Tiếc nuối Thủ Thiêm

Trên sông Sài Gòn giờ đây bến phà Thủ Thiêm không còn, đường hầm thay thế cũng không mang tên “hầm Thủ Thiêm” như vẫn quen gọi từ khi khởi công đến ngày hoàn thành (1). Nhắc đến hầm Thủ Thiêm thì ai ai cũng hiểu đó là công trình kết nối khu nội thành hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, biểu tượng của tương lai thành phố. “Thủ Thiêm” không chỉ là một địa danh mà còn có ý nghĩa như thế. Source: https://haukhaoco2010.blogspot.com/2018/09/cac-bai-ve-thu-thiem-1.html
Bến đò Cây Bàng ở Thủ Thiêm xưa.
Chiều đi ngang bến Bạch Đằng thấy trống trải thiêu thiếu một cái gì đó… A phải rồi, phà Thủ Thiêm đã ngừng hoạt động hơn nửa tháng nay. Còn nhớ một ngày đi làm về thấy hai con gái có gì buồn buồn. Gặng hỏi, con gái nói: tụi con ra bến Thủ Thiêm, hôm nay là chuyến phà cuối cùng mẹ ạ… Rồi chúng cho tôi xem những bức hình chụp con phà đang rời bến phía Sài Gòn, ra giữa sông rồi cặp bến phía Thủ Thiêm. Gương mặt hành khách, gương mặt những người làm việc trên phà đều lặng lẽ… Nhiều người dân Sài Gòn cũng đến bến Thủ Thiêm để chia tay với quá khứ gần trăm năm của những chuyến phà cũng như trước đây đã từng chia tay với những “con  đò Thủ Thiêm” qua lại trên sông này hàng trăm năm.

Bến đò Cây Bàng ở Thủ Thiêm xưa.
Bến đò Cây Bàng ở Thủ Thiêm xưa.

Bây giờ nối đôi bờ sông Sài Gòn từ quận Nhất qua bán đảo Thủ Thiêm đã có đường hầm dưới lòng sông, mai mốt còn có thêm những chiếc cầu hiện đại nữa. Từ “con đò Thủ Thiêm” đến chuyến phà Thủ Thiêm, rồi đường hầm rồi cầu… thành phố lớn lên rộng ra từng ngày. Thành phố càng hiện đại ký ức quá khứ  bằng vật chất ngày càng nhạt nhòa… may chăng chỉ còn những tên gọi, địa danh gợi nhớ một thủa có những chuyến đò, chuyến phà qua sông. Những cây cầu mới qua sông Tiền sông Hậu như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu… ai đi qua đó mà không nhớ những bến phà nổi tiếng một thời ở miền Tây Nam bộ?

Trên sông Sài Gòn giờ đây bến phà Thủ Thiêm không còn, đường hầm thay thế cũng không mang tên “hầm Thủ Thiêm” như vẫn quen gọi từ khi khởi công đến ngày hoàn thành (1). Nhắc đến hầm Thủ Thiêm thì ai ai cũng hiểu đó là công trình kết nối khu nội thành hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, biểu tượng của  tương lai thành phố. “Thủ Thiêm” không chỉ là một địa danh mà còn có ý nghĩa như thế.

“Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.”

Câu ca dao quen thuộc giờ còn ai nhớ đến khi vùng Thủ Thiêm với làng quê dọc ngang kinh rạch giờ đã giải tỏa gần hết. Bên bờ phía sài Gòn mấy ai còn nhớ đến Cột cờ Thủ Ngữ ngay gần bến phà Thủ Thiêm? Mai này thành phố sẽ có cầu qua sông Nhà Bè thay cho phà Bình Khánh, sẽ còn nhiều cây cầu thay thế những chuyến phà, những bến đò qua những con sông, rạch, tắt… Đừng xóa bỏ tên những bến đò, bến phà, tên những dòng sông con rạch mà thay bằng những tên gọi ra đời từ văn bản “hành chính”. Dấu tích vật chất có thể bị phá bỏ, làm mất đi nhưng địa danh dân gian không dễ biến mất, đơn giản vì nó đã được lưu giữ và di truyền qua nhiều thế hệ cư dân thành phố, trở thành di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống địa danh giúp ta nhận ra lịch sử, đặc trưng văn hóa một vùng đất, thể hiện tâm thức lối sống cư dân và có khi là sự ghi nhận dấu ấn một con người của vùng đất đó… Địa danh tồn tại trong ký ức của từng người dân, góp phần làm nên lịch sử văn hóa của thành phố.

Sài Gòn giờ đã mất nhiều tên chợ, tên hẻm, tên khu vực, tên bến phà cây cầu cổ xưa… Có khi nào sau này muốn tìm hiểu về Sài Gòn xưa qua địa danh lại phải tìm đến những người Sài Gòn xa xứ…?!

(1) Hội đồng nhân dân TP quyết định đặt tên là “Hầm qua sông Sài Gòn”
(Viet-Studies ngày 20.1.2013)

Ts. Nguyễn Thị Hậu (khảo cổ)
Bài về chủ đề Lịch sử-Truyền thống:
Về đầu trang