◪ “Sao có thể treo cờ nước khác?!”
Liên quan đến kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) được thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Chắc chắn không thể cho phép sử dụng đồng tiền của nước ngoài ở Việt Nam bởi vì mỗi quốc gia đều có chủ quyền và chỉ sử dụng đồng nội tệ ở đất nước mình thôi.
Luật pháp Việt Nam cũng chưa cho phép sử dụng đồng tiền của nước ngoài ở nước ta. Nếu muốn sử dụng, người ta phải đổi đồng tiền của nước ngoài sang tiền Việt Nam. Sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào”.
➥ Bà Phạm Chi Lan kịch liệt phản đối đề xuất cho thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ ở Việt Nam
Bà Lan cho rằng, nếu cho thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam là xâm phạm chủ quyền của ta bởi tương tự như việc treo cờ, chỉ có thể là cờ của nước ta chứ sao có thể là cờ của nước khác được?!
“Dù nó có ảnh hưởng tốt hay xấu tới nền kinh tế Việt Nam thì cũng không chấp nhận được và tôi tin rằng sẽ không có ai cho phép điều đó xảy ra”, bà Lan nhấn mạnh.
Nói về giao dịch lên đến 15 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ ở biên giới, bà Lan cho rằng, còn tùy theo họ thanh toán như thế nào mới có thể kết luận có vi phạm luật pháp hay không.
“Trong thương mại giữa các nước với nhau, họ có thể ký thỏa thuận phương thức thanh toán bằng đồng tiền nào để thanh toán. Thế nhưng, dù dùng đồng tiền nào đi chăng nữa thì cũng phải thanh toán qua ngân hàng theo các quy định liên quan của hai bên về quản lý ngoại hối.
Do vậy, phải xem xem 15 tỷ USD đó được sử dụng như thế nào. Nếu là tiền chui lủi, gian lận với nhau hoặc không thông qua ngân hàng thì đó là vi phạm pháp luật. Nhưng cũng rất khó có thể đo đếm được đó là bao nhiêu.
Trước hết những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về việc này, nhưng hiện nay chúng ta đang gặp khó ở chỗ không đo được trong số 15 tỷ USD đó bao nhiêu là đã giao dịch qua ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, bao nhiêu là không và những đối tượng nào đã thực hiện các giao dịch đó”, bà Lan nói.
◪ Bị động, dễ gặp rủi ro lớn
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - VNBA) nêu quan điểm: “Tôi không đồng tình với việc thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ ở Việt Nam bởi đó không phải là phương án tốt, không đảm bảo, không an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung”.
➥ Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - VNBA)
Lý giải cho quan điểm trên, ông Đức phân tích, nếu cho thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ, ta sẽ bị bị động, phụ thuộc, thậm chí gặp rủi ro, thiệt hại lớn khi có biến động nhỏ với quy mô giao dịch lớn. Cùng với đó, khả năng ta trả được nợ cho Trung Quốc sẽ không xảy ra trong khi ta chịu thiệt hại rất lớn nhất là với những giao dịch hàng chục tỷ USD bằng Nhân dân tệ.
Nói cách khác, nếu sử dụng trực tiếp đồng Nhân dân tệ để thanh toán sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rõ ràng Trung Quốc đang ôm tham vọng quốc tế hóa đồng tiền của họ. Nước nào cũng muốn đồng tiền của mình có giá trị, được cả thế giới công nhận là ngoại tệ mạnh, có thể tự do chuyển đổi chứ không riêng gì Trung Quốc.
Cũng theo ông Đức, “Tôi nghĩ sẽ có rất ít người Việt chịu dùng đồng Nhân dân tệ bởi người ta không tin tưởng vào thị trường Trung Quốc cũng như Ngân hàng trung ương của họ trong việc định giá đồng Nhân dân tệ.Với đà phát triển kinh tế mạnh nhất nhì thế giới như hiện nay, Trung Quốc khát khao và sẽ quyết tâm làm việc đó bằng mọi cách từ những việc nhỏ nhất, dễ nhất đó là mở rộng phạm vi thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ ở các nước láng giềng, những nước phụ thuộc vào kinh tế của họ hay các nước có đồng tiền yếu giá trị đầu tiên bởi các nước đó sẽ dễ bị thuyết phục, dễ bị ảnh hưởng hơn từ những cái lợi trước mắt.
Khi sử dụng tiền Trung Quốc, họ sẽ có cảm giác rủi ro, bị động cho nên ai cũng muốn quy đổi ra đồng USD bởi nó được bảo đảm và được tất cả mọi người tôn trọng, sự biến động lên xuống của giá USD cũng tương đối ổn định, hợp lý. Trong khi đó, giá đồng Nhân dân tệ có thể lên xuống thất thường, phá giá.
Hơn nữa, cả thế giới đang lên án, yêu cầu định giá lại đồng tiền của Trung Quốc một cách hợp lý. Rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn buôn bán lớn sẽ có cảm giác đó là một nguy cơ rủi ro lớn thì người ta sẽ không chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ. Mặc dù vậy, hiện trên thị trường vẫn có một số giao dịch nhỏ lẻ bằng đồng Nhân dân tệ. Nhưng vì số đó chiếm rất ít nên các ngân hàng cũng không giao dịch, buôn bán bằng đồng Nhân dân tệ”, ông Đức cho biết thêm.
Tuy vậy, xét ở khía cạnh kinh tế, chuyên gia này cho rằng nếu hai bên cảm thấy có thể thống nhất giao dịch bằng đồng tiền nào khi ký thỏa thuận hợp tác thì luật pháp Việt Nam không cấm điều đó.
Được biết đây không phải lần đầu phía Trung Quốc đưa ra đề xuất trên. Từ cách đây 4 – 5 năm, họ đã liên tục theo đuổi khát vọng này, nhưng Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận.
Phong Nguyên (theo Giáo Dục Việt Nam)
Bài về những trò ngược đời, vô lý: