Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ gần đây đã chỉ thị cho Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan chính phủ có liên quan tìm cách kiểm soát các dịch vụ ví điện tử của Trung Quốc như WeChat Pay và AliPay, cũng như các điểm chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng bất hợp pháp tại các điểm tham quan thường xuyên có khách du lịch Trung Quốc lui tới. Chính phủ lo ngại rằng việc sử dụng các phương thức thanh toán như vậy, trong đó các giao dịch được thực hiện giữa các tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc của khách du lịch và chủ doanh nghiệp, có thể đi vòng qua hệ thống ngân hàng và quy định của Việt Nam, dẫn đến thất thoát nguồn thu thuế và các vấn đề tiềm tàng khác.
Đây là một trong nhiều thách thức mà chính quyền Việt Nam phải xử lý để gặt hái được những lợi ích từ sự gia tăng số lượng du khách Trung Quốc trong khi giảm thiểu các tác động không mong muốn mà họ có thể tạo ra cho đất nước nói chung và nền kinh tế nói riêng. Trong nửa đầu năm 2018, 2,5 triệu du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 32% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Tuy nhiên, những lợi ích mà du khách Trung Quốc mang lại cho Việt Nam có thể không thực sự lớn như vẻ bề ngoài.
Các báo cáo khác nhau trên phương tiện truyền thông chỉ ra rằng nhiều khách du lịch đã đến Việt Nam thông qua cái gọi là “tour không đồng” do các công ty du lịch Trung Quốc tổ chức. Trong những chuyến du lịch này, du khách Trung Quốc lưu trú tại các khách sạn do người Trung Quốc quản lý, ăn tại các nhà hàng Trung Quốc và mua sắm tại các địa điểm mua sắm của người Trung Quốc. Họ cũng sử dụng hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc thay vì hướng dẫn viên người địa phương. Cũng giống như việc sử dụng các dịch vụ ví điện tử của Trung Quốc, những vấn đề này làm giảm hiệu ứng tích cực mà khách du lịch Trung Quốc mang lại cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp địa phương nói riêng.
Sự gia tăng dòng chảy của khách du lịch Trung Quốc cũng có xu hướng tạo ra các vấn đề chính trị cho chính phủ Việt Nam. Ví dụ, các nhà đầu tư Trung Quốc đã nhờ người Việt Nam đứng tên để mua đất nhằm xây dựng khách sạn phục vụ du khách Trung Quốc. Trong một số trường hợp nhất định, những mảnh đất này nằm cạnh các cơ sở quân sự, gây ra những lo ngại về an ninh. Vào tháng 5 năm 2018, một nhóm khách du lịch Trung Quốc mặc áo phông in hình bản đồ Trung Quốc có đường chữ U gây ra sự giận dữ trong công luận Việt Nam. Vào năm 2016, công chúng Việt Nam cũng tức giận khi một hướng dẫn viên Trung Quốc được cho là đã giới thiệu với các du khách Trung Quốc rằng “Đại nội Huế có kiến trúc giống Trung Quốc bởi trước đây nơi này thuộc Trung Quốc”.
Những vấn đề mà du khách Trung Quốc gây ra cho các nước chủ nhà không phải là duy nhất đối với Việt Nam. Những câu chuyện tương tự có thể được nghe thấy trên khắp Đông Nam Á và các nơi khác. Ví dụ, một bài báo gần đây của học giả Campuchia Pheakdey Heng đã nêu lên các vấn đề tương tự ở Campuchia. Bên cạnh các các vấn đề khác, tác giả nhận thấy rằng “Người định cư và du khách Trung Quốc tới Campuchia nhưng mua hàng từ các doanh nghiệp Trung Quốc, ăn ở các nhà hàng Trung Quốc và ở tại khách sạn của người Trung Quốc. Tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp địa phương là rất nhỏ.”
Trong một số trường hợp, khách du lịch Trung Quốc cũng có thể trở thành một công cụ chiến lược để chính phủ Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình. Ví dụ, trong cuộc đối đầu năm 2012 tại Bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã chỉ đạo các công ty du lịch của mình dừng đưa du khách Trung Quốc tới Philippines để gây áp lực lên Manila. Hoàn toàn có thể Trung Quốc sẽ làm tương tự với Việt Nam nếu căng thẳng song phương trên Biển Đông leo thang trong tương lai, khiến Hà Nội càng dễ bị tổn thương hơn trước ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.
Thành công kinh tế của Trung Quốc trong bốn thập niên qua đã giúp gia tăng thu nhập của người dân, cho phép ngày càng nhiều người Trung Quốc có thể đi du lịch nước ngoài. Sự bùng nổ khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài đã mang lại những cơ hội lẫn thách thức mới cho các nước chủ nhà trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo nghĩa đó, tương tự như sự nổi lên của Trung Quốc, khách du lịch Trung Quốc, như cách nói của Bloomberg, thực sự đang định hình lại nền kinh tế thế giới dù là theo hướng tốt hơn hay tệ hơn.
Lê Hồng Hiệp (theo Nghiên Cứu Quốc Tế)
Người Nước Huệ nói thêm:
Sáng qua tôi được 1 sĩ quan PA 83 ở Đà Nẵng mời uống ăn sáng, uống café. Chúng tôi nói chuyện hòa nhã, vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau. Anh ấy cũng có vài câu hỏi về những gì tôi viết hoặc copy từ nguồn khác post lên FB trong thời gian qua.
Tôi đã trả lời những thắc mắc của anh ấy rất thiệt tình, rồi nói thêm: “Tôi vẫn sẽ post những bài mang tính cảnh báo về mối nguy hiểm mà chính quyền Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra đối với chủ quyền, an ninh và lợi ích của dân tộc Việt Nam. Bởi tôi tin trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam cũng có người cần những thông tin này và họ sẽ có những hành động thích hợp. Ví dụ: việc dừng (tạm thời) thông qua Luật đặc khu kinh tế hay việc hôm qua bà Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem lại Thông tư cho phép lưu hành đồng nhân dân tệ ở 7 tỉnh biên giới tiếp giáp Trung Quốc… chứng tỏ họ (những người lãnh đạo) cũng đã đọc và những thông tin mà cộng đồng mạng đăng tải để cảnh báo, trong đó có tôi”.
Tôi đăng lại bài này ở đây cũng vì một lý do tương tự, dù có thể gặp rắc rối. Nhưng tôi chấp nhận đối mặt với rắc rối để giữ cho mình “quyền mở miệng”, chứ không chọn cách im thin thít như nhiều bạn bè tôi đã chọn.
Rứa hỉ.
Bài về các thủ đoạn: