◪ 1. Doanh nghiệp vỡ nợ hàng loạt, hệ thống tài chính hỗn loạn
Có một số người quan niệm rằng khi bị đánh thuế thì Trung Quốc sẽ tăng giá bán khiến cho người tiêu dùng Mỹ gánh hậu quả. Đây là cách hiểu ấu trĩ. Thực ra trên thị trường tự do, không nhà sản xuất nào có thể quyết định giá bán hàng hóa của họ mà giá bán này luôn là kết quả của sự điều tiết tự nhiên bao gồm rất nhiều yếu tố phức tạp khác nhau.
Trên thị trường tự do, giá bán là một yếu tố vô cùng nhạy cảm. Khi nhà sản xuất tăng giá bán lên một hai phần trăm thì thị trường đã ít nhiều phản ứng, còn khi nhà sản xuất tăng lên với mức 25% thì lập tức mọi thứ sẽ đóng băng, nghĩa là người tiêu dùng không mua hàng nữa.
Trở lại với Trung Quốc. Sau khi bị áp thuế mức cao như hiện nay, cần phải hiểu rằng các nhà sản xuất Trung Quốc phải rút hàng hóa ra khỏi thị trường Mỹ. Các chuyên gia kinh tế Mỹ đã tính toán mức 25% đủ để hàng hóa Trung Quốc biến mất khỏi thị trường Mỹ. Ở đây cần hiểu Mỹ áp thuế là để Trung Quốc thoái khỏi thị trường Mỹ chứ không phải là để họ ở lại.
Khi bị loại khỏi thị trường Mỹ, điều khó khăn cho Trung Quốc là họ không thể tìm kiếm thị trường mới thay thế kịp thời. Vì việc chen chân vào một thị trường mới không phải là việc có thể làm trong ngày một ngày hai. Ở tầm vỹ mô, chính phủ Trung Quốc có thể tìm ra phương thức thay thế, có thể là tăng tiêu dùng nội địa, nhưng đó là việc giải bài toán cho cả nền kinh tế, còn với từng nhà sản xuất thì là bài toán khác. Ngay trước mắt các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trung Quốc không phải là nước giàu như nước Mỹ để có thể bù đắp thiệt hại cho nhà sản xuất như Mỹ làm với ngành nông nghiệp của họ là tung ra gói hỗ trợ 12 tỷ USD. Trong bối cảnh ảnh hưởng quá rộng lớn thì khả năng cao nhất là doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị để cho tự bơi. Và đó là thảm cảnh lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc.
Hiện nay doanh số xuất khẩu của Trung Quốc đang trên đà giảm, và dự báo sẽ giảm nghiêm trọng khi các gói trừng phạt của Mỹ tăng lên cùng lúc các nước thân Mỹ tham gia chiến tranh thương mại. Bloomberg nhận định sẽ có đợt phá sản khủng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc trong ngắn hạn.
Khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Hiệu ứng domino lúc này sẽ khởi động. Hậu quả cuối cùng là nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào suy thoái nặng nề, tình trạng thất nghiệp tràn lan, mức sống người dân giảm sút tệ hại.
◪ 2. Co cụm lại và tách biệt với thế giới
Tuy vậy, bản thân Trung Quốc là một thị trường rộng lớn đến 1/6 thế giới, có thể tiêu thụ một lượng hàng hóa khổng lồ, vì vậy các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ giải bài toán theo hướng này. Họ sẽ tập trung cho việc tiêu dùng nội địa kiểu “Người Trung Quốc xài hàng Trung Quốc”.
Nhưng để thực hiện việc này cũng không hề dễ, nhất là khi phải thực hiện trong tình trạng bị động và khẩn cấp. Hơn nữa, song song với quá trình chuyển đổi hướng sản xuất từ xuất khẩu qua tiêu dùng nội địa này, kinh tế Trung Quốc cũng chìm dần vào suy thoái rồi, nên mọi việc càng trở nên rối rắm.
Cần lưu ý là hiện nay hầu như Trung Quốc không có đồng minh, ngoại trừ một vài nước có lập trường chống Mỹ nhưng tỷ trọng nền kinh tế của các nước đó so với kinh tế toàn cầu rất nhỏ bé. Ngược lại phía Mỹ đang thân thiết với rất nhiều nền kinh tế hùng mạnh, có thể phát động các nền kinh tế này tham gia cuộc chiến như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Úc... Vì vậy trong cuộc chiến này, Trung Quốc hầu như một mình chống lại các nền kinh tế hùng mạnh nhất.
Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc sẽ co cụm lại trong thị trường nội địa của mình, đóng cửa với phần còn lại của thế giới. Nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ trở nên nghèo nàn, suy tàn vào cuối cuộc chiến.
Trần Đình Thu
Bài viết mang tính bình luận, nhận định: