẽ làm giảm cơ hội tiếp cận tín dụng của khu vực doanh nghiệp và tư nhân, ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh.
Lương Bằng (Vietnamnet)