Tôi không thuộc diện người mê bóng đá cuồng nhiệt, nhưng rất quan tâm đến những trận cầu quốc tế có đội Việt Nam. Mỗi lần như thế là một dịp thấy rất rõ lòng tự hào về màu cờ sắc áo nổi lên trong chính mình; một dịp để mọi người biểu dương, thể hiện tình yêu đối với tổ quốc; nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Nhưng tình yêu nào cũng vậy cần phải bằng cả con tim - khối óc. Và bóng đá chỉ là bóng đá thôi.
Không phải bóng đá được nhất nhì là Việt Nam nhất nhì ASIAD, cứ nhìn bảng huy chương thì sẽ rõ. Vào đến tứ kết đã là một kỳ tích với bóng đá Việt Nam, nếu đi sâu được nữa (và ai cũng mong muốn thế) thì càng quý giá hơn. Nhưng không phải thế mà cho rằng Việt Nam đã mang đẳng cấp quốc tế, vận nước đã sáng rồi, “bình minh chiếu khắp nơi”... Bóng đá không phải là vận nước. Đội tuyển Syria có kém gì Việt Nam, nhưng đất nước ấy gần chục năm nay triền miên nội chiến; từ 2015 đến tháng 7 năm 2017 có khoảng 331.765 đến 475.000 người thiệt mạng, 4,9 triệu người Syria đã đi tị nạn khắp nơi (1).
Tôi là người rất thất vọng về chiến lược tuyên truyền của Chính phủ trong việc chỉ đạo để có được bản quyền truyền hình trực tiếp về ASIAD 2018. Tôi vui vì thấy VOV đã khôn ngoan và cố gắng để khắc phục lỗi này; nhưng không đánh giá cao, vì đó là nhiệm vụ chính trị của chính VOV, 1 trong vài cơ quan đứng đầu về truyền thông quốc gia. Tôi không phê phán, “mắng mỏ” VTV và ông TBM, mà chỉ tiếc cho họ đã bỏ mất một cơ hội hiếm hoi để khẳng định mình, lại làm giảm niềm tin và tình yêu của công chúng với VTV. Không nên chỉ qua 1 việc mà đề cao hoặc hạ thấp cá nhân hay tập thể nào đó… Cuộc sống còn nhiều điều đáng nói lắm, bóng đá chỉ là bóng đá thôi.
Tôi cũng sung sướng, hò reo, vỗ tay và rưng rưng nước mắt mỗi khi nhìn thấy đội tuyển Việt Nam chiến thắng; cũng hồi hộp nín thở mỗi khi gặp tình huống đội nhà lâm nguy; cũng náo nức và cay cay nơi sống mũi khi nhìn thấy biển người ngập trong cờ hoa rực rỡ mỗi lần đội tuyển Việt Nam thắng lợi… Tôi tôn trọng niềm vui và cách thể hiện niềm vui của mọi người, nhưng nếu bạn hỏi “có xuống đường không?” tôi sẽ lắc đầu. Tôi càng không muốn nhìn thấy cứ sau mỗi lần như thế, hàng trăm con người lại lũ lượt vào bệnh viện, nhiều người mãi mãi không trở lại hoặc tàn phế suốt đời do tai nạn giao thông. Tôi sẽ ngồi nhâm nhi ly cà phê và nghĩ về chiến thắng; không thể cởi áo, tụt quần; vứt cả nội y khoe hàng nơi công cộng, nhảy sex và miệng hát vang “tự hào quá Việt Nam ơi”… Không thể coi đó là thể hiện tình yêu tổ quốc. Bóng đá chỉ là bóng đá thôi mà.
Nếu trận chiều nay đội Việt Nam thắng, đương nhiên là cả nước “vỡ tung”. Và tôi cũng vỡ òa theo cách của mình. Nhưng nếu thua thì cũng chỉ buồn thôi; đừng vì thế mà đổ lỗi, truy tìm lý do và kết tội… Bóng đá là một cuộc chơi có ít nhiều may rủi; trận bán kết chỉ có một bên thắng. Ai ra sân mà lại muốn thua? Mà thiên hạ thì thiếu gì người tài, đâu chỉ có Việt Nam… Ngoài trời còn có trời kia mà.
Vui hay buồn thì cũng cần đúng mực, vì bóng đá chỉ là bóng đá thôi.
HN 29-08.
(1) Theo Tổ chức nhân quyền quốc tế.
Đỗ Ngọc Thống